Đà Nẵng giảm mạnh phương tiện khai thác hải sản gần bờ: Chủ trương đúng, nhưng phải chuẩn bị kỹ

Thứ năm, 18/08/2016 10:20

(Cadn.com.vn) - Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và quy hoạch phát triển ngành NN&PTNT của Đà Nẵng, đến năm 2020 thành phố chỉ còn khoảng 150 tàu thuyền dưới 20CV so với con số 777 phương tiện như hiện nay. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp nhưng chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là áp lực giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho hàng nghìn lao động.

Chủ trương cấp thiết

Giống như thực trạng chung của cả nước, Đà Nẵng còn lượng lớn tàu thuyền công suất nhỏ, phương tiện, công nghệ khai thác lạc hậu. Điều này dẫn đến hệ quả là nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Theo quy hoạch phát triển ngành NN&PTNT thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 cũng như Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tàu thuyền theo hướng phát triển bền vững thì đến năm 2015 không còn thúng gắn máy và đến năm 2020 còn khoảng 150 tàu công suất dưới 20CV. Tuy nhiên, cho đến giữa năm 2016 thành phố vẫn còn 777 phương tiện trong diện này (474 thuyền thúng gắn máy và 303 tàu công suất nhỏ dưới 20CV). Hoạt động khai thác ven bờ đang đối mặt với những thách thức làm cho nguồn lợi hải sản giảm sút, năng suất khai thác và hiệu quả kinh tế không cao, phát triển thiếu hài hòa với các hoạt động kinh tế khác tại khu vực ven biển.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ thu mua 777 phương tiện dưới 20CV đồng thời hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.200 lao động.   Ảnh: C.K

Đề án giảm số lượng tàu cá, thuyền thúng gắn máy công suất nhỏ hơn 20CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ giai đoạn 2016-2020 do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký quyết định ban hành hướng tới giảm tác động tiêu cực của nhóm phương tiện này đồng thời khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, vươn khơi khai thác, góp phần cùng cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền quốc gia. Theo thống kê của Đề án, bên cạnh 777 phương tiện có công suất dưới 20CV nằm trong diện đã đăng ký thì khu vực ven bờ, bãi ngang còn có 218 phương tiện khác thuộc diện này không đăng ký hoạt động (75 tàu và 143 thuyền thúng gắn máy). Tàu cá khai thác ven bờ chủ yếu là tàu vỏ gỗ, một số là nan be gỗ, có kích thước nhỏ, đánh bắt thủ công, manh mún, nhỏ lẻ, phương tiện bảo hộ thô sơ, không đảm bảo an toàn. “Hoạt động khai thác ven bờ đang đối mặt với những thách thức làm cho nguồn lợi hải sản giảm, kéo theo suy giảm về môi trường biển, mất dần đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, năng suất khai thác và hiệu quả kinh tế không cao, có sự cạnh tranh với các hoạt động dịch vụ du lịch”, Đề án nhấn mạnh.

Theo kế hoạch phân kỳ, từ năm 2016 đến năm 2020 thành phố sẽ trích 23,47 tỷ đồng để thu mua lại các phương tiện cũng như hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.200 lao động. Cụ thể, các phương tiện nằm trong diện này sẽ được thu mua lại với mức từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các phương tiện đã đăng ký và từ 5 đến 10 triệu đồng đối với phương tiện chưa đăng ký. Kinh phí hỗ trợ để chủ tàu mua phương tiện mới làm ăn, góp vốn tham gia hoạt động chuyển đổi nghề hoặc đào tạo nghề phù hợp cho từng đối tượng, Chủ tịch UBND thành phố giao các quận quyết định thực hiện với mức 10 triệu đồng/người (không hỗ trợ cho lao động trên các phương tiện không đăng ký).

Để thực hiện thành công đề án thì công việc quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho người dân.  Ảnh: Công Khanh

Cẩn trọng thực hiện theo lộ trình

Việc triển khai thực hiện đề án được đánh giá là có tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất và đời sống của cộng đồng ngư dân. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các địa phương phải làm tốt công tác tham mưu, thực hiện từng bước theo lộ trình với các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để ngư dân tự giác, chủ động chuyển đổi nghề, có việc làm ổn định sau khi chuyển đổi nghề, đảm bảo an sinh xã hội khu vực dân cư ven biển.

Trò chuyện với chúng tôi trong lúc đang sơn lại chiếc ghe nhỏ, vợ chồng ông Lê Văn Xấu (73 tuổi, trú tổ 45, P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) tâm sự, hồi trước thành phố cũng có hỗ trợ cho các chủ phương tiện “siêu nhỏ” khai thác ven bờ để chuyển đổi ngành nghề nhưng rồi đâu lại vào đấy, nhiều hộ dân vẫn tái hạ thủy đánh bắt kiếm sống vì không tìm được nghề gì phù hợp. “Có ai ngoài 70 tuổi rồi còn lặn biển kiếm từng con chip chip, đục từng con hàu mô chú. Nhưng mỗi ngày không bước chân lên ghe thì lấy gì mà sống. Tui sợ nhận tiền hỗ trợ xong rồi cũng hết, khi đó chẳng biết làm chi ra ngày dăm bảy chục hoặc trăm nghìn. Bọn trẻ xin việc còn bầm dập, người già thì chịu”, ông Xấu trầm ngâm. Anh Nguyễn Văn Nhất (trú P. Nại Hiên Đông, chủ tàu ĐNa 6062 TS) cho hay, mỗi ngày đi lặn chip chip đem lại thu nhập trên dưới 1 triệu đồng cho một người. Nếu thành phố cắt giảm tàu công suất nhỏ dưới 20CV thì gia đình anh có nhiều người phải lên bờ đi tìm việc làm khác với thu nhập thấp hơn rất nhiều. “Chủ trương đúng thì chúng tôi phải thực hiện thôi, nhưng tìm việc ở đâu, làm việc gì cho phù hợp để đủ sống mới là quan trọng. Chứ cầm vài chục triệu đồng tiền hỗ trợ rồi mà không tìm được việc làm thì nháy mắt cái là hết tiền, cuộc sống sẽ rất khó khăn”, anh Nhất tâm sự.

Ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, địa phương chiếm phần lớn phương tiện và lao động nằm trong diện của Đề án cho biết, đây là chủ trương phù hợp, đúng đắn, tuy nhiên sẽ có tác động rất lớn đến đời sống của người dân vì đây là ngành nghề đã gắn bó lâu đời, là nguồn sống của họ. Ngay sau khi đề án được ban hành, quận đã họp với các phường, tiến hành phổ biến, rà soát đồng thời lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị những công việc cần thiết cho kế hoạch hỗ trợ xả bản tàu, chuyển đổi nghề cho người dân. “Trong thời gian đầu, Đề án mang tính chất khuyến khích, động viên bà con. Không phải đùng một cái là chuyển đổi hết được, phải thực hiện theo lộ trình và phù hợp với cuộc sống của người dân. Ví dụ, người già thì họ có thể thả lưới, bắt cá chứ không thể vào làm việc cho các doanh nghiệp được. Chắc chắn sẽ có khó khăn nhưng tùy tình hình thực tế, địa phương sẽ có đề xuất cụ thể gắn với chính sách an sinh xã hội của thành phố”, ông Nam cho hay.

Tại cuộc họp rà soát Đề án mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định, chủ trương giảm tàu khai thác gần bờ, đầu tư cho đánh bắt xa bờ để nâng cao chất lượng cũng như hài hòa giữa việc đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi là hết sức cần thiết và phải thực hiện. Tuy nhiên không phải vì để thực hiện nhanh mà khiến cuộc sống người dân khó khăn hơn, phát sinh nhiều vấn đề khác. Sau khi thu mua phương tiện công suất nhỏ của người dân thì công tác quản lý phải thực hiện như thế nào cho hợp lý, cạnh đó có thể xuất hiện việc một số người lợi dụng chủ trương này rồi huy động phương tiện từ khắp nơi về đây để làm hồ sơ tìm cách nhận hỗ trợ. Ông Thơ chỉ đạo: “Phải kiên quyết thực hiện, nhưng làm đúng lộ trình, không nóng vội. Sở NN&PTNT phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, chính quyền các quận, các cơ quan liên quan tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để xem họ khó khăn như thế nào, nhu cầu gì nhằm đưa ra những chủ trương hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Phải đảm bảo khi thực hiện đề án, cuộc sống người dân phải tốt hơn chứ không để họ khó khăn hơn”.

Công Khanh