Đà Nẵng sẽ làm cuộc “cách mạng” từ phân loại rác
Đây là khẳng định của Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp nghe báo cáo đề xuất phương án phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn và kế hoạch triển khai diễn ra chiều 27-11.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường báo báo kết quả làm việc với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) liên quan đến kết quả nghiên cứu khả thi Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố. Cụ thể, ADB đề xuất lựa chọn Phương án đốt có phát điện cùng với bãi chôn lấp kỹ thuật để xử lý lượng chất thải rắn (CTR) vượt công suất và tro xỉ từ công đoạn đốt. Trong đó, đưa ra 3 phương án liên quan đến công suất đốt được xem xét gồm: 500 tấn/ngày, 1.000 tấn/ngày và 1.500 tấn/ngày. Theo Sở TNMT, tiêu chí ưu tiên của TP là xử lý tối đa lượng chất thải rắn, tỷ lệ chôn lấp thấp nhất, chi phí xử lý thấp nên đề xuất lựa chọn phương án 2. Nếu triển khai phương án này, ADB đề xuất xây dựng dự án tại khu vực xã Hòa Nhơn, và công suất lò đốt là 1.000 tấn/ngày, gồm 2 mô đun (500 tấn/mô đun) và công suất phát điện là 22MW, trong đó chi phí xử lý chung là 37 USD/tấn rác (mức giá tính tại thời điểm năm 2018) và gồm việc tăng giá hàng năm 4% theo chỉ số CPI. Tổng vốn đầu tư ADB tính toán khoảng 189 triệu USD (tương đương 4.200 tỷ đồng, bao gồm cả Nhà máy đốt rác phát điện và bãi chôn lấp kỹ thuật; thời gian hoạt động dự án 23 năm, trong đó 3 năm xây dựng và 20 năm hoạt động, cùng với hợp đồng mua điện 20 năm).
Về tỷ lệ chôn lấp rác sau xử lý, ADB khẳng định chưa có công nghệ nào đảm bảo xử lý với tỷ lệ chôn lấp dưới 10%. Và với công nghệ và chi phí xử lý ADB đề xuất, tỷ lệ chôn lấp là từ 20-30% (gồm xỉ lò, tro và các loại không đốt được). Từ những đề xuất của ADB, Sở TNMT và các ngành cho rằng, vẫn chưa đáp ứng được các nội dung của UBND thành phố đề nghị ADB nghiên cứu tư vấn, điển hình như: chọn công nghệ tiên tiến, hạn chế tỷ lệ chôn lấp thấp nhất nhưng tỷ lệ chôn lấp sau xử lý hiện tại rất cao (25-30%). Trong khi đó, chi phí xử lý theo tính toán của ADB cũng rất cao (37 USD/tấn rác), khó có thể đảm bảo ngân sách chi trả và việc sử dụng công nghệ đốt rác thành năng lượng phải được Thủ tướng bổ sung trong quy hoạch điện quốc gia… Vì vậy, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng sẽ có buổi làm việc trực tiếp với ADB để tìm phương án tối ưu nhất.
Nói về việc xử lý rác hiện tại, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc xử lý rác tại nguồn là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, tới đây thành phố sẽ làm cuộc “cách mạng” từ phân loại rác. Theo đó, sẽ có chế tài xử lý những hành vi, thói quen vứt rác lung tung hoặc không phân loại rác như TP Hồ Chí Minh đã làm. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị các ngành cần có phương án “đặt hàng” cho công ty ô-tô nghiên cứu, sản xuất xe chở rác chuyên dụng vào đường kiệt hẻm để công nhân bớt vất vả, ảnh hưởng sức khỏe do độc hại. “Quan điểm là thành phố sẽ tài trợ hết các thùng, bao, túi… chứ không để người dân tự đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu phương án đấu thầu công khai để chọn công ty tham gia thu gom, phân loại, vận chuyển rác… thay vì chỉ có duy nhất công ty CP môi trường đô thị như hiện nay, bởi như vậy sẽ không có sự cạnh tranh về chất lượng” – Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.
Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, Thành ủy Đà Nẵng đã giao cho UBND TP lựa chọn phương án đầu tư dự án nhà máy nước Hòa Liên và phương án được đưa ra là đầu tư công, dùng ngân sách thành phố để triển khai. Theo đó, dự tính tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 1.200 tỉ đồng, công suất 120.000m3/ngày đêm. “Dự án sẽ được trình ra HĐND TP tại kỳ họp tới đây để thông qua và tiến hành triển khai từ năm 2019. Tôi yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung tổng lực để triển khai nhanh chóng dự án cấp thiết này bởi liên quan đến an ninh nguồn nước cho tất cả người dân Đà Nẵng”–Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Công Hạnh