Đà Nẵng-quá khứ và hiện tại
Nguyên nhân nào dẫn tới cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của liên quân Pháp - Tây Ban Nha? Vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong công tác phòng thủ và bảo vệ đất nước? Những bài học kinh nghiệm quý báu nào từ lịch sử được rút ra để vận dụng vào tình hình mới của đất nước và của TP Đà Nẵng hiện nay... là những vấn đề được các nhà sử học, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi tại Hội thảo khoa học "Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại" do Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hôm qua (31-8), vào dịp kỷ niệm 160 năm quân và dân Đà Nẵng kháng Pháp!
Cảnh hội thảo. |
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, đồng Chủ trì hội thảo, Hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của gần 30 nhà khoa học ở trong và ngoài nước, thông qua các tham luận tập trung nghiên cứu Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 hoặc từ góc độ quá khứ, hoặc từ góc độ hiện tại, hoặc từ cả hai góc độ này theo tinh thần "ôn cố tri tân".
Vị trí "đặc biệt" của Đà Nẵng
Để lý giải phần nào cho câu hỏi nguyên nhân dẫn tới cuộc tấn công xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, ngay trong bài phát biểu chào mừng hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đã nói rằng, không phải ngẫu nhiên mà trước đó thực dân Pháp chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên nổ súng, hay sau này đế quốc Mỹ tiếp tục chọn Đà Nẵng làm nơi đầu tiên đổ quân xâm lược Việt Nam. "Đà Nẵng luôn mang trong mình một lợi thế đặc biệt quan trọng cả về vị trí địa chính trị lẫn quân sự. Không những nằm ở vị trí trung tâm của cả nước, Đà Nẵng còn được xem là trạm trung chuyển trên con đường thương mại từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, là cửa ngõ để tiến vào khu vực Đông Nam Á lục địa và là vị trí then chốt cuối cùng của Hành lang Kinh tế Đông - Tây", ông Dũng nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với P.V bên lề hội thảo. |
GS Ngô Vĩnh Long (Đại học Maine, Hoa Kỳ) với tham luận "Vị trí địa chính trị của Đà Nẵng trong việc Pháp đánh chiếm cửa Hàn năm 1858-1860 và trong bối cảnh hiện nay" cho rằng: "Lý do chính thức chính phủ Pháp và chính phủ Tây Ban Nha đưa ra trong việc hợp tác đánh vào cửa Hàn là vì năm 1857 vua Tự Đức đã xử tử hai vị truyền giáo đạo Thiên chúa người Tây Ban Nha - tháng 11-1857 Đại đế Napoleon III ra lệnh cho Đô đốc Rigault de Genouilly đánh Việt Nam để dạy cho triều đình Huế một bài học; đánh vào cửa Hàn là vì vịnh ở đây có nước sâu rất thuận lợi cho tàu chiến lúc đó tiến sát bờ cũng như có thể cắm neo lâu ngày, thêm vào đó vị trí gần Huế cũng tiện lợi cho việc dọa nạt triều đình Huế phải mau chóng đồng ý với đòi hỏi được quyền tự do truyền bá đạo Thiên chúa"...
TS Lê Sơn Phương Ngọc (TP Hồ Chí Minh) với tham luận "Chiến thắng Đà Nẵng 1858-1860 là trận thắng rất oanh liệt của quân dân Việt Nam trong thế kỷ XIX" đưa ra quan điểm: "Sử ta xưa nay viết Pháp đánh Đà Nẵng để đánh Huế, là hoàn toàn sai lầm. Vì hải quân không thể mang vác đi bộ hơn 100km, lại phải qua cái đèo cao nhất dài nhất nước ta là đèo Hải Vân, trong khi đó từ biển Thuận An lên kinh thành Huế chưa tới 15km. Pháp đánh Đà Nẵng mục đích chủ yếu là nhằm xây dựng Đà Nẵng thành một cứ điểm hùng mạnh để chinh phục toàn vùng Đông Nam Á, tạo thế đối sánh với thực dân Anh đã khống chế Đông Bắc Á, bằng cách chiếm Hồng Kông trước đó 8 năm". Quan điểm này một lần nữa nhấn mạnh đến vị trí địa chính trị lẫn quân sự đặc biệt quan trọng của Đà Nẵng không chỉ đối với nước ta mà còn cả khu vực.
Sông Hàn - "nhân chứng" soi chiếu rõ ràng nhất về lịch sử của Đà Nẵng ở quá khứ và hiện tại. (Trong ảnh: Thế hệ người Đà Nẵng hôm nay tự hào về quá khứ và hiện tại của quê hương). |
Phải học bài học của quá khứ
Tại hội thảo, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn trong bài tham luận "Bảo tồn và phát triển thành phố Đà Nẵng trong vận hội mới thế kỷ XXI" đưa ra cái nhìn đối sánh, rằng "160 năm trước, Đà Nẵng chỉ là một đô thị cảng nhỏ với Thành Điện Hải xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, với dân số vài nghìn người, đang đứng trước nguy cơ chiến tranh xâm lược của Pháp và các nước Âu Tây, còn nghèo và nhiều khó khăn do chính sách bế quan tỏa cảng của triều Nguyễn. 160 năm sau, Đà Nẵng ngày nay đã là một đô thị loại I trực thuộc Trung ương, không chỉ là thành phố cảng, mà còn là đô thị biển - sông - núi quan trọng nhất miền Trung, với dân số trên 1,2 triệu người, trong lúc đất nước đã hòa bình - độc lập - thống nhất đang trên đường phát triển ngày càng giàu mạnh trong mối tương quan hội nhập quốc tế".
Với tầm nhìn chiến lược của một nhà ngoại giao, TS Hoàng Oanh, Viện nghiên cứu chiến lược (Học viện Ngoại giao) cũng đã xuất phát từ vị trí địa chiến lược của Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 để đưa ra nhiều định hướng trong quan hệ quốc tế hiện nay đối với thành phố bên sông Hàn, trong đó đáng chú ý là định hướng "Đà Nẵng hiện đang là một trọng điểm trong sáng kiến kết nối khu vực của Nhật Bản, cần phải tận dụng được cơ hội lớn này". Theo quan điểm của Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo, nói về cuộc chiến 160 năm trước đã nhắc nhở chúng ta rằng, Đà Nẵng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung có vị trí địa chính trị lẫn quân sự cực kỳ quan trọng. Ngày nay, chúng ta có một sự liên tưởng nào đó giữa thử thách của 160 năm trước với những thử thách mà thế hệ chúng ta đang phải đương đầu.
Nói về bài học của cuộc chiến, ông Dương Trung Quốc cho rằng: Sự kiện cách đây 160 năm trên mảnh đất Đà Nẵng là thử thách đầu tiên, cũng là chiến thắng đầu tiên và duy nhất của chúng ta ngay trong trận đầu kháng Pháp. Qua cuộc chiến này, bài học lịch sử dành cho chúng ta là phải luôn cảnh giác, phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng lòng giữa nhà nước và người dân, đấy là sức mạnh đầu tiên trong công cuộc bảo vệ đất nước.
"Vị trí của Đà Nẵng đòi hỏi chúng ta phải học bài học của quá khứ, kể cả bài học thành công và bài học thất bại. Và hôm nay, chúng ta có một cơ hội rất lớn là hội nhập với thế giới, tìm sức mạnh không chỉ nội lực của chúng ta, mà sức mạnh ở cộng đồng. Việc chúng ta tham gia vào công ước quốc tế về Luật Biển nó có bảo đảm rất quan trọng, và chúng ta hội nhập vào sức mạnh đấy để chống lại những gì phương hại đến lợi ích của chúng ta. Tôi cho đấy là cơ hội mới, nhưng những bài học cũ thì vẫn còn giá trị", ông Dương Trung Quốc nói.
DOÃN HÙNG