Đà Nẵng ra khỏi top 10 về tai nạn lao động

Thứ hai, 17/11/2014 12:04

(Cadn.com.vn) - Liên tục trong 3 năm (2011- 2013) Đà Nẵng xếp vào top 10 những thành phố có tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trong cả nước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra 41 vụ TNLĐ, trong đó có 4 vụ TNLĐ làm 4 người chết (giảm 6 vụ so với cùng kỳ 2013), 1 vụ TNLĐ làm 1 người bị thương nặng (giảm 4 vụ so với cùng kỳ 2013), ra khỏi Top xếp hạng đáng buồn trên.

4 vụ TNLĐ  chết người tại Đà Nẵng là các trường hợp: anh Trần Hoài Phong (Cty TNHH Bảo An Khoa): lúc 9 giờ15 ngày 25-3 do bệnh lý; anh Phạm Hồng Lưu (Cty CP TM Nam Việt Hùng) tử vong lúc 15 giờ ngày 24-3 do ngã cao; anh Trần Quốc Minh (Cty CP Thép Thái Bình Dương) tử vong lúc 8 giờ ngày 25-4 do giật điện; anh Văn Đức Hùng (Cty TNHH XD& TM Nhất Huy) tai nạn lúc 9 giờ 30 ngày 17-5-2014 do bị ngã khi đang lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng.

Tính trên cả nước, có 258 vụ TNLĐ chết người/3.454 vụ TNLĐ trong 3.505 người bị nạn. Trong số 3.454 vụ TNLĐ, có một số vụ TNLĐ nghiêm trọng: lúc 23 giờ 30 ngày 15-1, 6 người chết và 1 người bị thương nặng tại Cty TNHH MTV than Đồng Vông, P. Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; vụ ngạt khí xảy ra vào lúc 10 giờ 30 ngày 11-4 làm 3 người chết và 3 người bị thương tại Cty CP Vĩnh Phát, KCN Phú Bài, TX Hương Thủy, tỉnh TT- Huế; vụ tai nạn do đá lăn xảy ra vào lúc 13 giờ 30 ngày 23-4 làm 2 người chết tại mỏ đá núi Đồng Thung thuộc Cty CP đầu tư và xây dựng 125 Cencol đường Thành Thái, P. Đồng Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đánh giá chung, yếu tố chủ yếu gây chấn thương là ngã từ trên cao xuống (30% vụ); điện giật (23,46% vụ); vật rơi, đổ sập (14,81% vụ); tai nạn giao thông (14% vụ); máy, thiết bị cán, kẹp cuốn (11,1% vụ). Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc do một số nguyên nhân khách quan khác nhau.

Diễu hành tuyên truyền về ATVSLĐ.

Ông Võ Văn Tiến, Phó Phòng Việc làm an toàn lao động (Sở LĐ-TB & XH TP Đà Nẵng) cho biết, Đà Nẵng thoát khỏi top 10 TNLĐ chủ yếu là do đã làm tốt công tác tuyên truyền đến người lao động, người sử dụng lao động. Tuy vậy, trong nỗ lực giảm thiểu TNLĐ vẫn còn vướng phải những khó khăn. Đơn cử, vừa qua Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 27/2013-TTBLĐTBXH về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhưng vị trí các Sở LĐ-TB & XH chỉ dừng lại mức độ giám sát. Đây là một trong những vấn đề gây khó khăn nhiều nhất trong công tác quản lý Nhà nước, gây khó khăn cho DN và các ngành chức năng trong công tác quản lý Nhà nước về công tác huấn luyện này.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng hiện đang có hơn 15.000 DN thì 70% DN là người lao động làm việc trong môi trường đòi hỏi phải có ATVSLĐ. Các DN trên địa bàn phần lớn là các DN vừa và nhỏ, điều kiện sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp cho nên kinh phí triển khai thực hiện công tác AT-VSLĐ quá ít dẫn đến chất lượng hiệu quả chưa cao. Ở nhiều cơ sở, DN, nhà xưởng máy móc thiết bị xuống cấp, lạc hậu, điều kiện lao động không đảm bảo yêu cầu về AT-VSLĐ, trong khi đó sức ép về vốn đầu tư, thay thế thiết bị, công nghệ, giá thành sản phẩm... đã tạo ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về AT-VSLĐ.

Năm 2014-2015, Đà Nẵng quyết tâm giảm 5% tần suất TNLĐ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ; Giảm 10% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; Đảm bảo hơn 80% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp; 100% số vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người, cháy nổ được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Người lao động ở địa phương do những khó khăn về kinh tế nên họ sẵn sàng làm việc trong bất cứ điều kiện, môi trường làm việc nào miễn là có thu nhập; nhận thức của người lao động về sự nguy hiểm và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của môi trường làm việc còn nhiều hạn chế, do chủ quan, và nhận thức, ý thức kém về AT-VSLĐ... nên đã vi phạm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về AT-VSLĐ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích các phương tiện bảo vệ cá nhân trong những điều kiện làm việc cần phải bảo hộ.

Ông Võ Văn Tiến cho biết, để giảm thiểu tối đa TNLĐ trên địa bàn, trong thời gian đến Sở LĐ-TB&XH sẽ bố trí thêm cán bộ thuộc các phòng có chức năng thực hiện công tác AT-VSLĐ; tăng kinh phí thực hiện công tác AT-VSLĐ, đặc biệt là kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra, phát hiện bệnh nghề nghiệp; tăng cường công tác phối hợp với các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra các DN có nguy cơ cao dễ xảy ra TNLĐ và thực hiện xử lý nghiêm và buộc phải khắc phục ngay những vi phạm về công tác AT-VSLĐ tại DN. Đặc biệt, Sở sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung của Chương trình quốc gia về AT-VSLĐ giai đoạn 2011-2015 của Trung ương và Kế hoạch 4939/KH-UBND của thành phố về việc đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Lê Anh Tuấn