Đà Nẵng phố... (Kỳ 1: Ký ức cũ giữa thành phố mới)
Hơn 20 năm về trước, đô thị Đà Nẵng vẫn chủ yếu khoác trên mình gam màu thời hậu chiến. Một đô thị mà khi nhắc lại, những người đã từng sinh ra, lớn lên, chứng kiến sự đổi thay của nó - như thời hiện tại vẫn không thể hình dung nổi có một sự lột xác ngoạn mục, kỳ vĩ đến thế. Cho đến nay, mỗi khi nhớ về Đà Nẵng của một thời sơ khởi, không ít người vẫn mang trong mình cảm giác bồi hồi xen lẫn những nỗi niềm riêng - chung...
Nhà chồ - một hình ảnh gợi nhớ dĩ vãng của TP Đà Nẵng. |
20 năm về trước, khi nhắc tới Đà Nẵng, có lẽ không ít người liên tưởng đến hình ảnh những mái nhà chồ, những khu nhà “ổ chuột” đầy khốn khó, tạm bợ của cư dân nghèo khu vực ven sông, ven biển, nhất là ở P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà) và Hòa Minh (Q. Liên Chiểu). Ngày nay, cũng trên mảnh đất ấy nhưng phận người đã khác. Nhà chồ chỉ còn trong ký ức, có chăng cũng chỉ lưu lại trên những khuôn hình, những thước phim tư liệu. Ngay cả với cư dân từng một thời “trong cuộc”, khi nhớ về một thời quá vãng, họ cũng không thể ngờ rằng cuộc sống của mình lại đổi thay một cách nhanh chóng, một cái kết có hậu chẳng khác gì trong câu chuyện “cổ tích”.
Ngày ấy, mang tiếng là thành phố nhưng Đà Nẵng chỉ vỏn vẹn có quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần quận 3 (nay là quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) có cơ sở hạ tầng và kinh tế tương đối nổi trội. Dọc tuyến ven biển ở Q. Liên Chiểu, ven sông Hàn ở quận 3, cư dân đa phần làm nghề đánh bắt cá, và hình ảnh những mái nhà chồ lụp xụp đã gắn với họ suốt nhiều năm trời. Trong ký ức của ông Lê Khanh (70 tuổi), ở P. Nại Hiên Đông đến nay vẫn còn hằn in những nhọc nhằn, khốn khó khi tá túc trên căn nhà chồ ọp ẹp, đánh đu mạng sống của mình và gia đình trước những mùa mưa bão. “Lo nhất khi mình đi biển, thấy trời nổi gió lại lo ở nhà không biết vợ con có hề hấn chi không. Mỗi khi đài báo có bão dù gần hay xa, cả mấy mẹ con cũng đều di tản sang ở tạm những nhà người quen. Hết bão lại lục tục kéo nhau về”, ông Khanh hồi tưởng. Đó là chưa kể chuyện điện nước, đi lại cũng là mối lo triền miên của những người dân sống trên nhà chồ. Cuộc sống ở nhà chồ ven biển cực khổ ra sao, lo nắng sợ mưa như thế nào ông cũng đều trải. Ông tâm sự: “Mình đàn ông, con trai thế nào cũng chịu được, chứ thấy mấy đứa con nít và phụ nữ ngày đêm chen chúc trên nhà chồ mà thấy thương, nhất là chứng kiến cảnh con nít, đàn bà, người già nháo nhào chạy trú bão mới thấy nao lòng”...
Với ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị (QHPTĐT) Việt Nam, người được xem là “cha đẻ”, chính xác là Chủ nhiệm Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1993 thì Đà Nẵng vẫn còn vẹn nguyên ký ức thuở ban đầu.
Năm 1991, ông với tư cách là Trưởng đoàn (gồm 11 thành viên là các kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành đô thị thuộc Viện Quy hoạch đô thị Nông thôn - Bộ Xây dựng) vào Đà Nẵng để khảo sát, lập Đồ án quy hoạch chung cho thành phố. Ấn tượng ban đầu của ông, đó là một Đà Nẵng mà hơn 15 năm sau ngày giải phóng nhưng vẫn còn giữ nguyên hình ảnh của một đô thị phục vụ chiến tranh, là một khu liên hợp quân sự khổng lồ của Mỹ - ngụy trước năm 1975. “Ngày ấy, từ Huế vào Đà Nẵng phải vượt qua đèo Hải Vân hiểm trở, qua Liên Chiểu - Nam Ô để vào trung tâm thành phố là những cồn cát trải dài dưới chân núi Phước Tường ngập những nghĩa địa nối tiếp nhau. Từ Ngã ba Huế vào trung tâm thành phố là tuyến phố lớn với kiến trúc đơn điệu, thấp tầng bằng vật liệu đá rửa truyền thống của một thời gian khổ. Nhiều tuyến phố đan nhau thiếu hoạt động thương mại nên buồn tẻ, đìu hiu...”, ông Trần Ngọc Chính nhớ lại.
Trước khi bắt tay cùng các đồng nghiệp “khai sinh” Đồ án quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Chính đã có dịp trải nghiệm đầy ấn tượng với hình ảnh nhà chồ trên sông Hàn. |
Đặc biệt nhất, với ông có lẽ là khu làng chài Nại Hiên Đông án ngữ cả một vùng cửa sông rộng lớn là làng nghề biển truyền thống của đô thị này. Làng chật chội, phát triển tự phát, nhà ở quay lưng ra sông Hàn với kiến trúc đặc trưng là nhà ở trên cọc (người dân thường gọi là nhà Chồ), vừa xấu xí, nhếch nhác, vừa ảnh hưởng đến môi trường sông nước và đậm nét địa phương trong lịch sử phát triển đô thị một thời...
Cùng cảm nhận, ông Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết, trước năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế. “Mang danh là một thành phố biển nhưng cả Đà Nẵng khi ấy chỉ có vài bãi tắm. Gần như toàn bộ dải bờ biển chỉ là những xóm chài nghèo, thành phố thực sự quay lưng với biển. Sông Hàn khi ấy đơn giản chỉ là sự ngăn cách bất tiện giữa đôi bờ với những xóm nhà chồ xơ xác phía bờ Đông. Khu vực phát triển nhất của đô thị chỉ gói gọn trong phạm vi quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 6 ngàn ha”, ông Trí hồi tưởng.
Ngoài ra, theo ông, hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày ấy rất kém, đặc biệt về giao thông. Kết nối hai khu vực Đông - Tây sông Hàn chỉ có hai cây cầu là Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ) và Trần Thị Lý (đường sắt) vốn là các công trình cũ kỹ qua thời chiến tranh. Phương tiện giao thông qua lại phổ biến trên sông Hàn là những chuyến phà. Khả năng cấp nước rất hạn chế, phần lớn các khu vực dân cư còn dùng nước giếng. Công tác vệ sinh môi trường còn ít được quan tâm, bãi rác tự phát ở lẫn với khu vực dân cư, và nếu so với Hải Phòng, đầu tư xây dựng cơ bản của Đà Nẵng khi ấy là con số rất nhỏ. “Qua hơn 20 năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến thời điểm trước năm 1997, sự phát triển của đô thị Đà Nẵng là rất chậm, hình hài đô thị không khác là bao so với mấy mươi năm trước đó”, ông Bùi Huy Trí khẳng định.
Là người con của Đà Nẵng, ông Hồ Phước Phương, Ủy viên Thường trực Hội QHPTĐT Đà Nẵng mỗi khi hồi tưởng về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, ông không khỏi bồi hồi. Với ông ngày ấy, những năm 90 thế kỷ trước, khi chưa tách tỉnh, Đà Nẵng chẳng ai biết, chẳng ai hay ngoài những ký ức chiến tranh, có chăng chỉ một vài tin vắn chứa nhiều nỗi buồn, cái khó bó cái khôn, túng quẫn, muốn thoát khỏi cái áo chật chội nhưng đành bất lực. “Bất lực nhìn con em lớn lên, học hành tấn tới bằng công sức nhọc nhằn của bao gia đình nghèo khó, nhưng rồi đành bấm bụng tìm nơi chốn khác để mưu sinh lập nghiệp. Sự ra đi đem đến thịnh vượng cho xứ người còn bản thân quê nhà thiếu hụt nhân lực, sức người, sức của. Chính quyền cũng vậy, cũng khó không kém. Kêu gọi đầu tư, trải thảm mời chào. Họ đến, mừng lắm, và bằng cả chân tình tiếp đãi với bao nhiêu kỳ vọng, bao nhiêu niềm vui... Nhưng rồi, như cưỡi ngựa xem hoa, họ đến, rồi một đi không trở lại”, ông Phương tiếc nuối. Vì sao vậy? Theo ông Phương, câu hỏi không khó để trả lời. Đó là bởi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cơ sở dịch vụ, vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư, công nghiệp phụ trợ, y tế giáo dục... không đáp ứng! “Mọi thứ như ngừng lại. Quả là quá khứ buồn, bất lực”, ông Phương ngậm ngùi...
DOÃN HÙNG (còn nữa)