Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ: Ngư dân còn băn khoăn

Thứ tư, 15/10/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát  triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25-8 không chỉ làm nức lòng bà con ngư dân mà còn là tín hiệu vui để phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ chế ưu đãi, nhiều ngư dân còn băn khoăn khi tiếp cận chương trình này.

Thiếu cơ sở đóng tàu vỏ thép

Nhiều ngư dân ở xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) cho biết, dù đang sở hữu tàu cá vỏ gỗ theo nghề lưới vây nhưng vẫn mạnh dạn đăng ký đóng thêm tàu vỏ thép từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ bởi việc sở hữu một chiếc tàu vỏ thép thì họ sẽ có thêm nhiều điều kiện để vươn xa, mở ra nhiều triển vọng trong khai thác hải sản.

Tuy nhiên, điều mà các ngư dân lo nhất trong các buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT là “đóng tàu vỏ thép là phải đặt hàng ở các địa phương khác vì Quảng Nam chưa có cơ sở nào đóng tàu bằng vật liệu này”. Việc này sẽ làm chi phí đầu tư thêm tăng, chưa kể những khoản chi phí phát sinh mà ngư dân không thể kiểm soát được.

Nhưng quan trọng nhất là “mình không biết chất lượng của con tàu được đóng sẽ thế nào khi không thể theo sát quá trình đóng tàu” – ngư dân Bùi Xuân Thành (xã Tam Quang, Núi Thành) trăn trở. Một vấn đề nữa nhiều ngư dân cũng quan tâm là ngư dân lâu nay đã quen với việc vận hành tàu vỏ gỗ nên chưa có kinh nghiệm với loại tàu vỏ sắt  dẫn đến những ngỡ ngàng và không biết tàu vỏ thép có phù hợp với tập quán đánh bắt của ngư dân, rồi nơi neo đậu tàu...

Đây cũng là trăn trở của ngư dân Quảng Ngãi “khi hư hỏng hoặc gặp sự cố các tàu cá chỉ việc chạy vào các cơ sở đóng tàu để sửa chữa, nay đóng tàu vỏ thép, khi bị hư hỏng hoặc cần sửa chữa thì không biết phải sửa chữa ở đâu, vì Quảng   Ngãi chưa cơ sơ sở sửa chữa tàu vỏ thép”.

Khi sở hữu tàu vỏ thép, tất nhiên các ngư dân sẽ chủ động vươn xa hơn, thời gian dài hơn trên ngư trường nhưng đi kèm đó là vấn đề dịch vụ hậu cần có theo kịp để cung ứng điều kiện này. Ví dụ như trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, các ngư dân cho biết đến thời điểm này chỉ mới có một tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển. Tuy nhiên, chiếc tàu này có công suất nhỏ và chỉ mới bán nhiên liệu chứ chưa thu mua hải sản.

Đó sẽ là một khó khăn cho ngư dân. Ngư dân lo thiếu tàu dịch vụ hậu cần thì ngược lại, ngay chính chủ nhân của chiếc tàu này cũng trăn trở “điều kiện buôn bán hải sản tại địa phương lại quá nhỏ lẻ nên muốn đầu tư lớn, đóng tàu hiện đại cũng... phải tính khi mà đầu ra quá khó. Trong khi đó trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa cũng chưa có một điểm tập kết để tập hợp tàu cá của ngư dân. Do đó sẽ rất vất vả cho tàu dịch vụ hậu cần...”.

Ngư dân còn băn khoăn trong vấn đề chuyển đổi tập tính đánh bắt từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép.

Băn khoăn... thủ tục 

Tại Quảng Ngãi, cũng qua các buổi làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT với ngư dân, một vấn đề nổi lên là nhu cầu của ngư dân thì cao nhưng phân bổ của Chính phủ thì thấp nên nhiều ngư dân lo ngại “liệu mình có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ”.

* Băn khoăn của ngư dân là có cơ sở nhưng lãnh đạo các địa phương cũng như các ngân hàng đều khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho ngư dân tiếp cận với chương trình.

Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND H. Núi Thành khẳng định “chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, giúp ngư dân hiểu hơn về tàu vỏ thép. Địa phương cũng đã đề xuất với tỉnh tổ chức các chuyến tham quan để ngư dân tiếp cận trực tiếp các cơ sở đóng tàu vỏ thép, qua đó có kế hoạch rõ ràng về việc đóng tàu cho mình”.

Giai đoạn 2014-2016 theo kế hoạch được giao tỉnh Quảng Ngãi sẽ đóng mới 189 tàu, trong đó có 72 tàu vỏ gỗ và 117 tàu vỏ thép (gồm tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá), với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Con số này theo ngư dân Quảng Ngãi là thấp so với nhu cầu của ngư dân địa phương. 

Ngư dân Lê Túc (thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn) cho biết: “nỗi lo nhất của ngư dân là liệu mình có được “lọt” vào danh sách ngư dân được vay vốn hay không?”. Cùng quan điểm, ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (thôn Tây, xã An Hải) tiếp “ngư dân chúng tôi sợ nhất là thủ tục vay vốn rườm rà, kéo dài, trong khi nhu cầu vốn của mình thì cần gấp để kịp đóng tàu vươn khơi trong mùa biển sắp tới. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định 5 ngân hàng thương mại thực hiện việc giải ngân cho ngư dân vay nhưng đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 2 ngân hàng triển khai hướng dẫn chương trình cho ngư dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, theo quy định, đối tượng được vay vốn chủ yếu là các chủ tàu, hoạt động nghề cá ổn định, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất hiệu quả. Trong khi đó rất nhiều ngư dân tuy không phải là chủ tàu nhưng có kinh nghiệm và năng lực đánh bắt tốt, hiệu quả, nhưng chỉ vì thiếu vốn nên chỉ đi làm thuê cho các chủ tàu, vậy nay có được tiếp cận với nguồn vốn theo Nghị định 67 hay không?”.

Tại Quảng Nam, cũng có những thắc mắc tương tự khi Quảng Nam được phân bổ 92 tàu, trong đó 9 tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển được tỉnh phân bổ lại cho  huyện Núi Thành và các TP Tam Kỳ, Hội An. Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT H. Thăng Bình bày tỏ thắc mắc về việc phân bổ này “sao Thăng Bình không được phân bổ khi đây là một trong hai địa phương có nghề cá lớn mạnh nhất Quảng Nam?”.

Tuy nhiên, việc phân bổ và phân bổ như thế nào đã được tính toán để hiệu quả đầu tư là cao nhất. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, tiêu chí có sự phân bổ này vì Núi Thành, Tam Kỳ, Hội An là các địa phương có dịch vụ hậu cần nghề cá lâu đời nên sẽ thực hiện hiệu quả hơn.

Anh Thư - Q.V