Đà Nẵng... nhớ!
(Cadn.com.vn) - Dù sinh ra, lớn lên tại Đà Nẵng nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, tôi không phải là người Đà Nẵng. Sự nhìn nhận ấy khiến tôi đôi khi không biết mình với Đà Nẵng là gì? Quê hương hay chỉ là dân ngụ cư như nhiều người từng ví. Chỉ biết, cứ mỗi lần đi đâu xa, tôi lại thấy nhớ Đà Nẵng. Nỗi nhớ ấy nhiều khi cũng không tài nào cắt nghĩa được. Tôi yêu Đà Nẵng theo cách của riêng mình, không duy ý chí, không quá mức để cái chi cũng khen Đà Nẵng như nhiều người từng khen...
Đà Nẵng về đêm. Ảnh: Lê Lâm |
1. Mỗi lần đi trên con đường Hải Hồ ngày một khang trang hơn, tôi lại nhớ thời con đường này chưa được thảm nhựa. Đó là trước những năm 1991-1992. Phía bên này đường là nhà dân, một đoạn phía bên kia đường là bờ thành Khung hữu nghị (chúng tôi vẫn quen gọi là Trại Nhập ngũ). Cạnh bờ thành là bãi cỏ và lạch nước nhỏ. Ngày ấy, đường Hải Hồ chưa có hệ thống cống thoát nước nên hễ mưa xuống lại ngập nước. Mùa mưa, chuồn chuồn nhiều vô kể. Trên đường từ trường về nhà, tôi cùng lũ bạn thường dừng lại ở bãi cỏ này để bắt chuồn chuồn bỏ vào lỗ rốn... cho mau biết bơi. Có trời biết, ai đã đặt ra trò này. Thời đó, có câu ca thế này: “Đường Hải Hồ chưa mưa đã lút. Gái Hải Hồ lút chút đã biết...yêu”. Ngẫm mà oan! Số là, do nơi đây chưa có điện đường nên nam nữ từ các nơi thường rủ nhau đến đây tâm sự. Lũ nhỏ xóm tôi thường chơi nghịch rủ nhau lấy đá ném vào các cặp tình nhân đến tâm sự. Thế là chúng tôi bị gán là “con nít ranh” kèm theo câu ca trên... Lên cấp ba, năm đầu tiên ngành GD-ĐT phát động nữ sinh mặc áo dài, mùa mưa, tôi phải bỏ áo dài vào cặp sách, cầm guốc trên tay, lội nước ra khỏi đường Hải Hồ để vào nhà bạn ở đường Lý Tự Trọng thay áo dài... Những kỷ niệm ấy tôi không thể nào quên!
2. Bạn tôi vào Sài Gòn lập nghiệp gần 20 năm. Mỗi lần về thăm nhà, gặp nhau “ôn cố tri tân”, lại tấm tắc khen Đà Nẵng nhiều đổi thay, mỗi năm một thêm mới. Tuy nhiên, thi thoảng bạn lại chép miệng tiếc rẻ: “Đà Nẵng làm được nhiều điều có lợi cho dân, cho thành phố, nhưng cũng có nhiều thứ phá đi, tiếc quá!”. Bạn đơn cử, như cái rạp chiếu phim Kinh Đô và Nhà chứng tích tội ác chiến tranh ở đường Bạch Đằng: “Sao lại phá dỡ đi, phải giữ lại để giữ gìn, phát triển văn hóa. Văn hóa là phông nền cho mọi sự phát triển mà!”. Nhớ hồi bé, vào dịp Tết, đây là hai điểm chúng tôi thường đến. Sau khi xếp hàng mua vé vào rạp xem phim xong, chúng tôi đi vòng xuống Bạch Đằng để vào Nhà chứng tích. Bao giờ cũng vậy, sau khi tham quan Nhà chứng tích, chúng tôi cảm thấy biết ơn vì đã được sống trong hòa bình, độc lập, căm ghét chiến tranh, thấy thêm yêu hơn đất nước, quê hương mình. Tết nào cũng vào đây xem nhưng không thấy chán. Có một chỗ chúng tôi cũng thường ghé chơi vào mỗi dịp Tết đó là công viên nhỏ bên cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Giờ công viên đó không còn nữa... Bạn tôi rất buồn vì Đà Nẵng chưa đầu tư nhiều cho các công trình công cộng phục vụ đời sống tinh thần của người dân, đặc biệt là các khu vui chơi dành cho thiếu nhi, người già còn quá ít. Hôm rồi, qua báo chí, biết 2015 là năm được Đà Nẵng chọn là Năm Văn hóa, văn minh đô thị, bạn mừng quá gọi điện về hỏi: “Chắc năm nay, TP sẽ đầu tư nhiều cho lĩnh vực văn hóa? Mình mừng vì điều đó lắm! Đà Nẵng là vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch dịch vụ nên cần phải ưu tiên đầu tư nhiều cho văn hóa...”. Tôi mừng vì một điều khác nữa! Bao nhiêu năm bôn ba phương Nam mưu sinh, bạn vẫn không thôi đau đáu nhớ và mong Đà Nẵng phát triển. Cái tình ấy đáng quý biết bao!
3. Mỗi lần về thăm Đà Nẵng, bạn rất thích rủ tôi đi dạo trên cầu Sông Hàn. Tôi thắc mắc: “Cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng cũng đẹp, sao lại thích đi cầu Sông Hàn?”, bạn nói, qua cây cầu này lại nhớ thời còn đi học. Mỗi lần cả nhóm rủ nhau đi chơi ở bãi Bụt, suối Đá, nếu không chờ phà lại phải đạp xe lên cầu Nguyễn Văn Trỗi để qua sông. Ngày ấy, đâu phải học sinh nào cũng có xe đạp, nên phải chở nhau. Đạp lên dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi, bọn con trai...bở cả hơi tai. Thế nên, cách tốt nhất là đi phà. Cái tâm trạng chờ phà qua sông thật khó quên. Bây giờ, vèo một cái là qua bên tê sông rồi... Bộ mặt Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ngày một khởi sắc, không như cái thời có câu ví: “Gái quận Ba không bằng bà già quận Một”! Nhớ hồi chị tôi lấy chồng về quận Ba, mỗi lần qua thăm hoặc trông nhà giúp, bao giờ tôi cũng rủ nhỏ bạn trong xóm đi cùng vì không dám ở một mình. Mặc dù nhà anh chị ở gần Trường ĐH Kinh tế, nhưng xung quanh toàn rừng thông, cát trắng. Đêm đến, gió từ biển thổi vào chạy qua rừng thông vi vu, thấy rờn rợn. Giờ đường Phan Tứ xênh xang nhà cửa, quán xá...
4. Có lẽ, ai đã từng sống và gắn bó với Đà Nẵng lâu mới cảm nhận được sự đổi thay đó. Bạn thường thủ thỉ, xa Đà Nẵng ngót nghét 20 năm vẫn không quen cách ăn uống của Sài Gòn, vẫn thèm nhớ các món ăn Đà Nẵng. Thế nên, mỗi lần về, hai đứa thường chở nhau đi ăn những món ngon Đà Nẵng: bún mắm, bánh đập nằm trong con hẻm nhỏ đường Hoàng Diệu, bánh tráng cuốn thịt heo ông Mậu, mì Quảng bà Ngân, bánh xèo bà Dưỡng, chè Xuân Trang, bún chả cá Lê Hồng Phong, Bún bò Nguyễn Chí Thanh... Rẻ mà ngon! Tôi nào khác gì bạn. Mỗi lần đi công tác xa là tôi lại nhớ da diết các món ăn Đà thành. Riêng về khoản ăn uống, tôi chỉ “mê tín” 2 vùng đất: “Nhất Huế”, “Nhì Đà Nẵng”.
Thêm một tuổi thêm nhiều hồi ức. Vẫn biết, xã hội phát triển, sẽ có những cái mới, giá trị mới xuất hiện, đồng nghĩa với việc có những giá trị cũ sẽ bị mất đi. Nhưng có những giá trị không thể mất, không được phép mất. Bởi nó gắn liền với quá trình phát triển của một vùng đất. Tôi yêu Đà Nẵng từ thời còn gian khó. Bởi có thời gian khó ấy mới biết Đà Nẵng hôm nay đổi thay biết dường nào!
Tùy bút: Phan Thủy