Đà Nẵng sẵn sàng cho chương trình, sách giáo khoa mới

Thứ bảy, 16/11/2019 15:00

Cùng với cả nước, ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đang rốt ráo công tác chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM).

Lớp 1 là nền móng để phát triển HS ở bậc phổ thông.   Ảnh: P.T

Lợi thế trong công tác chuẩn bị

Nhiều năm trở lại đây, Đà Nẵng thường được Trung ương, các Bộ ngành chọn là địa điểm để tổ chức các sự kiện, hội thảo, hội nghị tập huấn toàn quốc. Tranh thủ lợi thế này, ngành GD-ĐT TP chủ động mời Tổng Chủ biên của CTGDPTM Nguyễn Minh Thuyết và Vụ trưởng Vụ Trung học Bộ GD-ĐT Vũ Đình Chuẩn nói chuyện riêng với cán bộ, GV chủ chốt của ngành nhằm nắm bắt hồn cốt, tinh thần chung của CTGDPTM để về triển khai tại đơn vị. 

Điểm mới của quá trình chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện CTGDPTM lần này là Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm phối hợp cùng các địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, GV các trường phổ thông. Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) là 1 trong 8 trường tham gia tập huấn trên địa bàn 6 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Với lợi thế này Trường ĐHSP Đà Nẵng có nhiều thuận lợi khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng tập trung. Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP- cho biết, thời gian qua, ngành đã phối hợp Trường ĐHSP Đà Nẵng triển khai các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho một số GV, cán bộ cốt cán ở bậc TH, THCS và THPT.

Theo CTGDPTM, 100% HS ở bậc TH sẽ được học 2 buổi/ngày. Theo ông Mai Tấn Linh, khó có tỉnh thành nào trong cả nước triển khai dạy học 2 buổi/ngày như Đà Nẵng đã làm được trong mấy năm qua. Dù năm học 2019-2020, Đà Nẵng vẫn chưa đạt 100% HS ở bậc TH được học 2 buổi/ngày, nhưng không thể phủ nhận sự quan tâm của TP trong đầu tư nguồn lực cho các bậc học nói chung, bậc TH nói riêng. Sở dĩ Đà Nẵng "lỗi hẹn" với chủ trương TP đề ra từ 5 năm trước là bởi hiện tại còn Q.Liên Chiểu chưa triển khai 100% HS TH học 2 buổi/ngày vì tốc độ dân số tăng cơ học mỗi năm. "Q. Liên Chiểu đã đề nghị xây dựng 1 trường TH ở P.Hòa Minh. Nếu được TP đồng ý thì sẽ đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ngày đối HS tiểu học trong năm học tới"- ông Mai Tấn Linh cho hay.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, mỗi địa phương phải xây dựng kế hoạch về đổi mới CTGDPT, trong đó có việc thành lập BCĐ để tổng chỉ huy, điều hành. Vấn đề này đang được Sở GD-ĐT TP tham mưu cho TP. Ngoài ra, Sở cũng đang có các bước để tham mưu, mời các sở, ngành có liên quan để biên soạn chương trình GD địa phương sao cho phù hợp với từng khối lớp, bậc học từ TH, THCS, THPT, trước mắt là cho bậc TH trong đó có lớp 1 (3 tiết/tuần)...

Còn đó những khó khăn!

Cùng với sự phát triển nhanh và nóng, Đà Nẵng đang đối mặt với việc tăng dân số cơ học với số lượng người từ các nơi khác đến nhập cư sinh sống, làm việc và học tập ngày càng đông. Đây cũng là một trong những khó khăn nội tại của ngành GD-ĐT TP khi triển khai áp dụng với CTGDPTM. 

Mặt khác, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dù có được đầu tư tốt đến đâu thì nhân tố quyết định sự thành công vẫn là con người thực hiện. Theo quy định, khi tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nắm bắt chắc hồn cốt của CTGDPTM, GV phải tham gia 20% thời gian học tập trung, 80% thời gian còn lại học qua mạng. Đây là một sức ép rất lớn đối với GV TH khi vừa đi dạy, vừa phải đi học tập trung vào thứ bảy, chủ nhật...

Điểm mới của CTGDPTM là trên cơ sở kế hoạch chung, mỗi trường sẽ phải đánh giá thực trạng của nhà trường để xây dựng kế hoạch riêng. Theo bà Trần Thị Thúy Hà -Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Hải Châu, yêu cầu này đòi hỏi năng lực thực sự tốt của Hiệu trưởng, Hiệu phó và đội ngũ tổ trưởng chuyên môn. "Theo tôi, công việc này khó có thể thực hiện ngay trong năm học đầu tiên mà phải từ từ, từng bước. Theo đó, trong quá trình thực hiện, mỗi cán bộ, GV vừa nghiên cứu, vừa sáng tạo, mỗi trường mới có thể có được chương trình dạy học riêng phù hợp với đặc điểm của từng trường... Ngoài ra, mỗi GV, mỗi trường phải có kế hoạch giáo dục riêng tương ứng với từng lớp"- bà Hà chia sẻ.

Bất kỳ sự đổi mới, đổi thay nào cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức trong thời gian đầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, như bà Trần Thị Thúy Hà chia sẻ, "thật ra, cốt nền cũ vẫn còn ở trong chương trình mới rất nhiều, chỉ linh hoạt trong một số bộ môn tích hợp, theo hướng tích hợp liên môn nhiều hơn, có những chủ đề chung...", hy vọng tất cả rồi sẽ vào guồng, nếu cần toàn ngành dồn hết tâm sức, trí tuệ và nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ từ xã hội...

KHÁNH YÊN