Đà Nẵng rộng cửa đón khách Nhật
(Cadn.com.vn) - Năm 2013, lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng đã tăng lên nhanh chóng với hơn 41.000 lượt (tăng 53% so với năm 2012). Với con số ấn tượng này, Nhật Bản trở thành thị trường khách quốc tế trọng điểm, đứng thứ 3 trong tổng số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Với việc ra đời đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Nhật Bản, chắc chắn du khách xứ sở hoa anh đào sẽ đến với thủ phủ miền Trung ngày một nhiều.
NHIỀU THUẬN LỢI
Ngày 16-7 tới đây, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) sẽ chính thức khai trương đường bay thẳng nối liền sân bay Đà Nẵng với sân bay Narita, Tokyo (Nhật Bản).
Trước khi những chuyến bay đầu tiên được khởi hành, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra lễ hội giao lưu văn hóa – ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản với sự tham dự của đại diện chính quyền các thành phố lớn từ phía Nhật có mối quan hệ với TP Đà Nẵng như Sakai, Otawara, Yokohama, Kawasaki, Nagasaki, Fukuoka, Mitsuke.
Đường bay thẳng Đà Nẵng - Narita sẽ được VNA khai thác với tần suất 4 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A321. Trong thời gian khai trương đường bay này, Chi nhánh Vietravel Đà Nẵng kết hợp với VNA sẽ mở tour kích cầu (5 ngày) theo tuyến Đà Nẵng – Tokyo – núi Phú Sĩ. Cũng dịp này, VNA sẽ bán vé ưu đãi cho hành khách.
Theo đó, giá vé khứ hồi trên đường bay Đà Nẵng - Narita là 7.375.000 đồng (tương đương 349 USD), vé xuất từ nay đến ngày 31-12-2014 và khởi hành từ ngày 16-7 đến hết ngày 31-12-2014. Theo các hãng lữ hành, sau 4 đường bay trực tiếp thường kỳ kết nối thành phố với Siêm Riệp (Campuchia), Hàn Quốc, Hồng Kông và Sigapore, đường bay Đà Nẵng – Narita sẽ mở rộng thị trường outbound mới cho các chuyến du lịch tới Nhật Bản cũng như mang nhiều khách Nhật tới Đà Nẵng ngay trong mùa hè năm nay.
Trên thực tế, từ lâu nay, mối liên kết chặt chẽ giữa Đà Nẵng và một số địa phương của Nhật Bản đã trở thành cầu nối thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Việc tận dụng lợi thế này để hợp tác và phát triển du lịch vì thế cũng đã có nhiều khởi sắc.
Mới đây nhất, trong chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng, ông Hiroshi Fukada - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã phát biểu rằng, ông đã nhiều lần đến công tác, du lịch và cảm thấy rất thiện cảm với thành phố. Ông đánh giá Đà Nẵng là nơi “ngày càng trở nên hấp dẫn nhất” đồng thời cho rằng, để khai phá hết tiềm năng của nhau, Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản nên tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng và du lịch.
Cạnh đó, với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh và tiềm năng KT-XH của TP Đà Nẵng thúc đẩy quan hệ kinh tế, đối ngoại giữa thành phố với các địa phương, tổ chức của Nhật Bản, Văn phòng Đại diện TP Đà Nẵng tại Nhật cũng sẽ trở thành cầu nối khai phá thị trường khách du lịch đầy tiềm năng này.
Ngoài ra, Đà Nẵng vừa có thêm một thuận lợi nữa để tiếp cận gần hơn, nhiều hơn thị trường khách Nhật, đó là ngày 18-6 vừa qua, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã chính thức thành lập Câu lạc bộ Lữ hành Outbound Nhật Bản khu vực miền Trung (JOTC-CR).
Theo đại diện các hãng lữ hành tại Đà Nẵng, ngoài nhiệm vụ chính là thúc đẩy việc đưa khách Việt Nam đến với Nhật Bản, Câu lạc bộ ra đời sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai nước, góp phần đón khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam.
Du khách Nhật Bản tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
KHÁCH NHẬT RẤT KHÓ TÍNH
Ông Trần Chí Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, nhìn nhận với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lâu nay rất nhiều khách Nhật muốn đến Đà Nẵng để trải nghiệm. Nhưng một trong những trở ngại lớn nhất là muốn đến thủ phủ miền Trung họ phải đến Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh trước, sau đó bay thêm một chặng nữa. Đối với thị trường khách có chất lượng cuộc sống cao và “khó tính” bậc nhất ở khu vực Châu Á thì đây là một trong những trở ngại.
Tiếp đó là chất lượng du lịch. “Cuộc sống của họ rất cao, chính vì vậy những yêu cầu về chất lượng phục vụ, dịch vụ du lịch cũng thuộc hàng “khó tính”. Để chinh phục được thị trường tiềm năng này, ngành du lịch Đà Nẵng phải hoàn thiện rất nhiều thứ. Cơ sở hạ tầng thì mình không ngại nhưng bài toán về nguồn nhân lực như hướng dẫn viên, phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn cũng như các điểm du lịch phải ngày càng chuyên nghiệp”, ông Cường trao đổi.
Được biết, về số lượng, Đà Nẵng hiện có khoảng 60 hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách trong số này thì không phải là nhiều. Đó là một trong những trở ngại cho việc làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Ngoài ra, đối với thị trường khách khó tính này thì sự đơn điệu trong sản phẩm, hiện tượng “chặt chém”, chèo kéo, bu bám tại một số điểm du lịch nếu không được khắc phục chắc chắn sẽ là một điểm trừ.
Trong thời điểm mà thị trường khách nói tiếng Trung đang giảm đáng kể thì ngành du lịch Đà Nẵng lại đứng trước cơ hội lớn để khai thác thị trường dồi dào từ Nhật Bản. Ngoài đường biển và lượng khách Nhật đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Narita với tần suất 4 chuyến/tuần trên máy bay Airbus A321, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đang hy vọng khách du lịch Nhật Bản góp phần không nhỏ trong 3,6 triệu lượt khách dự kiến đến với Đà Nẵng năm 2014.
Đông A