Đà Nẵng khốn khổ vì thiếu nước sạch

Thứ năm, 22/08/2019 07:43

Từ cuối ngày 19-8-2019, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phát đi thông báo cho biết, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa cuối nguồn suy giảm nên lượng nước trên sông Vu Gia, sông Yên bị giảm nhiều, mực nước các hồ chứa cũng đều xuống thấp so với cùng kỳ những năm trước. Chính điều này dẫn đến nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn và độ mặn có thời điểm lên đến hơn 2.328mg/l (lúc 0 giờ ngày 19-8).

Cty CP Cấp nước Đà Nẵng đặt các thùng nước dự trữ để người dân có nước dùng trong những ngày nước thiếu và yếu.

Khủng hoảng nguồn nước

Dawaco đã vận hành hết công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch nhưng vẫn không đủ nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay hoạt động. Vì thế áp lực và lưu lượng hệ thống cấp nước thành phố bị suy giảm dẫn đến một số khu vực xảy ra tình trạng nước yếu, nhất là những vùng ở xa và khu vực cuối nguồn so với nhà máy.

Ngay trong ngày 21-8, chúng tôi đã đến với địa phương được xem là cuối nguồn cung cấp. Trước đây, P.Thọ Quang và một số địa phương thuộc Q.Sơn Trà được xem là khu đầu tuyến khi nhận được nguồn cung cấp nước sạch từ núi Sơn Trà nhưng nay đã cạn kiệt. Bởi vậy, các khu dân cư, chung cư ở địa phương này buộc phải nhận nước từ Nhà máy nước Cầu Đỏ và trở thành điểm cuối nguồn. Điều đó đã dẫn đến hệ quả là nước ở đây rất yếu, thậm chí không có cả nước để dùng trong khi Đà Nẵng đang ở trong giai đoạn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có hôm lên 37-38 độ C.

Ông Huỳnh Tấn Cả, tổ dân phố 16, P.Thọ Quang than “Cả gia đình tôi 7 người mà suốt 3 ngày nay không có một giọt nước để dùng. Tất cả bà con trong xóm ai cũng đều chung một cảnh ngộ như vậy cả. Bản thân tôi hàng ngày phải chạy xe lên nhà người quen ở gần núi xin từng xô nước suối để về dùng tạm nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu”.

Nhìn bà Ngô Thị Lự, 75 tuổi, nhà ở số 40 đường Hà Tông Huân xách chiếc xô nhỏ chờ được cung cấp nước từ phía Xí nghiệp Cấp nước Sơn Trà, ai cũng thấy chạnh lòng. Bà Lự cho hay “Nhà chỉ có một mình nên đành phải xách xô đi lấy nước. Không chịu khó thì lấy nước mô mà dùng. Mấy ngày nay chịu khổ vì cảnh thiếu nước sạch, hôm nay nghe nói bên ngành cấp nước chở nước tới nên tôi với bà con đều người xô, kẻ chậu đợi để có nước mà dùng”. Bà Nguyễn Thị Tốt, nhà ở số 64 đường Hà Tông Huân, P.Thọ Quang cũng chung nỗi lòng ấy.

Thực tế, một số nơi khác, để có nước sinh hoạt, các hộ dân đã phải “vận dụng” mọi khả năng để có nước sử dụng. Đó là, xách xô, chậu sang nhà hàng xóm sử dụng nước máy bơm để xin nước “hạ nhiệt”. Muốn có nước sạch để nấu ăn, bà con phải thức dậy từ 1-2 giờ sáng để hứng từng giọt nước hoặc mua nước bình mới có thể đủ dùng trong ngày.

Dạt qua P.Nại Hiên Đông, gặp ông Đoàn Văn Lời, trú tổ 80 cũng nhận được phản ảnh tương tự. Ông Lời cho biết “Nhà tui có 11 nhân khẩu nên nhu cầu sử dụng nước khá nhiều. Vậy mà nước yếu cả mấy ngày nay. Muốn có nước, các con tui phải dậy sớm để hứng song cũng chẳng được bao nhiêu mặc dù ở cả hai bên đường Lê Cảnh Tuân đều có đường ống nước cả”. Ngay cả chị Lê Thị Hải, nhà số 207B/24 đường Dũng Sĩ Thanh Khê, P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê cũng bày tỏ nỗi niềm “Cả hai vợ chồng đi làm cả ngày, con cái thì đi học nhưng chiều 20-8-2019 đến giờ nhà chỉ hứng từng giọt nước. Thế là cả nhà phải đi ăn cơm “bụi” rồi sang nhà hàng xóm xin nước giếng bơm để về sử dụng tạm. Không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh thiếu nước như bây giờ?”.



Người dân P.Thọ Quang tranh thủ lấy nước do Xí nghiệp Cấp nước Sơn Trà cung cấp.

Cần có giải pháp căn cơ

Sáng ngày 21-8, chúng tôi đã trực tiếp gặp anh Hà Văn Phước - Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Sơn Trà sau khi nghe thông tin Cty CP Cấp nước Đà Nẵng lắp đặt các bồn nước để cung cấp cho người dân. Anh Phước thừa nhận, nguồn cung cấp nước cho Sơn Trà hiện chỉ còn 50% so với trước; áp lực vào giờ cao điểm cũng chỉ bằng 1/5 so với bình thường, phải nói là rất thấp, chỉ đủ phục vụ cho các hộ dân gần tuyến ống chính; còn những khu vực xa nguồn thì rất yếu, thậm chí không có nước.

“Trước tình hình đó, Xí nghiệp đã đã tổ chức chở nước “tiếp tế” ở hơn 10 điểm bồn chứa cho những KDC, chung cư Vũng Thùng, Mân Quang nước yếu từ ngày 20-8 mãi đến tận 21 giờ đêm nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu nước cho bà con”. Theo thông tin từ phía Dawaco, đơn vị đã lắp đặt bồn nước tại 12 vị trí trên địa bàn Q.Sơn Trà và 7 vị trí tại Q.Ngũ Hành Sơn để giúp người dân “giải nhiệt” tạm thời.

Ông Bùi Thọ Ninh, Ban Cố vấn của Dawaco cho biết, từ 14 giờ ngày 20-8, đơn vị đã tiến hành điều tiết cấp nước luân phiên (từ 14 giờ đến 19 giờ điều tiết cấp nước cho KV Hải Châu, Thanh Khê và từ 20 giờ cùng ngày đến 5 giờ sáng hôm sau điều tiết cho KV Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà). “Tuy nhiên do tình hình nguồn nước vẫn ở ngưỡng độ mặn cao nên không đủ lưu lượng và áp lực để điều tiết. Tình hình Q.Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nước vẫn yếu, nhiều khu vực không có nước” - ông Ninh nói.

Cũng theo thông tin từ Dawaco, trên địa bàn Q.Thanh Khê vẫn có nhiều khu vực nước yếu, thậm chí tại K02 Hà Khê, thuộc P.Thanh Khê Đông không có nước. Các phường Hòa An, Hòa Phát, Hòa Thọ Tây, cuối KDC Nam Cẩm Lệ nước rất yếu. Các xã thuộc H.Hòa Vang nước yếu, các vị trí có địa hình cao không có nước (trừ Phú Sơn - Hòa Khương). “Với nguồn cấp nước thô bị hạn chế nên toàn mạng lưới cấp nước vận hành với áp lực và lưu lượng thấp dẫn đến tình trạng nước thiếu và yếu diễn ra trên diện rộng đã ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của thành phố” - Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho biết. Từ thực tế đặt ra, Dawaco đã sử dụng xe tải chở bồn của Cty, xe bồn chở nước hợp đồng với Cty Môi trường đô thị và xe cứu hỏa của Cảnh sát PCCC hỗ trợ để cấp nước vào các vị trí đặt bồn và cung cấp trực tiếp cho các bệnh viện, các hộ dân tại các khu vực nước yếu, thiếu.

Theo thông tin từ Dawaco, từ ngày 19-8, độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000mg/l nên lượng nước thô cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, Sân Bay phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm phòng mặn An Trạch. Độ mặn đo được cao nhất vào thời điểm 11 giờ 15 ngày 20-8 là 3.143mg/l đến 1 giờ sáng ngày 21-8 có giảm nhưng vẫn giữ ở mức cao 2.954mg/l. Theo số liệu thống kê, sản lượng nước thiếu hụt ngày 19-8 là 45.000m3, ngày 20-8 là 75.000m3. Lưu lượng trung bình cung cấp cho thành phố của tất cả các nhà máy nước khi nguồn nước thô không ổn định vào khoảng 306.000m3/ngày trong khi trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động với công suất tối đa 210.000m3/ngày cộng với lượng nước thô lấy thêm tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ không đáng kể nên dẫn đến thiếu hụt lượng nước thô cho các nhà máy nước.

Giải pháp cấp nước trong thời gian đến theo Dawaco là, tiến hành cấp nước luân phiên, các khu vực sử dụng nước theo giờ trong thời gian độ mặn duy trì ở mức cao, không thể lấy nước bổ sung nguồn nước vào cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ngoài ra, Dawaco đã có Văn bản số 736/CTCN-KHĐT ngày 20-8-2019 đề xuất phương án khẩn cấp “Xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ” trình UBND TP. Sau khi thống nhất, Dawaco tiến hành xây dựng ngay để đảm bảo nguồn nước thô cấp nước cho thành phố. Rõ ràng, câu chuyện nước thiếu, nước yếu vẫn còn là vấn đề khá thời sự trong thời điểm hiện nay khi nắng nóng vẫn còn kéo dài, độ nhiễm mặn thường xuyên còn vượt ngưỡng 1.000mg/l.

PHƯƠNG KIẾM

--------------------------

Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD-ĐT Q. Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết: Do thiếu nước sinh hoạt, trong ngày 21-8, có 2 trường mầm non (MN) trên địa bàn quận là Tuổi Thơ và Hoa Ban buộc phải cho học sinh (HS) nghỉ học. Tối cùng ngày, trường MN Anh Đào thông báo sẽ cho HS nghỉ học vào hôm nay (22-8) cũng với lý do trên. Một số trường MN khác trên địa bàn Q. Hải Châu cho biết sẽ cầm cự đến hết ngày mai bằng nguồn nước dự trữ từ các bồn chứa.

Được biết, chiều 20-8 cũng vì thiếu nước sinh hoạt, có 2 trường MN trên địa bàn quận đã cho HS về sau giờ ăn trưa là trường MN Hoa Phượng Đỏ và  Trúc Đào. Hai trường này đã đón các cháu trở lại vào ngày 21-8.

P.THỦY

--------------------------

Họp khẩn chống “khát” cho dân

Sáng ngày 21-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan và chủ các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia để bàn về điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện để khôi phục cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP. UBND TP đề nghị: Cty CP Thủy điện Đắk Mi vận hành xả nước từ hồ thủy điện Đắk Mi 4 về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng bằng 25m3/s đến khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ giảm xuống dưới 1.000mg/l thì vận hành xả nước trở lại theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 15 giờ ngày  21-8-2019. Cty CP Thủy điện A Vương vận hành xả nước liên tục 24 giờ với lưu lượng trung bình ngày không nhỏ hơn 70m3/s từ 15 giờ ngày 21-8-2019 để góp phần giảm mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ. Từ 15 giờ ngày 22-8-2019 vận hành xả nước bình thường trở lại theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Trong quá trình vận hành xả nước 24 giờ nêu trên, nếu UBND TP có yêu cầu giảm lưu lượng xả nước để đảm bảo sử dụng nguồn nước còn lại trong hồ tiết kiệm, hiệu quả thì đề nghị Cty CP Thủy điện A Vương thực hiện theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng. Cty CP Tư vấn Xây dựng Điện 1 và Cty CP Sông Bung phối hợp chặt chẽ với Cty CP Thủy điện A Vương và Cty CP Thủy điện Đắk Mi trong việc vận hành xả nước đồng thời từ các hồ Sông Bung 5 và Sông Bung 6 khi hồ thủy điện Đắk Mi 4 và hồ thủy điện A Vương vận hành xả nước để đảm bảo hiệu quả giảm mặn cho hạ du sông Vu Gia.

Cty CP Cấp nước Đà Nẵng chủ động lấy nước từ đập dâng An Trạch và khai thác hiệu quả nguồn nước điều tiết về từ các hồ thủy điện từ 15 giờ ngày 21-8 đến 15 giờ ngày 22-8-2019 để khôi phục cấp nước trên địa bàn TP Đà Nẵng; theo dõi sát sao diễn biến độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ, tình hình thủy văn trên lưu vực và tiếp tục thực hiện các phương án cấp nước an toàn theo kịch bản đã được phê duyệt.

P.K

--------------------------

Cảnh sát PCCC tiếp nước cho Bệnh viện Đà Nẵng

Xe chữa cháy tiếp nước tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Hai bể nước của Bệnh viện (BV) Đà Nẵng có dung tích hơn 200 mét khối, tuy nhiên những ngày này lượng nước tại bể không đủ cung cấp cho các hoạt động khám chữa bệnh, sinh hoạt của bệnh nhân và người nhà nội trú tại bệnh viện. Thượng tá Nguyễn Thành Nam - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng cho biết, trưa 20-8, sau khi nhận được yêu cầu của BV Đà Nẵng, đơn vị đã xuất 1 xe chữa cháy đến hỗ trợ. BV Đà Nẵng là cơ sở trọng điểm nên được ưu tiên để đảm bảo hoạt động thông suốt. Đơn vị đã xin ý kiến lãnh đạo Công an TP và xuất xe đến tiếp nước để đáp ứng nhu cầu tạm thời”, Thượng tá Nam chia sẻ.

Từ 12 giờ 30 ngày 20-8, nước bắt đầu được chuyển từ trụ nước chữa cháy ở cây xăng đường Quang Trung vào bể phụ. Lực lượng PCCC phải triển khai đường lăng dài hơn trăm mét mới đến được vị trí bể. Tuy nhiên, do áp lực nước yếu và tuyến đường nhiều xe qua lại nên việc triển khai đường lăng đưa nước vào bể gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi bể phụ đầy, xe chữa cháy tiếp tục di chuyển qua cổng ở đường Hải Phòng để cung cấp nước cho bể chính. Trụ nước ở xa nên xe chữa cháy phải luân phiên di chuyển. Ngay trong chiều 20-8, ngoài xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Cty cấp nước Hải Châu cũng đã có nhiều xe bồn chở nước liên tục tiếp nước vào bể ngầm chính của BV, tổng cộng gần 100 mét khối nước. Đến chiều tối cùng ngày, sau hàng chục lượt xe tiếp nước liên tục, nước tại bể chính đã đầy, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tại BV.

MAI VINH