Đà Nẵng: Nhiều dự án hạ tầng y tế “chạy” rất chậm

Thứ hai, 10/05/2021 14:16

Xây dựng mạng lưới hạ tầng y tế để chống quá tải, kịp thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh gia tăng của người dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận rất cấp bách. Tuy nhiên, nhiều dự án hạ tầng y tế trong danh mục dự án trọng điểm, mang tính động lực của Đà Nẵng cần tập trung triển khai sớm lại đang... rất chậm.

Chất lượng dịch vụ tại BV Phụ sản – Nhi ngày càng nâng cao, thu hút nhiều bệnh nhân các địa phương lân cận, có lúc tăng 289% so với quy mô giường bệnh khi thành lập.

Dự án BVĐK Đà Nẵng cơ sở 2 tại Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) là công trình trọng điểm, theo quyết định của HĐND TP phải hoàn thành thủ tục và khởi công trong năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức... đang thực hiện công tác quy hoạch.

Dự án này gồm Trung tâm huyết học, Trung tâm Lão khoa, Bệnh viện Y học nhiệt đới (600 giường), BVĐK chất lượng cao được đầu tư bằng ngân sách. Ngày 14-4 vừa qua, Chủ tịch UBND TP giao cho quận Ngũ Hành Sơn lấy ý kiến các sở ngành liên quan thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Y học nhiệt đới thuộc Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 song song với quy hoạch phân khu TP. Công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải hoàn thành trong tháng 5 này. Sở dĩ, dự án trọng điểm này chậm trễ tiến độ được giải thích là do liên quan đến việc thống nhất ranh giới quy hoạch dự án (kéo dài hơn 6 tháng).

Tương tự, 2 dự án nhằm nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi (tại quận Ngũ Hành Sơn) với tổng kinh phí ngân sách hơn 1580 tỷ đồng, dù rất cấp bách nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Là bệnh viện chuyên khoa, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại với chất lượng ngày càng nâng cao, thu hút nhiều bệnh nhân khu vực miền Trung đến khám, điều trị. Tuy vậy, bệnh viện liên tục quá tải, có thời điểm số giường bệnh thực kê lên đến con số 1.736 (tăng 147% so với giường kế hoạch được giao, tăng 289% so với quy mô giường bệnh khi thành lập).

Hơn nữa, hiện tại cơ sở vật chất của bệnh viện đã xuống cấp, cần phải cải tạo, chỉnh sửa để đáp ứng chất lượng phục vụ bệnh nhân. Theo kế hoạch, cuối tháng 3-2020, dự án mở rộng bệnh viện Phụ sản-Nhi phải xong thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng đến nay vẫn đang dừng ở việc hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Nguyên nhân chậm trễ vì vướng thủ tục điều chỉnh mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500, đồng thời là dự án nhóm A nên quy trình thủ tục kéo dài. Giữa tháng 4 vừa qua, Chủ tịch UBND TP cho phép giãn tiến độ đầu tư xây dựng, hiện các đơn vị liên quan đang lập tiến độ dự án để TP quyết định.

Dịch COVID-19 năm 2020 khiến một số bệnh viện ở trung tâm TP bị phong tỏa, tiến độ xây dựng hạ tầng các dự án y tế khu vực này cũng bị chậm lại. Tuy nhiên không phải tất cả công việc, phân đoạn của dự án chậm trễ đều do COVID-19. Tại dự án Trung tâm tim mạch (giai đoạn 2) của Bệnh viện Đà Nẵng tổng vốn hơn 292 tỷ đồng, dự kiến cuối tháng 5 này hoàn thành khối nhà chính 9 tầng, các hạng mục phụ trợ cùng trang thiết bị xây lắp và y tế đồng bộ, nhưng hiện mới đạt khoảng 80% khối lượng.

Dự án Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc Bệnh viện Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 495 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích hơn 2.600m2, quy mô 14 tầng, nhưng khởi công chậm hơn kế hoạch (hiện tổng giá trị khối lượng thực hiện mới đạt khoảng 1,3% giá trị thầu). Dự án Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình tổng mức đầu tư hơn 471 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích hơn 5.400m2 cũng đang chậm tiến độ so với kế hoạch (hiện mới đạt 7,44% tổng giá trị khối lượng trúng thầu). Các dự án hạ tầng y tế mở rộng Bệnh viện Đà Nẵng đều chậm trễ do ảnh hưởng việc thực hiện biện pháp cách ly xã hội để phòng chống 2 đợt dịch COVID-19 năm trước.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm vì dịch bệnh, cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt với các dự án hạ tầng y tế càng cấp bách. Điều này vừa giảm áp lực quá tải các bệnh viện, phát triển lĩnh vực dịch vụ y tế khi mà chất lượng dịch vụ y tế của TP ngày càng nâng cao, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nhiều địa phương lân cận gia tăng. Chưa kể, các dự án hạ tầng y tế đều mang tính động lực, triển khai chậm trễ sẽ mất động lực lan tỏa, phát triển.

HẢI QUỲNH