Đà Nẵng lần thứ 7 dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(Cadn.com.vn) - Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sáng 14-3, với việc chiếm ưu thế trên 10 chỉ số thành phần, Đà Nẵng đã có lần thứ 4 liên tiếp và là lần thứ 7 dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, với sự bứt phá mạnh mẽ của nhiều địa phương, Đà Nẵng sẽ khó giữ được vị trí độc tôn trong những năm tới nếu không có sự thay đổi tích cực trong một số lĩnh vực.
Báo cáo CPI 2016 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 doanh nghiệp, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo VCCI và USAID trao danh hiệu quán quân PCI cho TP Đà Nẵng. |
MÔI TRƯỜNG KINH DOANH CẢ NƯỚC CẢI THIỆN MẠNH MẼ
Theo bảng xếp hạng, TP Đà Nẵng năm thứ tư liên tiếp giữ vững ngôi vị quán quân với 70 điểm. Đây cũng là lần thứ 7 thành phố dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Xếp sau Đà Nẵng là Quảng Ninh (65,60 điểm), Đồng Tháp (64,96 điểm). Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,76 điểm) đã trở lại ấn tượng trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cùng với Lào Cai (63,49 điểm). Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng ghi nhận của PCI 2016 là các tỉnh, thành phố thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực cải cách rất ấn tượng. Khoảng cách điểm số giữa các tỉnh cao nhất và thấp nhất đã được thu hẹp chỉ còn 17 điểm (thấp kỷ lục trong 12 năm qua). Cạnh đó là xu hướng cải thiện điểm số của cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt và đứng ở vị trí thứ 14/63 tỉnh thành phố.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: “Dẫn đầu chưa hẳn là tất cả đã tốt. Nếu Đà Nẵng tự mãn, bằng lòng và thiếu quyết liệt, chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Không chỉ với các địa phương bạn mà nguy hiểm hơn là tụt hậu so với chính mình”. |
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. So với năm 2015, những chuyển biến tích cực biểu hiện rõ ở các lĩnh vực tính năng động, tính tiên phong, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và đăng ký doanh nghiệp. Khảo sát trong năm vừa qua, 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đạt con số 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016. Các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Điều tra 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng cho thấy dấu hiệu tích cực tương tự. 11% doanh nghiệp trong diện này cho biết đã tăng vốn đầu tư, 65% tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hơn một nửa doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010. Các doanh nghiệp đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt.
Báo cáo PCI năm nay dành một chương riêng để đánh giá về cảm nhận của doanh nghiệp trong vấn đề cải thiện môi trường. Kết quả điều tra cho thấy, 50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước đều tin rằng bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng và sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho các hoạt động cụ thể cũng như áp dụng thêm các quy định pháp luật để tránh ô nhiễm.
ÁP LỰC VÀ ĐỘNG LỰC TỪ ĐÀ NẴNG
Chỉ số PCI là bộ tiêu chí đánh giá 10 chỉ số thành phần, theo đó, mỗi tỉnh, thành phố được đánh giá tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai và có mặt bằng kinh doanh ổn định; Môi trường kinh doanh công khai minh bạch, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công bằng các thông tin cần cho kinh doanh và các văn bản pháp luật cần thiết; Thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra hạn chế nhất (Chi phí thời gian); Chi phí không chính thức ở mức tối thiểu; Cạnh tranh bình đẳng; Lãnh đạo tỉnh năng động và tiên phong; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp do khu vực nhà nước và tư nhân cung cấp đầy đủ; Có chính sách đào tạo lao động tốt và Hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả. |
Chia sẻ niềm vui với ngôi vị quán quân lần thứ tư liên tục, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã cố gắng hết sức mình để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Mọi nỗ lực của Đà Nẵng không phải vì một danh hiệu nào cả mà là hướng tới mục tiêu làm sao để cộng đồng doanh nghiệp đến kinh doanh làm ăn thuận lợi, có niềm tin vào lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng sẽ cố gắng để trở thành mảnh đất đáng sống cho tất cả mọi người, đặc biệt cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước câu hỏi Đà Nẵng có cảm thấy áp lực không khi một số chỉ tiêu giảm điểm, các địa phương khác lại đang có những bứt phá mạnh mẽ, Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã thừa nhận là “rất áp lực”. Ngoài việc các địa phương khác đã rút ngắn khoảng cách và dẫn điểm ở một số chỉ số thành phần thì trong nội tại, thành phố cũng cảm thấy cần thiết phải cải thiện hơn nữa trên một số lĩnh vực như tính minh bạch, sự cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai và hỗ trợ doanh nghiệp. Những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Khi doanh nghiệp có được niềm tin thì thành phố sẽ có được các danh hiệu.
“Trong niềm vui và tự hào vì lần thứ bảy dẫn đầu về PCI, thành phố Đà Nẵng cũng ý thức rất rõ rằng không phải dẫn đầu là tất cả đã tốt. Thành phố cần thiết phải rà soát, đánh giá để cải thiện nhiều hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho thông thoáng, minh bạch và công tâm hơn. Nếu tự mãn, bằng lòng và thiếu quyết liệt, chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Không chỉ với các địa phương bạn mà nguy hiểm hơn là tụt hậu so với chính mình”, Bí thư Nguyễn Xuân Anh tâm sự.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu cầu thị, chính Đà Nẵng cũng sẽ trở thành động lực cho các địa phương đang có xu thế tiệm cận, thậm chí là nổi trội ở một số lợi thế. Chính vì vậy, trong những năm tới cuộc đua PCI sẽ rất gay cấn. Theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, việc giữ được vị trí của “nhà vô địch” là không hề dễ dàng đối với Đà Nẵng trong tương lai vì đã có sự “trỗi dậy” của nhiều địa phương có tiến trình cải cách rất bài bản, rất bền vững với nhiều sáng kiến. Ngoài Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Vĩnh Long Vĩnh Phúc, Quảng Nam… thì nhóm các thành phố trực thuộc trung ương cũng đã gia nhập vào tốp đầu với những đột phá trong cải cách hành chính. “Sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến một khí thế thi đua của các địa phương để cải thiện môi trường kinh doanh rất thú vị và đầy cảm hứng. Lắng nghe tiếng nói của khu vực tư nhân, tăng cường sự tương tác giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp sẽ tạo ra những mô hình cải cách mới từ các địa phương và cơ sở. Đây chính là động lực phát triển đất nước, là chìa khóa để giải quyết vấn đề phát triển, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn về phương diện chính trị, xã hội”, ông Lộc cho biết.
Công Khanh
Cần đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính Bên cạnh những cải thiện tích cực, PCI năm 2016 cũng ghi nhận một số trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp. Đó là gánh nặng khi thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là một số trở ngại chính đối với nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng, việc tiếp cận thông tin, tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục hành chính hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn cần được đơn giản hóa, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp.
|