Đà Nẵng sau Nghị quyết 43 (Bài 3: Những giải pháp trước mắt)

Thứ ba, 12/03/2019 08:52

Để huy động nguồn lực phát triển Đà Nẵng theo đúng tinh thần Nghị quyết 43, TP phải khẩn trương gỡ bỏ  những “điểm nghẽn” phát triển như hạ tầng xã hội quá tải, quỹ đất khan hiếm, lao động chất lượng cao hạn chế... Đặc biệt ngay trong năm thu hút đầu tư 2019, Đà Nẵng phải khẩn trương gỡ vướng thủ tục cho hàng loạt dự án động lực, tạo cơ sở hạ tầng và nhân lực dồi dào cung cấp cho nhà đầu tư.

Cần sớm gỡ vướng mắc thủ tục cho các dự án trọng điểm (Trong ảnh: Một góc dự án làng đại học).

Tiếng nói từ doanh nghiệp

Chính các doanh nghiệp (DN) là những người có tiếng nói sát sườn nhất với môi trường kinh doanh của TP. Những kiến nghị của họ rất cụ thể và cần được giải quyết cấp bách.  Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng kiến nghị TP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp (CN) đã được qui hoạch, trong đó ưu tiên bố trí cho DN với diện tích từ 5-10 ha để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi TP. Các DN nhỏ này trong cụm CN sẽ tạo nền tảng cho CN phụ trợ phát triển.  Cũng theo ông Bình, các khu, cụm CN cần được xây dựng theo phương án xã hội hóa, nhưng chủ đầu tư cần qui định thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt thay vì 1 lần cho 50 năm như hiện nay. Ông Trần Hồng Sơn - TGĐ Cty Long Hậu cũng cho rằng, các DN sản xuất CNC, đặc biệt là DN qui mô lớn, sử dụng nhiều chi tiết cấu thành sản phẩm sẽ rất cần các nhà cung cấp đi kèm. Các nhà cung cấp này được yêu cầu đặt cơ sở sản xuất gần kề hoặc không quá 30 phút di chuyển bằng xe tải để đảm bảo việc cung ứng được liên tục. Từ thực tế trên, việc bố trí các khu, cụm CN có vị trí gần với Khu CNC phục vụ cho các nhà sản xuất phụ trợ này rất cần thiết. Ông Sơn cho biết, Long Hậu kiến nghị TP cho phép làm chủ đầu tư phát triển KCN phụ trợ phía Nam Khu CNC.

Bên cạnh việc thiếu không gian sản xuất cho DN thì hạ tầng xuống cấp ở các KCN hiện có cũng đang là vướng mắc Đà Nẵng phải sớm tháo gỡ. Ông Lê Trí Hải - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nói, hiện chất lượng hạ tầng và dịch vụ các KCN của Đà Nẵng đang thấp khiến một lượng lớn các nhà đầu tư đã dịch chuyển vào Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cụ thể hơn về vấn đề này, ông Ông Takizawa - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết, việc cấp bách hiện nay đòi hỏi TP cần hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng trong các KCN. Bởi lẽ, việc thu hồi chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng không nhanh nên việc đầu tư thường bị trì hoãn. Nhưng cơ sở hạ tầng không khác gì “môi trường sống” của DN. Ông Takizawa cũng nói, việc tìm đất và văn phòng của nhà đầu tư hiện hết sức khó khăn. Đặc biệt, vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng theo ông Takizawa đang là nút thắt lớn nhất. “Nếu người Đà Nẵng có môi trường sống tốt thì TP sẽ thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao và nhà đầu tư”- ông Takizawa nhấn mạnh.

Nhiều DN cũng đề nghị TP cần xây dựng cơ chế “Đầu tư một cửa”. Tức là qua một đầu mối, tất cả qui trình, thủ tục đầu tư được giải quyết nhanh gọn. TP nên khuyến khích thành lập Cty tư vấn “có đủ uy tín” hỗ trợ cho nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật được nhanh chóng.

Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng nhiều KCN mới tạo không gian sản xuất cho DN (Trong ảnh: Khởi công dự án đầu tư nhà xưởng cho thuê tại Khu CNC Đà Nẵng của Cty Long Hậu).

Gỡ nút thắt

Để gỡ nút thắt cho DN, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, Đà Nẵng sẽ bắt tay giải quyết hàng loạt kiến nghị của DN. Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trọng tâm cần tháo gỡ trước tiên là không gian sản xuất. TP sẽ sớm hoàn thành các thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư KCN Hòa Cầm (Giai đoạn 2), KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh; hoàn chỉnh hạ tầng GĐ1 CCN Cẩm Lệ; chuẩn bị đầu tư một số CCN Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc. Với Khu CNC, TP sẽ đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng 2 giai đoạn; đưa khu CNTT tập trung vào khai thác. Với các KCN hiện có, TP sẽ rà soát và có giải pháp xử lý quỹ đất sử dụng không hiệu quả, hoặc để trống để công khai rộng rãi cho DN có nhu cầu đăng ký. Đặc biệt với các dự án ngoài KCN, ông Minh cho biết TP sẽ rà soát, sớm công khai quỹ đất, các lô đất đưa ra đấu giá, đấu thầu để chủ động kêu gọi các dự án đầu tư. TP sẽ xây dựng hệ thống Cổng thông tin đất đai nhằm minh bạch hóa thông tin đất đai, tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai cho các tổ chức, công dân và DN.

Một nút thắt khác chính là vướng mắc thủ tục của các dự án trọng điểm. Ông Minh nói, Đà Nẵng sẽ tích cực làm việc với Trung ương để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng Dự án cảng Liên Chiểu, Dự án khơi thông sông Cổ Cò, Dự án di dời ga đường sắt, Dự án Làng đại học... Riêng đối với Dự án Cảng Liên Chiểu, hiện tại TP đã được Trung ương giao đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng, chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách theo quy định. Cũng theo ông Minh, trong năm 2019, Đà Nẵng sẽ phấn đấu khởi công xây dựng nhà ga T3 tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng để đạt công suất 30 triệu hành khách/năm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm ngoài KCN dự án Khu công viên phần mềm số 2, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, Khu CNTT tập trung giai đoạn 2, Khu đô thị Đại học Pegasus,  Khu du lịch Làng Vân, Tổ hợp Lễ hội pháo hoa quốc tế, Tổ hợp trung tâm thương mại cao cấp Võ Văn Kiệt, Tổ hợp sân golf Hòa Phú - Hòa Phong, Dự án đua ngựa...

Trong việc cải thiện môi trường đầu tư, chọn các DN đang đầu tư như một kênh quảng bá, tiếp thị hiệu quả, Đà Nẵng thường xuyên tiếp xúc với nhà đầu tư tại chỗ để tháo gỡ những vướng mắc cụ thể cho họ. Ông Minh nói, ngoài việc tập trung hỗ trợ về nhân lực cho nhà đầu tư, TP sẽ tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành, minh bạch thông tin để làm sao nhà đầu tư có niềm tin, cảm thấy an tâm nhất khi đầu tư vào TP.

HẢI QUỲNH