Đà Nẵng sau sáp nhập Quảng Nam có cần lấn biển, di dời Trung tâm hành chính không?
Sáng 11-4, tại cuộc họp báo quý I-2025, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, đến nay 2 địa phương mới thành lập Ban chỉ đạo về việc sáp nhập. Hiện tại, chưa xác định trung tâm hành chính của thành phố mới đặt tại Tam Kỳ, Thăng Bình hay Đà Nẵng; cũng chưa xác định tên gọi Đà Nẵng, Quảng Nam hay Quảng Đà.
“Thông tin này cần phải đợi kết luận của Bộ Chính trị. Tất cả những thông tin liên quan đến sáp nhập giữa 2 địa phương khi có thông tin chính thức, thành phố Đà Nẵng sẽ trả lời chính thức bằng văn bản. Hiện chưa thể trả lời khi chưa có văn bản chính thức thì không thể trả lời là tên thành phố sẽ là Đà Nẵng hay Quảng Nam – Đà Nẵng; hay trung tâm hành chính đặt ở đâu”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi thông tin.
Ông Lê Phú Nguyện, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm, sáng nay 11-4, Sở Nội vụ 2 địa phương tiến hành họp trực tuyến để phân công các nhiệm vụ cũng như hướng dẫn các Sở ngành. Việc thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh được thực hiện trên tinh thần 2 địa phương hết sức chủ động, chuẩn bị để xây dựng đề án để trình Trung ương trước 1-5-2025”.
Cũng theo ông Nguyện, trước đây dự kiến cả nước sắp xếp còn khoảng 2.000 đơn vị cấp xã thì Đà Nẵng báo cáo Trung ương về dự định thành lập 12 đơn vị cấp xã. Tuy nhiên, sau đó, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp còn khoảng 5.000 đơn vị cấp xã (giảm khoảng 50%), vì thế Đà Nẵng cũng đang tính toán, đề xuất lại số đơn vị hành chính cấp xã.
Báo chí cũng đặt câu hỏi về việc sáp nhập với Quảng Nam, mở rộng không gian phát triển, Đà Nẵng có cần thiết phải lấn biển làm khu thương mại tự do không?. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hà Nam cho biết, dự án lấn biển tại vịnh Đà Nẵng hiện mới nằm ở bước đầu, mang tính chất đề xuất, nghiên cứu, ý tưởng và chưa có đánh giá cụ thể về các tác động khác. Sở Xây dựng Đà Nẵng đang được giao nghiên cứu sâu hơn về tính khả thi, đánh giá tác động môi trường biển, kỹ thuật xây dựng, vật liệu… và các vấn đề liên quan.

Cũng theo ông Nam, dự án lấn biển không chỉ bao gồm để thực hiện khu thương mại tự do thuần túy, mà còn để tạo ra động lực mới, không gian phát triển kinh tế mới cho thành phố. Trong đó, thực hiện khu thương mại tự do chỉ là một phần; bên cạnh đó còn để thực hiện các dự án về du lịch chất lượng cao, xây dựng trung tâm phát triển thương mại, văn hóa chất lượng cao; trung tâm tài chính quốc tế. “Do vậy việc đánh giá có cần thiết tiếp tục thực hiện dự án lấn biển Đà Nẵng nữa hay không sẽ cần phải nghiên cứu. Hiện Sở Xây dựng đang được giao nhiệm vụ lập đề án và tổ chức khảo sát đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền”-ông Nam nói.
Ngoài ra, báo chí cũng đặt câu hỏi, lo ngại về việc sáp nhập với Quảng Nam, nhu cầu nhà ở tại Đà Nẵng sẽ tăng cao, hạ tầng khu vực trung tâm thành phố quá tải, Đà Nẵng đã có chuẩn bị gì? Có tính toán di dời Trung tâm hành chính hiện tại hay không? Ông Nguyễn Hà Nam nói, hiện tại Đà Nẵng chưa tính toán gì về việc di dời Trung tâm hành chính thành phố. Về nhà ở, Đà Nẵng đã và đang phát triển hàng chục ngàn căn hộ, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
HẢI QUỲNH
Dòng sự kiện:Tinh gọn tổ chức bộ máy
Thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 11
Tổng Bí thư Tô Lâm: Không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động thường ngày của nhân dân
Tên gọi các di sản văn hóa, di tích, khu du lịch quốc gia thay đổi thế nào sau sáp nhập?
Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Nhiều kết quả đáng ghi nhận sau một tháng không bố trí Công an cấp huyện