Đà Nẵng phố... (Kỳ 3: Những nốt trầm )

Thứ ba, 13/08/2019 11:40

Như một bản nhạc, quá trình phát triển đô thị, điển hình như Đà Nẵng không chỉ toàn những nốt cao mà còn có cả những nốt trầm, không chỉ có những tiết tấu nhanh mà còn có những khoảng lặng. Có người nói rằng, Đà Nẵng đang phải trả giá cho sự phát triển quá nhanh, quá nóng, đi tắt đón đầu, thậm chí đôi lúc “xé rào” chạy theo các chỉ số phát triển để rồi vượt tầm kiểm soát.

 

Cũng tại buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33, ngoài việc ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật của Đà Nẵng trên các lĩnh vực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra rằng, với vị thế địa chính trị, kinh tế và nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng Đà Nẵng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng cũng như sự kỳ vọng; chưa làm tốt vai trò là trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên; công tác xây dựng quy hoạch tổng thể và dài hạn còn hạn chế...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, so với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, thì công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, như việc bố trí cán bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở Đảng,... Thành phố đi lên từ đất, nhưng khuyết điểm, vi phạm cũng từ đất, công tác sử dụng, quản lý đất đai có vấn đề; giàu lên từ đất và khổ sở cũng từ đất, để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc. Đây là bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, hầu hết các quốc gia, các thành phố lớn, trong đó Đà Nẵng không là ngoại lệ khi đều rơi vào tâm lý nôn nóng, thậm chí “phát cuồng” chạy theo tăng trưởng. Vẫn biết rằng chạy nhanh quá dễ bị vấp ngã, phát triển “nóng quá” chắc chắn sẽ để lại hậu quả xấu về môi trường, về văn hóa, xã hội. Thế nhưng trong cơn “say nắng” làm sao để có được tăng trưởng cao, và khi đang trên đà hưng phấn của sự tăng trưởng ấy, có nhiều thứ bị bỏ qua, nhiều thứ bị phai nhạt dần, thậm chí mất đi. Sau hàng chục năm nhìn lại, Đà Nẵng không tránh khỏi những đau đớn và nuối tiếc, hụt hẫng và chơi vơi. Có những thứ có thể tái tạo lại được, nhưng có những thứ phải đánh đổi với cái giá không hề nhỏ, thậm chí không bao giờ tìm lại được dù với bất cứ giá nào.

Chỉ riêng vấn đề phát triển đô thị, hàng chục năm nay, Đà Nẵng được coi là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển ở Việt Nam. Thế nhưng, đến nay thành phố cũng bắt đầu bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Nổi lên là vấn đề quản lý đất đai, quy hoạch đô thị... Ông Bùi Huy Trí cho rằng, sự phát triển quá nhanh và có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đây được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt và nhà ga đường sắt... nay bị bao vây bởi các khu đô thị mới. Bên cạnh đó theo ông Trí, đô thị Đà Nẵng phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở. “So với thời điểm bắt đầu phát triển năm 1997, đến nay diện tích đô thị đã tăng gấp 4 lần, trong khi dân số chỉ tăng chưa đến 2 lần. Điều này phản ánh hiệu quả sử dụng đất khá thấp”, ông Trí nói. Đồng thời cho biết, khu vực trung tâm thành phố có xu hướng ngày càng tăng mật độ cư trú và mật độ xây dựng; khu vực ven đô, quá trình đô thị hóa chưa phù hợp với quy luật chuyển đổi cấu trúc từ mô hình nông thôn sang mô hình đô thị mới, dẫn đến những bất cập về không gian sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như những kết cấu xã hội truyền thống. Quá trình đô thị hóa cũng làm suy giảm bản sắc tự nhiên các khu vực nông thôn... “Có thể nói, trong nửa đầu của chặng đường 20 năm phát triển, đô thị Đà Nẵng đã chuyển mình rất tốt việc khai phá, tạo nên bộ khung cơ bản cũng như một lượng quỹ đất đáng kể để tiếp tục phát triển những bước tiếp theo. Tuy nhiên, nửa sau của chặng đường ấy đã thiếu hẳn một kịch bản phát triển đô thị hợp lý, bên cạnh đó là việc khai thác quỹ đất thiếu kiểm soát. Điều đó khiến cho sự phát triển cả về chất lượng đô thị và năng lực kinh tế đều chững lại và hiển hiện nguy cơ tụt hậu so với các địa phương khác”, ông Trí nhìn nhận.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường biển và tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm đang là vấn đề nan giải mà Đà Nẵng phải đối mặt.

Ông Hồ Phước Phương cho rằng, những hệ lụy mà Đà Nẵng đang phải đối mặt vì phát triển quá nóng, quá nhanh, quá đà cũng là tất yếu! Đất ở bị chia lô quá nhiều, dàn trải khắp nơi làm mất cân đối sử dụng đất. Hạ tầng giao thông lâu nay thành phố vốn tự hào thông thoáng, rộng rãi thì nay đã phát sinh quá tải cục bộ, nhất là giờ cao điểm. Trong vòng 10 năm, thành phố đầu tư xây 9 chiếc cầu bắc qua sông Hàn mà một thời nhiều người cho rằng, đầu tư như thế quá thừa thãi thì nay đã quá tải, không đủ dùng, kéo theo hàng loạt các nút giao thông phải đầu tư khác mức. Thậm chí bến xe, nhà ga, cảng phải tính đến việc di dời vì ảnh hưởng quá nhiều đến giao thông nội đô; việc xây dựng hệ thống giao thông ngầm, giao thông công cộng cũng được đặt ra nhưng đến nay muốn làm thì gặp nhiều cản trở, nhất là công tác giải tỏa đền bù. Chưa kể, các dự án lấn sông, lấn biển, khai thác núi rừng làm du lịch đã gây nên những tai tiếng xấu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phá vỡ môi trường sinh thái, để lại những hệ lụy không chỉ hiện tại mà cả tương lai. “Một nỗi lo không kém phần quan trọng đó là nhân sự. Sau cuộc cách mạng đô thị có nhiều cán bộ, thậm chí là chủ chốt của thành phố lâm vào vòng lao lý vì sai phạm, để rồi cả bộ máy chính quyền hiện tại phải mất nhiều thời gian, công sức cho việc thanh kiểm tra, ít nhiều làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển thành phố thời gian qua”, ông Phương nhìn nhận.

Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, trên chặng đường đã qua, có những lúc Đà Nẵng “say sưa” với các chỉ tiêu phát triển, tốc độ đô thị hóa cao nhất, nóng nhất cả nước, vì vậy việc tồn tại một số bất cập là khó tránh khỏi. Nếu đi sâu phân tích về công tác quy hoạch xây dựng đô thị, có thể thấy còn nhiều điểm hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là khả năng định hướng, dự báo trong quy hoạch đô thị bị hạn chế, từ đó đã khách quan tác động tiêu cực đến phát triển đô thị và khai thác đất đô thị... Theo ông Tiến, có 6 vấn đề nổi cộm hiện nay Đà Nẵng đang phải đối mặt, đó là còn nhiều dự án “quy hoạch treo”, quy hoạch nông thôn và chuyển đổi đất nông nghiệp còn nhiều bất cập, những tác động tiêu cực từ quy hoạch và đánh giá tác động môi trường, quy hoạch đô thị và tổ chức giao thông đô thị còn nhiều điểm lệch pha, yếu tố tiện ích đô thị chưa được chú trọng và cuối cùng là quy hoạch và phát triển bền vững...

Hơn lúc nào hết, Đà Nẵng cần nhìn rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và quyết tâm chỉnh hướng kịp thời. Dẫu biết còn rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với sự quyết tâm, với khát vọng, ý chí và lòng tự trọng của người Đà Nẵng, những “nốt trầm, dấu lặng” kia rồi sẽ đi qua, để Đà Nẵng vươn mình chinh phục những đỉnh cao mới.

(còn nữa)

DOÃN HÙNG