Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương:

Đà Nẵng phải trở thành trung tâm của miền Trung về công nghiệp, du lịch, dịch vụ

Thứ sáu, 01/07/2016 10:41

(Cadn.com.vn) - Chiều 30-6, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Đà Nẵng về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020 và vai trò, hiệu quả ngành công nghiệp du lịch Đà Nẵng. Dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Đà Nẵng xin lập Cảnh sát Du lịch

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cho biết, để xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và có khả năng cạnh tranh quốc tế trong khu vực ASEAN; là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 và bố trí kinh phí thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho thành phố; sớm ban hành Nghị định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng.

Liên quan đến việc phát triển ngành Du lịch, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh kiến nghị Trung ương cho phép Đà Nẵng thí điểm triển khai mô hình xe buýt 2 tầng; rà soát, sửa đổi các vướng mắc trong hoạt động kinh doanh lưu trú, khu điểm du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên và thành lập Quỹ xúc tiến du lịch; sớm công bố quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà để làm cơ sở đầu tư phát triển đúng hướng và bền vững; cho Đà Nẵng cơ chế ưu đãi đối với các đơn vị đầu tư về du lịch về thuế, phí và nhập khẩu các hàng hóa; đặc biệt cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Cảnh sát Du lịch nhằm tăng cường trách nhiệm giải quyết triệt để các đối tượng hàng rong, quản lý môi trường du lịch, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch.

Cũng đề cập đến việc phát triển ngành Du lịch Đà Nẵng, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, đối với ngành dịch vụ du lịch muốn đột phá để phát triển thì Trung ương phải cho Đà Nẵng một số cơ chế chính sách đặc thù. Cụ thể như: cho Đà Nẵng và một số địa phương miền Trung mở văn phòng đại diện một số nước để xúc tiến, quảng bá và tìm hiểu, mời chào khách quốc tế; một số khu du lịch, vui chơi, mua sắm lớn phục vụ cho phát triển du lịch địa phương thì nên giao cho địa phương tự chủ quyết định; cấp Visa cho khách quốc tế vào Đà Nẵng từ 15 ngày lên 30 ngày.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách cũng như quản lý chặt chẽ khách du lịch chui, tình trạng chặt chém,... cần có lực lượng Cảnh sát Du lịch. Theo ông Vinh, mỗi năm Đà Nẵng đón từ 4 – 5 triệu khách, trong đó thường xuyên xảy ra tình trạng khách du lịch, hướng dẫn viên “chui”, tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách... tuy nhiên, ngành Du lịch lại không có quyền hạn để xử lý tình trạng này. Vì vậy, Trung ương cần thí điểm cho Đà Nẵng thành lập Cảnh sát Du lịch như một số nơi trong khu vực các nước ASEAN.

Đẩy mạnh liên kết Vùng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, Trung ương giao nhiệm vụ cho Đà Nẵng phải là Trung tâm kinh tế xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhưng đối với thành phố không biết đến bao giờ thực hiện được nhiệm vụ này.  Vì vậy, làm sao để Đà Nẵng trở thành trung tâm phát triển vùng, là động lực của Vùng phải có sự kết nối. Mặc dù, Đà Nẵng đã chủ động kết nối với các địa phương khu vực miền Trung và cũng dần xác định được vai trò trung tâm ở một số lĩnh vực như giao thông, du lịch, đào tạo, y tế nhưng nguồn lực rất hạn chế nên đang bị hụt hơi. Hiện nay, quy mô kinh tế khoảng 46.000 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng 10%/năm thì đến năm 2020 cũng chỉ mới có 50.000 tỷ đồng, thu ngân sách hiện nay 15.000 tỷ đồng đến năm 2020 cũng chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng, thì cũng như hiện nay không thể đột phá để thể hiện vai trò trung tâm của vùng. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của Trung ương thì cũng chỉ dừng lại ở đây chứ không thể xác định được nhiệm vụ vùng. Bên cạnh đó, Trung ương sớm ban hành cơ chế phối hợp, liên kết vùng mang tính pháp lý, trong đó Đà Nẵng là trung tâm, đầu tàu của liên kết vùng để từ đó Đà Nẵng phát triển dần dần trở thành trung tâm của khu vực theo Nghị quyết 33 và Kết luận 75 của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Đương nhấn mạnh, Đà Nẵng luôn là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, GDP tăng trưởng bình quân cao nhất nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Ông Đương khẳng định: “Đà Nẵng phải trở thành trung tâm của miền Trung về công nghiệp, du lịch, dịch vụ và phải tăng cường liên kết để phát huy vai trò đầu tàu của vùng, vì vậy đề nghị các thành viên trong đoàn tập hợp các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng để có ý kiến với các bộ, ban, ngành và Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho Đà Nẵng”. Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị Đà Nẵng phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch địa phương; đầu tư, mở rộng thêm các dịch vụ du lịch mới để kéo dài thời gian lưu trú của du khách; ban hành bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm du lịch Đà Nẵng; đặc biệt đẩy mạnh kết nối với các địa phương trong vùng để tạo động lực cho Đà Nẵng ngày càng phát triển mạnh hơn nữa.

Đ.X