Đà Nẵng khởi động trang bị “khả năng chống chịu”: Để vững vàng trước những “cú sốc”

Thứ bảy, 22/11/2014 10:35

(Cadn.com.vn) - Buổi khởi động “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” tổ chức vào sáng 21-11 được xem là cú “đề-pa” để Đà Nẵng bắt tay vào các hoạt động trong hành trình tham gia vào mạng lưới các thành phố nổi tiếng hiện đại trên thế giới. Việc vượt qua 400 bộ hồ sơ để trở thành 1 trong 33 thành phố đầu tiên của toàn cầu để hưởng lợi từ chương trình do Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) khởi xướng là cơ hội vàng trong nhiều thách thức của Đà Nẵng.

Triển khai công tác phòng chống bão lụt tại vùng biển Đà Nẵng.

Cơ hội vàng

Tháng 10-2013, UBND TP Đà Nẵng đăng ký tham gia “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) khởi xướng. 2 tháng sau, tại Diễn đàn Sáng tạo của Quỹ này, Đà Nẵng được xướng tên trở thành thành viên của chương trình. Theo đại diện Quỹ Rockefeller, Chương trình được xây dựng nhằm giúp các thành phố trên toàn thế giới có khả năng chống chịu tốt hơn trước các thách thức về tự nhiên, xã hội và kinh tế đang ngày càng gia tăng. Trong đó, xem xét không chỉ những “cú sốc” như động đất, lũ lụt, dịch bệnh và cả những áp lực hàng ngày hoặc theo chu kỳ làm suy yếu cấu trúc tổ chức của một thành phố. Ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp cao, hệ thống giao thông quá tải, vấn đề bạo lực, khan hiếm thực phẩm và nguồn nước…

Khả năng chống chịu đô thị là khả năng của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và hệ thống một thành phố để tồn tại, thích ứng và phát triển, dù phải trải qua những áp lực cố hữu và “cú sốc đột biến” như thế nào. Những cú sốc bất ngờ và những áp lực dồn tụ có thể dẫn tới khủng khoảng xã hội, hủy hoại cơ sở hạ tầng hoặc suy thoái kinh tế. “Cú sốc không chỉ do tự nhiên mang lại mà còn bắt nguồn từ con người. Đó vừa là thách thức vừa là cơ hội. Nếu không đối phó được với các “cú sốc cấp tính” thì bản thân nó sẽ trở thành “mãn tính”. Khả năng chống chịu chính là sự chủ động ứng phó, sau đó là khả năng phục hồi và thích nghi”, bà Katya Sienkiewicz – quản lý quan hệ của Chương trình giải thích.

Ông Phùng Tấn Viết – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng ban chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố khẳng định, việc trở thành 1 trong 33 thành phố đầu tiên được tham gia chương trình này là một cơ hội tốt để Đà Nẵng tăng cường sức đề kháng trước những “cú sốc” do thiên nhiên cũng như quá trình đô thị hóa mang lại. Trong thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã có nhiều thành công trong công tác bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu, ứng phó sự cố khẩn cấp, tăng trưởng bền vững chú trọng bảo vệ môi trường; cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng trong ứng phó thiên tai, phòng chống lụt bão… cũng đã góp phần nâng cao khả năng chống chịu, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Với cơ hội này, Đà Nẵng càng có thêm động lực, kiến thức để lồng ghép, đồng bộ hóa các hoạt động bền vững, an toàn. “Vấn đề quy hoạch, hạ tầng, môi trường, an ninh, năng lượng, nguồn nước, việc làm, sức khỏe cộng đồng… đối với một đô thị trong giai đoạn phát triển sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức khó giải quyết. Chính vì vậy, làm thế nào để xây dựng và hình thành cho thành phố một hướng đi thực sự bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu cao là một trách nhiệm quan trọng”, ông Phùng Tấn Viết nhấn mạnh.

Sự chủ động của người dân trước thiên tai cũng là khả năng chống chịu của thành phố
(Trong ảnh: Ngư dân Sơn Trà đưa tàu thuyền lên bờ trong mùa mưa bão 2013).

Những “giải pháp không  hối tiếc”

Cụm từ “giải pháp không hối tiếc” được ông Trương Đức Trí - Phó cục trưởng Cục Thủy văn và biến đổi khí hậu - đưa ra khi nói về sự chuẩn bị cần thiết để tham gia vào mạng lưới 100 thành phố có khả năng chống chịu. Theo ông Trí, Đà Nẵng cũng như các thành phố khác, phải căn cứ vào nguồn lực của mình để đầu tư đúng hướng, tính đến tương lai xa với những “cú sốc” có thể lớn hơn chứ không chỉ là những vấn đề trước mắt. Việc xây dựng đê kè kiên cố trước những dự liệu về nước biển dâng lên, xây nhà chịu được siêu bão, cải thiện hệ thống giao thông thông minh, hướng đến thành phố môi trường… đều có thể được coi là những “giải pháp không hối tiếc”.

Trong đợt chọn đầu tiên với 400 bộ hồ sơ, chỉ có 33 thành phố trên toàn cầu hội đủ các tiêu chí do Quỹ này đề ra. Trong đó, khu vực Châu Á có 8 thành phố, Châu Mỹ có 16, Châu Âu có 6, Châu Phi có 2 kèm theo 1 thành phố của Australia.

Bà Amy Armstrong – GĐ phụ trách quan hệ của Chương trình - nhấn mạnh, mỗi thành phố phải đối mặt với những nguy cơ riêng. Với vị trí là một thành phố nằm bên biển, ở khu vực miền Trung cũng như những áp lực nhập cư, quá trình đô thị hóa, Đà Nẵng phải đo lường được khả năng chống chịu hiện tại cũng như trong tương lai từ đó mới có được những bước đi thích hợp và hiệu quả. Khi đã là thành viên của mạng lưới, Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ các nguồn lực theo 4 hình thức, trước hết là hỗ trợ về tài chính, tiếp đó là một chiến lược xây dựng khả năng chống chịu trong khoảng thời gian từ 6-9 tháng.

Quan trọng nữa, thành phố sẽ được tiếp cận với các công cụ, nhà cung cấp dịch vụ, đối tác từ các thành phần công, tư và các tổ chức phi lợi nhuận. Các đối tác này bao gồm các Cty phân tích dữ liệu, tái bảo hiểm, các kiến trúc sư, chuyên gia năng lượng… “Bằng việc giải quyết cả những cú sốc và áp lực, thành phố có thể thích ứng tốt hơn trong những điều kiện bất lợi và có nhiều khả năng hơn trong việc thực hiện những chức năng cơ bản cho người dân trong mọi hoàn cảnh. Đó phải là những hoạt động lồng ghép, liên kết chứ không đơn lẻ”, bà Amy Armstrong cho hay.

Công Khanh