Đà Nẵng không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Thứ ba, 10/03/2020 14:34

Chiều 9-3, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến 12 nội dung trình Kỳ họp thứ 13 (bất thường) vào ngày 13-3 tới. Theo đó, nội dung bảng giá đất mới và các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhận được nhiều ý kiến đóng góp. 

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung chủ trì cuộc họp. 

Giá đất sẽ tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Bảng giá đất mới sẽ trình HĐND về cơ bản vẫn giữ trên nền bảng giá đất đã ban hành đầu năm 2019 (QĐ 06). Tuy vậy, bảng giá đất lần này sẽ bổ sung giá đất tại 290 tuyến đường mới đặt tên; giảm 5% giá đất kinh doanh, thương mại dịch vụ; tiến hành phân vệt, tính hệ số sử dụng đất. Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, bảng giá đất này dùng cho chu kỳ 5 năm tới, có sự nghiên cứu kỹ thực tế thị trường để vừa không thất thu thuế đất vừa tạo cơ hội, điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ông Hùng nói, với phương thức áp dụng như hiện nay, thì bảng giá đất mới sẽ giảm đi đáng kể, nhất là đất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Qua đánh giá, phần lớn các quận huyện đồng tình với bảng giá đất mới vì có lợi cho người dân hơn, sẽ thực hiện đền bù giải tỏa nhanh hơn. Bảng giá đất này cũng chỉ làm cơ sở để tính thuế phí trong giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... và chỉ bằng 30-40% so với giá đất ngoài thị trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên cho biết, so với bảng giá đất ban hành đầu năm 2019 thì đất thương mại dịch vụ, đất kinh doanh  giảm 5%, tức là chỉ bằng 80% và 60% so với đất ở. Điều này rất thuận lợi để hỗ trợ nhà đầu tư có thể tiếp cận đất đai đầu tư kinh doanh, tạo tăng trưởng, tạo nguồn thu cho TP. Cũng theo ông Miên, trong bảng giá đất lần này, TP mạnh dạn cho tiến hành phân vệt để đảm bảo công bằng, không thể để 2 lô đất cùng diện tích cạnh nhau một bên mật độ xây dựng chỉ 5% lại tính tiền thuê giống như mật độ xây dựng 50%.

Lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp (DN) cho rằng, bảng giá đất mới có tác động rất lớn tới môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của TP. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, bất động sản đóng băng như hiện nay, việc ban hành bảng giá đất mới càng phải cân nhắc để không tạo tác động tiêu cực. Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Đà Nẵng nói, bảng giá đất sắp ban hành cần hài hòa vừa không thất thu thuế nhà nước vừa phải tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận. Vì sao Hà Nội, TPHCM giữ nguyên bảng giá đất còn Đà Nẵng lại tăng? Việc tiến hành phân vệt nhân hệ số sử dụng đất là phù hợp để hỗ trợ các DN trong thuê lô đất lớn kinh doanh.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Hà Đức Hùng cho rằng, giá đất là yếu tố quan trọng quyết định cơ hội đầu tư của DN. Nếu giá thuê đất rẻ, DN dễ tiếp cận, sẽ tính toán cho ra sản phẩm giá rẻ. Nếu giá đất cao sẽ rất khó đầu tư kinh doanh. Vì vậy, giá đất là yếu tố đầu vào của sản phẩm, TP cần môi trường tốt, có nhiều nhà đầu tư tạo tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững, điều đó quan trọng hơn là thu giá đất đầu vào cao, nhà đầu tư không tìm thấy cơ hội đầu tư.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng nói rằng, đầu tư sản xuất vào Quảng Nam cơ hội cũng như Đà Nẵng, cũng tận dụng được hạ tầng dùng chung, nhưng giá thuê đất ở Đà Nẵng lại cao hơn. Chi phí đầu vào cao hơn nên một số DN di chuyển đầu tư từ Đà Nẵng vào Quảng Nam. Giá thuê đất là chi phí đầu vào của sản xuất vì thế cần tính toán phù hợp với cả các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận, tạo sức cạnh tranh cho DN, như vậy kinh tế TP mới tăng trưởng.

Đại diện cộng đồng DN nêu giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Thảo luận các giải pháp bổ sung để đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều ý kiến cho rằngTP cần thúc đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ DN. Ông Hà Đức Hùng cho rằng, TP cần đẩy mạnh đầu tư công tạo công ăn việc làm cho DN, người dân. Các quyết định hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo cần mở rộng đối tượng để nhiều DN được tiếp cận. Sức đề kháng kinh tế Đà Nẵng hiện yếu, khi dịch vụ,  BĐS có vấn đề là nguồn thu hụt, nên cần chuyển hướng sang CNTT, khởi nghiệp sáng tạo nhanh hơn. Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng tập trung hơn 60% vào dịch vụ, hiện nay đều bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Để khôi phục được lĩnh vực này đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cần rà soát các chính sách hỗ trợ, có đánh giá tác động cụ thể. Tuy vậy trước mắt DN có thể bám theo một chính sách hỗ trợ rất hiệu quả, đó là NQ 149 của TP về đổi mới công nghệ, tái cấu trúc DN. Các DN sản xuất công nghệ lạc hậu thì đây là cơ hội đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị. Mức hỗ trợ lãi suất rất lớn, từ 50% đến 100%. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đề nghị mở rộng đối tượng cho vay của Quỹ đầu tư phát triển TP. Hiện Quỹ này mới tập trung một vài dự án lớn, trong khi hơn 98% DN của TP là vừa và nhỏ.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cho biết, mục tiêu tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng năm nay 9%, mặc dù tác động của dịch bệnh hiện nay, nhưng quan điểm của TP không điều chỉnh giảm. Vấn đề còn lại là phải có giải pháp căn cơ để thực hiện được mục tiêu này. Các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh liên quan tới thuế, đất đai, thủ tục... cần gấp rút trình HĐND thông qua để DN tiếp cận.

HẢI QUỲNH