Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó với dịch cúm gia cầm

Thứ sáu, 03/03/2017 12:02

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành trong nước và có nguy cơ xâm nhập vào Đà Nẵng, các ngành chức năng trên địa bàn thành phố đã đề ra nhiều biện pháp hữu hiệu và vào cuộc quyết liệt để sẵn sàng ứng phó.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng - Đặng Việt Dũng (bìa trái)
kiểm tra việc thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh
bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Giám sát chặt chẽ 

Hiện cả nước đã có 7 tỉnh phát hiện ổ dịch cúm gia cầm, gồm Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi. Từ ngày 7-2 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 6 ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm. Cơ quan chức năng của tỉnh này buộc phải tiêu hủy hơn 19.000 con gia cầm mắc bệnh bị chết. Trước tình hình đó, các ngành chức năng liên quan trên địa bàn TP đã tích cực vào cuộc nhằm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập vào Đà Nẵng.

Theo Chi cục Thú y TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có hơn 350.000 con gia cầm, mỗi ngày chỉ đáp ứng 20% sản lượng thịt và số còn lại phải nhập từ các tỉnh khác về tiêu thụ. Trung bình mỗi tháng, thành phố nhập hơn 250.000 con gia cầm sống và khoảng 360 tấn gia cầm về tiêu thụ. Chính vì vậy, để ngăn chặn dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập vào Đà Nẵng, Chi cục Thú y thành phố đã tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm vệ sinh thú y, gia cầm chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Hiện Chi cục Thú y đã tăng cường cán bộ kiểm dịch, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông cửa ngõ vào thành phố, đặc biệt là hai trạm giao thông tại Hòa Phước và Kim Liên. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tăng cường công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung như: Đà Sơn, Hòa Vang; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở, quầy kinh doanh động vật, sản phẩm gia súc, gia cầm. Ngoài ra, Chi cục Thú y đang triển khai tiêm vaccine cho gia cầm trên toàn địa bàn thành phố. Đến nay, thành phố đã tiêm được hơn 200.000 con gia cầm. Ngành nông nghiệp cũng đã cấp hơn 1.200 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các địa phuơng, các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ để tập trung tiêu độc khử trùng.

Chi cục Thú y thành phố khuyến cáo người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp chăm sóc gia cầm, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Khi phát hiện có gia cầm chết đồng loạt không rõ nguyên nhân, các hộ cần báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương nhằm phát hiện sớm ổ dịch, không được bán gia cầm bị bệnh, chết. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần phải sử dụng các sản phẩm gia cầm có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y và đảm bảo các biện pháp vệ sinh hợp lý khi giết mổ.

Hành vi vận chuyển gia cầm không đúng quy định của người dân là một trong những
nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm có thể xâm nhập vào Đà Nẵng.

Chủ động phòng chống dịch cúm A(H7N9)

Tình hình dịch cúm A (H7N9) đang lây lan rộng tại Trung Quốc. Tính đến nay, Trung Quốc đã phát hiện hơn 425 trường hợp nhiễm cúm A (H7N9). Hầu hết các bệnh nhân này đều có biểu hiện suy hô hấp nặng, sốt, ho, khó thở, tiến triển nhanh, nguy kịch và đã có 87 trường hợp tử vong. Hiện tại, nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm đường hô hấp do cúm A (H7N9) nhưng dịch bệnh vẫn có nguy cơ xâm nhập vào và bùng phát rất cao.

Đà Nẵng là đầu mối giao thông quốc tế, mỗi quý có hơn 10.000 lượt người Trung Quốc đến thành phố để tham quan, du lịch và làm ăn theo đường hàng không, đường biển. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội sắp tới, dự báo lượng du khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng sẽ rất đông. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Để ngăn chặn kịp thời dịch cúm A (H7N9) có thể xuất hiện tại Đà Nẵng, ngành Y tế thành phố đã phối hợp với Cảng vụ hàng không, cảng biển triển khai thực hiện việc giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Đà Nẵng qua các cửa khẩu thông qua việc theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa và hệ thống giám sát cúm tại cộng đồng; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên (nếu có) để kịp thời tổ chức cách ly và xử lý. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị rà soát cơ số thuốc, hóa chất, các phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch; tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân. Đặc biệt, đã sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Theo đó, nếu xuất hiện từ 1-30 ca bệnh thì sẽ tổ chức cách ly, điều trị tại khoa Y học nhiệt đới – BV Đà Nẵng, còn từ 1-20 bệnh nhân nhi sẽ được điều trị tại khoa Y học nhiệt đới BV Phụ sản - Nhi.

Đặc biệt, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng thành phố và 7 trung tâm y tế quận, huyện giám sát chặt chẽ từng tổ dân phố, thôn, xã, phường, hộ gia đình. Khi phát hiện có ca nhiễm cúm A thì tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm và gửi mẫu xét nghiệm. Đồng thời tiến hành lập danh sách những người đến từ vùng dịch, những người có tiếp xúc gần, tổ chức giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện có triệu chứng nghi ngờ cần đưa ngay đến bệnh viện để cách ly và điều trị kịp thời. Tùy theo diễn biến của dịch, Sở Y tế sẽ huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, trang thiết bị trong và ngoài ngành, thậm chí có thể lập bệnh viện dã chiến nếu cần. Người dân cần chủ động phòng tránh song không nên quá hoang mang.

Bs Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố) khuyến cáo: Để dịch bệnh không thể phát sinh, người dân nên tuân thủ những thực hành vệ sinh cơ bản để phòng ngừa nhiễm virus cúm A như: thường xuyên rửa tay với xà phòng trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn; rửa tay khi thấy dơ và khi chăm sóc cho ai đó đang bị bệnh trong gia đình. Đặc biệt phải rửa tay sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc là chất thải của chúng. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, người trở về nước từ khu vực có dịch phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần báo ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Trí Dũng

Nguy cơ lây lan cúm gia cầm H7N9 giữa người và người là thấp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định nguy cơ lây lan virus cúm gia cầm H7N9 giữa người và người ở Trung Quốc là thấp. Tuy nhiên, WHO khẳng định có 7% các ca nhiễm bệnh trong năm nay cho thấy phản ứng kháng thuốc chống virus. Hiện WHO đang tiếp tục theo dõi diễn tiến, đồng thời khẳng định chưa có lý do gì để đưa ra khuyến cáo người bệnh thay đổi phương pháp điều trị. Với số lượng người nhiễm bệnh không ngừng tăng, WHO khuyến cáo lực lượng chức năng cần giám sát chặt chẽ đề phòng diễn biến phức tạp của dịch bệnh này. Bên cạnh đó, WHO bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bùng phát đáng báo động của dịch cúm gia cầm H5 khắp Châu Âu, Châu Á và Châu Phi hiện nay.

B.T