Đà Nẵng hỗ trợ nhân lực du lịch trong giai đoạn khó khăn
HĐND thành phố Đà Nẵng vừa thông qua gói vay vốn hỗ trợ người lao động ngành du lịch tái sản xuất để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo kế hoạch triển khai của Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng với lãi suất 7,92%/năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm.
Khách sạn ven biển Đà Nẵng vừa kịp ấm lên dịp 30-4 nay lại rơi vào cảnh phải đóng cửa, dừng hoạt động hàng loạt. |
Đề nghị hỗ trợ phương án tiêm vaccine cho lái xe, nhân viên phục vụ xe du lịch Hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng vừa có Công văn số 05/HVC-VP gửi các cơ quan chức năng thành phố đề nghị được hỗ trợ phương án tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lái xe và nhân viên phục vụ trên các xe du lịch để chủ động cho việc tái khởi động các hoạt động du lịch của thành phố. Theo thống kê, Hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng hiện có khoảng 300 chủ doanh nghiệp là hội viên hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển du lịch với khoảng 2.000 lái xe và hơn 250 nhân viên phục vụ trên xe du lịch (xe từ 30 chỗ ngồi trở lên). Mở các lớp đào tạo nghề miễn phí Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, đơn vị đang tổng hợp nhu cầu của Hội Hướng dẫn viên và Hội Khách sạn về đào tạo nghề miễn phí cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Hiệp hội đã nhận được đăng ký của Hội Hướng dẫn viên tổng cộng 6 lớp với mức chi phí 120 triệu đồng và Hội Khách sạn với 10 lớp, chi phí 400 triệu đồng. Ngay khi đợt dịch thứ 4 có dấu hiệu an toàn và hoạt động bình thường trở lại, Sở Du lịch TP Đà Nẵng sẽ mở các lớp đào tạo này. |
Ông Đoàn Ngọc Chung – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi HĐND thành phố thông qua việc ủy thác vốn sang ngân hàng, đơn vị đã chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với UBND các phường, xã, các hội đoàn thể nhận ủy thác thông tin chủ trương cho vay này đến các tổ dân phố cùng tổ tiết kiệm và vay vốn, sẵn sàng hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người lao động. Các thủ tục giải ngân sẽ được thực hiện tại các phiên giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố trong tháng 7 và tháng 8-2021.
Kế hoạch chia sẻ khó khăn cho người lao động trong lĩnh vực du lịch được Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo sau khi khi tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp và chỉ đạo của thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng tại buổi tọa đàm khôi phục và phát triển du lịch tổ chức vào tháng 4-2021. Theo kế hoạch này, đối tượng được vay gói hỗ trợ này là NLĐ làm việc trong lĩnh vực du lịch tại TP Đà Nẵng, có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng và ngân hàng sẽ xem xét nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, khả năng trả nợ... để đưa ra mức vay cụ thể. Lãi suất được áp dụng là 7,92%/năm (bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo), thời hạn cho vay tối đa 120 tháng. Ngân hàng dự kiến bố trí tổng số tiền gần 65 tỉ đồng cho kế hoạch vay vốn này.
Để được vay vốn, người lao động gửi đề nghị tới tổ tiết kiệm và vay vốn tại 56 tổ thuộc các xã, phường trên địa bàn TP Đà Nẵng, nơi họ đang cư trú hợp pháp. Trường hợp chưa là tổ viên của tổ tiết kiệm và vay vốn thì phải kết nạp bổ sung. Sau khi tiếp nhận, tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét và lập danh sách gửi UBND xã, phường xác nhận rồi chuyển đến Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng. Trong vòng 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, ngân hàng sẽ thực hiện các thủ tục xem xét, phê duyệt và giải ngân. Đối với trường hợp vay có thời hạn từ 12 tháng trở xuống thì người lao động trả nợ gốc một lần khi đến hạn; thời hạn trên 12 tháng thì kỳ hạn trả nợ tối đa 6 tháng/lần kể từ ngày nhận vốn vay đầu tiên. Tiền lãi được ngân hàng thu hằng tháng, lãi tháng trước chưa thu được thì chuyển sang thu vào tháng kế tiếp.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, trong 2 năm qua, ngành du lịch thành phố đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tác động do dịch COVID-19 gây ra. Ngay sau cao điểm du lịch 30-4, 1-5 đến nay, khi dịch bùng phát trở lại trên địa bàn, đã có hơn 11.000 người lao động nghỉ việc, chiếm trên 45% tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch. Khi các lĩnh vực bị mất việc làm, không còn gắng gượng được nữa thì chương trình vay vốn mà các cơ quan, đơn vị đề xuất là rất cần thiết.
Tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 25-6 vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng đã thông qua chủ trương cấp vốn và đồng ý triển khai phương án đối với nhóm đối tượng cần vay vốn chuyển đổi ngành nghề, trong đó có người lao động ngành du lịch. Mong chương trình này sẽ phần nào giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt. Theo ông Dũng, đồng thời với đề xuất gói hỗ trợ vay vốn này, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cũng đã ra các đề xuất, giải pháp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ngành du lịch như: tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, giảm các loại chi phí phát sinh đối với doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng... Mới đây, từ ý kiến của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, hiệp hội cũng có văn bản gửi Sở Công Thương, Bộ Công Thương xin giảm giá điện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.
Công Khanh