Đà Nẵng làm gì để có thể đón từ 2,1 đến 3,5 triệu khách trong năm 2022?

Thứ năm, 06/01/2022 14:22

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch tổ chức vào chiều 5-1, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, với 2 kịch bản được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát trực tuyến cùng với các biện pháp mà chính quyền và ngành du lịch đang triển khai, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ có thể đón từ 2,1 đến 3,5 triệu khách trong năm 2022. Dù đã bắt đầu có những hoạt động khôi phục nhưng liệu mục tiêu này có thể thực hiện được hay không trong bối cảnh tâm lý du khách vẫn còn e dè, hạn chế đi lại?

Ông Trần Phước Sơn tặng Bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng cho các cá nhân, tập thể có đóng góp giúp ngành du lịch vượt khó trong năm 2021.

Nguồn thu lưu trú, lữ hành giảm 36,6%

Theo số liệu báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong năm 2021, số lượt khách của cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 1,17 triệu, giảm 55,8% so với 2020. Trong đó khách quốc tế đạt 110 ngàn lượt, giảm 84,2% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt gần 1,06 triệu lượt, giảm 45,5%. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020. Tính đến tháng 4-2021, có 11 đường bay nội địa với tần suất hơn 300 chuyến/tuần đến Đà Nẵng. Tuy nhiên vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại các địa phương trên cả nước, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng bay dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại chở khách giữa các địa phương đang giãn cách. Ngày 8-10-2021, Bộ GTVT đã ban hành quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong thời gian thí điểm, mỗi ngày thành phố có 21 chuyến bay.

Song song với việc thực hiện các giải pháp phục hồi, Sở Du lịch cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Cụ thể đã chủ trì, phối hợp Hiệp hội Du lịch, các hội thành viên tổ chức 14 lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, các khóa cập nhật kiến thức dành cho hướng dẫn viên du lịch, chương trình đào tạo trực tuyến về khôi phục hoạt động, chuyển đổi số. Để đảm bảo chủ động, an toàn cho nhân lực hoạt động trong trạng thái bình thường mới, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đăng ký và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 11.000 người lao động tại các đơn vị kinh doanh du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên. Cùng với đó là đề xuất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành 43 Quyết định phê duyệt số lượng hướng dẫn viên nhận hỗ trợ là 3.320 người với số tiền hơn 12,26 tỷ đồng. Có 741 lao động tự do làm việc tại các khu, điểm, cơ sở lưu trú từ 20 phòng trở lên được hỗ trợ số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, đã phối hợp Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố triển khai các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ người lao động du lịch vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Đến nay đã giải ngân cho 139 lao động ngành du lịch với số tiền hơn 8,68 tỷ đồng.

Với các kịch bản cụ thể, Đà Nẵng hi vọng sẽ phục hồi hiệu quả hoạt động du lịch trong năm 2022. Trong ảnh: Ngành du lịch thành phố đón những vị khách đầu tiên trong năm mới.

Ưu tiên thị trường nội địa, xu hướng du lịch an toàn

Để thực hiện “nhiệm vụ kép” với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đã xây dựng 2 kịch bản thích ứng với tình hình thực tế. Với kịch bản 1, thành phố phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 180 ngàn lượt, tăng 1,6 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,32 triệu lượt, tăng 3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6,7 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với ước thực hiện năm 2021. Trong điều kiện khó khăn hơn, nếu chủ động với các giải pháp, Đà Nẵng cũng sẽ đạt khoảng 2,1 triệu lượt khách lưu trú, tăng 87,8% so với năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 100 ngàn lượt (tương đương năm 2021) và khách nội địa ước đạt 2 triệu lượt, tăng 2 lần so với năm 2021. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng, tăng 2 lần so với ước thực hiện năm 2021. Để đạt được mục tiêu tương ứng với 2 kịch bản này, Đà Nẵng sẽ  triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động du lịch bằng các giải pháp, biện pháp đồng bộ tại từng cơ sở kinh doanh du lịch. Thành phố đã xây dựng, áp dụng quy trình đón và phục vụ khách cũng như xử lý sự cố y tế tại cơ sở kinh doanh du lịch và tuân thủ nghiêm túc phương châm “Chủ động - thích ứng - linh hoạt để đạt hiệu quả khôi phục du lịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng”.

Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nếu triển khai quyết liệt các biện pháp thì du lịch Đà Nẵng có hi vọng phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Mặc dù các kịch bản đưa ra đầy khả quan nhưng tâm lý thận trọng của du khách, kèm theo đó là việc chưa đồng bộ quy trình, quy định giữa các địa phương cũng sẽ là trở ngại đối với kỳ vọng phục hồi trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, nếu nhanh thì phải vào năm 2024 mới có thể bắt kịp các chỉ số của năm 2019. “Trong trạng thái mới, du khách sẽ quan tâm hơn đến du lịch an toàn, tiếp cận trên các nền tảng trực tuyến. Ít nhất trong năm 2022 khách vẫn tiếp tục đi theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình, du lịch MICE, du lịch golf... Người dân sẽ quan tâm tới các chuyến đi thiên về chăm sóc sức khỏe, khép kín, ít tiếp xúc với cộng đồng. Ngành du lịch phải làm mới sản phẩm để có những combo phù hợp với xu hướng này”, ông Dũng dự báo. Yếu tố hết sức quan trọng trong kế hoạch phục hồi du lịch đó là chính quyền cần nhanh chóng tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ và của riêng thành phố. Đặc biệt là các gói về tài chính – tín dụng, giúp doanh nghiệp tránh đóng cửa, giải thể, phá sản. Bên cạnh đó là các cơ chế đột phá, thích ứng với trạng thái bình thường mới để phục hồi nguồn khách cả trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước đánh giá, năm 2021 trong bối cảnh đó, thành phố đã có nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành thích ứng linh hoạt, quyết tâm, nỗ lực cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân kiểm soát, khống chế được dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn sức khỏe cho người dân. Trong bối cảnh mới, ngành du lịch cần nhận diện một số mặt hạn chế cũng như những khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài để sớm có các giải pháp phù hợp.  Để đạt những con số như kỳ vọng vào năm 2022, ông Sơn yêu cầu ngành Du lịch ưu tiên tập trung các giải pháp khai thác thị trường khách nội địa bằng chương trình kích cầu thiết thực, phù hợp với tâm lý, xu hướng lựa chọn của người dân.

Đối với nguồn khách quốc tế, cần xúc tiến mở lại các đường bay trực tiếp tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, khai thác loại hình du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực. Để thu hút được sự quan tâm của du khách đối với điểm đến Đà Nẵng, ngành du lịch cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch mới. “Du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, có tác động rất lớn đến kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế nói chung. Vì vậy, Sở Du lịch cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để sớm triển khai có hiệu quả các phương án phục hồi, tăng trưởng. Thành phố kỳ vọng doanh nghiệp du lịch tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi hoạt động kinh doanh. Chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ và dành một số nguồn lực cho mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Sơn nhấn mạnh.

CÔNG KHANH