Đà Nẵng ngập úng lịch sử

Thứ hai, 10/12/2018 07:25

* CHỦ TỊCH UBND TP ĐỘI MƯA THỊ SÁT, CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

* HÔM NAY (10-12), TOÀN BỘ HỌC SINH, SINH VIÊN TRÊN ĐỊA BÀN ĐÀ NẴNG ĐƯỢC NGHỈ HỌC

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu cơ quan chức năng đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại tài sản người dân và khẩn trương khắc phục hậu quả.

Trận mưa lớn, kéo dài kỷ lục từ đêm mùng 8 đến sáng ngày 9-12 đã khiến hầu hết các quận, huyện của Đà Nẵng ngập sâu. Nhiều khu dân cư nước ngập tới bàn ăn, đường phố biến thành sông, cuộc sống người dân  đảo lộn vì không kịp trở tay trước đợt ngập úng lịch sử.

Người dân dùng xuồng di chuyển trên phố.

Hàng trăm CBCS trắng đêm tìm kiếm 2 mẹ con do nước lũ cuốn

Đến sáng 9-12, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị Nguyễn Lữ Vân Anh (1983, trú P. Đông Lễ, TP Đông Hà) do bị lũ cuốn trôi trên cánh đồng thuộc địa bàn P. Đông Lễ. Trước đó, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự và BĐBP tỉnh cũng đã huy động lực lượng và phương tiện tìm thấy thi thể bà Lữ Thị Tú Anh (mẹ ruột chị Vân Anh) cũng bị nước lũ cuốn vào đêm 8-12. Sự việc đau lòng trên xảy ra vào khoảng 19 giờ ngày 8-12, nhà ở của gia đình chị Vân Anh bị ngập nặng do mưa lũ. Khi các thành viên đang dọn chuyển đồ và sơ tán người thì bất ngờ bức tường nhà sát cống thoát nước đổ sập, cuốn trôi bà Tú Anh và chị Vân Anh. Chồng chị Vân Anh lao theo cứu nhưng không kịp, còn bị thương, rất may bám vào được miệng cống và được một số người dân giải cứu.

Hệ thống thoát nước vỡ trận

Trận mưa lớn đã bắt đầu từ tối ngày 8, cường độ tăng dần trong đêm và đến rạng sáng ngày 9-12 thì bắt đầu xuất hiện những điểm ngập cục bộ. Mưa lớn kéo dài khiến hệ thống thoát nước không thể xử lý thoát, các hồ điều tiết mất khả năng thu gom, hệ thống trạm bơm không thể xử lý nên nhiều khu vực đã trở tay không kịp. Không chỉ những điểm ngập úng “mãn tính” trước đây như các tuyến Hàm Nghi - Hùng Vương – Hoàng Hoa Thám, Lê Đình Lý – Nguyễn Văn Linh – Hàm Nghi, Núi Thành – Duy Tân, Đống Đa – Lý Tự Trọng…mà nhiều khu dân cư tại Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn nước nhanh chóng tràn vào nhà. ngập xe máy, lên đến bàn ăn. Tại các con phố, ô-tô người dân đậu ngoài đường hoặc tầng hầm các  tòa nhà chung cư cũng bị nhấn chìm, “thất thủ” giữa biển nước. Theo lãnh đạo Cty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng, trong khoảng thời gian từ 3 giờ đến 7 giờ sáng ngày 9-12, lượng mưa phổ biển trên địa bàn thành phố từ 300-400mm, đặc biệt, lượng mưa đo được tại đường Trưng Nữ Vương là 436,6mm. Trưa cùng ngày, có nơi còn ngập từ 0,4 đến 0,6m. Lượng mưa quá lớn, vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống mương, cống hiện có dẫn đến trận ngập úng lịch sử.

Sáng sớm ngày 9-12, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương, các ngành, các Ban quản lý dự án, các đơn vị quản lý hạ tầng khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp xử lý thoát nước, phòng chống lụt bão, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra. Ông Thơ yêu cầu Cty Thoát nước và Xử lý nước thải bố trí nhân lực, phương tiện khơi thông các cửa thu nước trên mặt đường, các tuyến cống chính, đã vận hành kịp thời các cửa xả ven biển, ven sông, trạm bơm (cửa xả Mỹ An, trạm bơm Thuận Phước, trạm bơm Trương Chí Cương…), góp phần hạn chế tình trạng ngập úng tại khu vực. Ngoài việc khơi thông hệ thống thoát nước để “giải cứu” các khu dân cư, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu đào dẫn dòng, phá dỡ đê quai nhằm đảm bảo thoát nước tạm tại các công trình đang thi công dang dở, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, không để xảy ra tình trạng lở, sụp đổ công trình đang thi công. Đặc biệt, chính quyền cơ sở phải nắm bắt diễn biến của thời tiết để chủ động hỗ trợ, di dời dân trong vùng ngập úng, đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiệt hại tài sản cho dân.

Hôm nay (10-12), toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa bàn Đà Nẵng được nghỉ học

Chiều 9-12, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cho biết, do tình trạng ngập lụt bất thường, vào hôm nay (10-12), toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa bàn được nghỉ học.

Theo đó, sau khi xin ý kiến Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng quyết định cho học sinh, sinh viên toàn thành phố nghỉ học trong ngày 10-12. Giám đốc sở yêu cầu các đơn vị, trường học thông tin nhanh nhất đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh, sinh viên bằng tất cả các kênh liên lạc hiện có.

Nguy cơ ngập vùng thấp, sạt lở vùng núi

Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cảnh báo trong những ngày tới, Đà Nẵng tiếp tục có mưa rất to, kèm theo đó là nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, lũ quét ở khu vực Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà; ngập úng vùng trũng thấp tại quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ. Trong ngày 9-12, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Đà Nẵng đã có công điện cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ và đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện, sở, ngành triển khai công tác chuẩn bị ứng phó. Đơn vị này yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt là người dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê. Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống điện và khu dân cư, nhanh chóng tổ chức khắc phục các sự cố điện sau mưa lớn, ngập lụt, ngập úng. Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Cty Thoát nước và Xử lý nước thải phối hợp với UBND H. Hòa Vang, UBND Q. Liên Chiểu thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để kịp thời xử lý các sự cố công trình có thể xảy ra.

Trong vài ngày tới, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm. Riêng từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ngày có mưa to đến rất to với lượng mưa 50-100mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp và đô thị các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên đặc biệt là tại các quận Cẩm Lệ, Hải Châu, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng); huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Núi Thành (Quảng Nam); huyện Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi); huyện An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân (Bình Định); Đồng Xuân, Sông Cầu, Tuy An (Phú Yên).

Nhóm phóng viên