Đà Nẵng sửa sai (Bài 2: những "điểm nóng" sai phạm chưa hồi kết)

Thứ sáu, 05/10/2018 13:18

Một số dự án lớn ở Đà Nẵng bị phát hiện sai phạm về  quản lý đất đai, trật tự xây dựng đã khiến không ít lãnh đạo, cựu lãnh đạo cấp TP bị kỷ luật thậm chí khởi tố, bắt tạm giam. Quá trình khắc phục sai phạm ở các dự án này đến nay vẫn gian nan và chưa có hồi kết. Trong khi đó, một mặt Đà Nẵng bắt tay khắc phục sai phạm do Trung ương chỉ ra, một mặt cho tổng rà soát, thanh tra các dự án được coi là “điểm nóng” có nhiều nguy cơ sai phạm cao  để xử lý rốt ráo, lập lại trật tự quản lý đất đai, xây dựng lành mạnh, đúng pháp luật.

Lãnh đạo TP kiểm tra thực tế dự án khu du lịch Biển Tiên Sa khi phát hiện sai phạm. 

Chưa có hồi kết

Tháng 3-2017, những hình cảnh cày xới nham nhở một góc Bán đảo Sơn Trà (BĐST) để triển khai dự án khu du lịch Biển Tiên Sa đã làm dậy sóng dư luận. Một hình ảnh rất xót xa khi BĐST là “lá phổi” của TP, nơi có hệ sinh thái độc nhất vô nhị bị cày xới. Đích thân lãnh đạo TP đã thị sát, yêu cầu rà soát lại toàn bộ dự án, từ đây bộc lộ nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Cụ thể, dự án này được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2007, cấp phép xây dựng năm 2009 với các hạng mục như giao thông, điện, nước…, chưa được cấp phép xây dựng biệt thự. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư nhiều lần dừng lại và sau đó có văn bản xin gia hạn sẽ hoàn thành dự án đến cuối năm 2017. Trong đó, xin điều chỉnh lại mặt bằng tổng thể, làm lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Điều đáng nói là, trong lúc giấy phép mới chưa được cấp lại và chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường thì chủ đầu tư lại ngang nhiên triển khai thi công, kể cả việc xây dựng phần móng của 40 căn biệt thự mà chưa có giấy phép. Cuối tháng 3-2017, Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án dừng thi công, tháo dỡ các công trình đã xây dựng khi chưa đảm bảo thủ tục.

Cũng từ dự án trên, dư luận dấy lên câu chuyện quy hoạch xây dựng nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng trên BĐST làm phá vỡ cảnh quan, phá vỡ hệ sinh thái, không hài hòa giữa bảo tồn với phát triển. UBND TP Đà Nẵng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng. Công việc này Đà Nẵng đã thực hiện xong, tuy vậy kết luận cuối cùng về xây dựng bao nhiêu phòng lưu trú trên BĐST cho hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đến nay vẫn chưa có hồi kết. Số phận dự án khu du lịch Biển Tiên Sa sau gần 2 năm vẫn treo lơ lửng. Tuy vậy, việc quản lý xây dựng lỏng lẻo để xảy ra sai phạm tại dự án này thì đã có những cá nhân phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng và ông Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch UBND Q.Sơn Trà đã bị xử lý kỷ luật.

Một dự án khá đình đám khác trong sai phạm về đất đai, xây dựng ở Đà Nẵng là Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Từ năm 2007-2011, Công ty Daewon Cantavil (Hàn Quốc) đã thực hiện giai đoạn 1 san lấp lấn biển để làm dự án, nhưng vì khó khăn nên không triển khai được giai đoạn 2. Lúc đó, năm 2011, ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có chủ trương thu hồi 29ha thuộc dự án Đa Phước để giao lại cho Cty CP xây dựng 79 của ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là “Vũ nhôm”) trên cơ sở liên doanh với Daewon Cantavil. Từ đây, Trung tâm xúc tiến đầu tư (nay là Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng) nơi ông Lê Cảnh Dương lúc đó là Phó giám đốc được giao chủ trì phối hợp với Sở TN&MT do ông Nguyễn Điểu làm Giám đốc, ông Trần Văn Toán làm Phó giám đốc thực hiện (các ông Trần Văn Minh, Lê Cảnh Dương, Nguyễn Điểu, Trần Văn Toán hiện đều đã bị Bộ Công an khởi tố). Giá trị chuyển nhượng 29 ha đất là 300.000 đồng/m2 (theo thỏa thuận nguyên tắc được ký năm 2006), trong khi theo luật Đất đai, 29ha đất đó sau khi san lấp chuyển đổi sẽ được bán đấu giá, mức giá thị trường lúc đó cao hơn rất nhiều. Theo kết luận của TTCP, với 29ha đất này khi chuyển đổi thấp hơn giá đất TP quy định, thất thu ngân sách hơn 570 tỷ đồng. Năm 2016, phía Công ty Hàn Quốc chuyển toàn bộ vốn góp dự án cho Cty CP Nova - Bắc Nam 79 và Cty CP xây dựng 79. Năm 2017, Cty Daewon Cantavil được đổi tên thành Cty The Sunrise Bay do ông Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Trong quá trình triển khai dự án đã bị phát hiện nhiều sai phạm như chưa có đánh giá tác động môi trường; lập thủ tục xét cấp GCNQSDĐ ngoài phạm vi ranh giới của quyết định thu hồi đất, giao đất…

Liên quan tới dự án này, tại điểm 1, mục 2, Thông báo Kết luận số 176-TB/TU ngày 11-2-2017 của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã cho chủ trương triển khai đồng thời đầu tư và đánh giá tác động môi trường. Hơn 2  tháng sau, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã ra thông báo số 360 hủy chủ trương này. Đây cũng là một nội dung khắc phục vi phạm theo Thông báo kết luận số 292 của UBKTTU. Ngoài ra, để kỷ luật cán bộ tham mưu dẫn đến vi phạm, khuyết điểm này (cụ thể vi phạm Luật Bảo vệ môi trường), Giám đốc Sở TN&MT Lê Quang Nam đã bị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Cũng tại Đà Nẵng, vụ bán SVĐ Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng dự án phức hợp thương mại vào năm 2010 của UBND TP đã tạo nên không ít sóng gió dư luận. SVĐ Chi Lăng rộng hơn 55 ngàn m2 được bán với giá gần 1.400 tỷ đồng, chưa kể giảm cho Tập đoàn Thiên Thanh 10% vì nộp tiền 1 lần trong thời hạn 1 tháng. Sau đó, Tập đoàn Thiên Thanh đã chia nhỏ SVĐ Chi Lăng thành 10 sổ đỏ để thế chấp ngân hàng. Trong lúc dự án khu phức hợp thương mại chưa được triển khai thì bất ngờ ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt, dự án dẫm chân tại chỗ, SVĐ Chi Lăng để “phơi nắng mưa” tới nay. Với người dân Đà Nẵng, SVĐ Chi Lăng không chỉ là công trình thể thao mà còn gắn với ký ức nhiều thế hệ, nên việc bán SVĐ Chi Lăng rất khó chấp nhận. Liên quan tới việc bán SVĐ Chi Lăng, Ủy ban kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đã kỷ luật ông Phan Xuân Ít, nguyên Phó Chánh văn phòng, Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng; ông Nguyễn Đình Thống, nguyên giám đốc Cty Quản lý và Khai thác đất TP Đà Nẵng (hiện cả 2 ông đã nghỉ hưu về sinh hoạt Đảng tại địa phương) với hình thức cảnh cáo. Cả ông Ít và ông Thống bị kỷ luật do sai phạm trong quá trình tham mưu bán SVĐ Chi Lăng. Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, hiện TP đang tìm các giải pháp, nguồn lực để lấy lại SVĐ Chi Lăng phục vụ phát triển văn hóa, xã hội. Tuy vậy, việc lấy lại SVĐ Chi Lăng rất khó khăn và chưa có hồi kết.

Một góc Khu đô thị Đa Phước bị phát hiện có nhiều sai phạm.

Tổng rà soát các “điểm nóng”

Không chỉ những sai phạm được nêu trong thông báo kết luận 292 của UBKTTU, Đà Nẵng còn chủ động tổng kiểm soát lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng để chấn chỉnh, xử lý, nhằm lập lại trật tự, tạo sự công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ, Thanh tra TP tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất vào các “điểm nóng” được coi có nguy cơ sai phạm cao về đất đai, xây dựng. Từ đó, hàng loạt các sai phạm đã được phát hiện.

Cụ thể, tại dự án Nghĩa trang Hòa Sơn, vệt cây xanh ven đồi bao quanh nghĩa trang được TP giữ lại làm vành đai cách ly sau khi đã bỏ tiền đền bù các hộ trồng rừng. Vậy nhưng, vệt đất này đã bị các cán bộ câu kết “xẻ thịt”, phân lô bán trục lợi. Sự việc diễn ra rầm rộ, máy xúc, máy ủi hoạt động nhiều ngày, nhưng khi hỏi thì lãnh đạo địa phương và BQL nghĩa trang không hay biết. Sự việc chỉ vỡ lẽ khi một người dân tới tận nhà ông Thơ trình báo, và chính ông Thơ đã âm thầm thị sát trước khi yêu cầu Thanh tra TP vào cuộc.  Tương tự, với khu vực quy hoạch dự án ga đường sắt mới tại P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu cũng là một điểm nóng về xây dựng trái phép. Ông Thơ nói, dự án này trước đây quy hoạch tại Hòa Minh, tuy nhiên vì xây dựng trái phép quá nhiều phải chuyển xuống Hòa Khánh Nam. Tuy nhiên, ở vị trí mới, tình trạng xây dựng trái phép lại bùng phát. Xung quanh dự án này có hơn 1 ngàn ngôi nhà xây dựng trái phép với hơn 2 ngàn hồ sơ phát sinh giải tỏa.

Sau khi tiến hành thanh tra, UBND TP Đà Nẵng đã cho chuyển sang Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ để xử lý nhiều sai phạm tại 2 “điểm nóng” trên. Cụ thể, UBND TP đã chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm của ông Phùng Quýt- Phó Trưởng BQL Nghĩa trang TP, ông Phạm Xem- nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, ông Trần Kim Đính- Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn; chuyển 451 hồ sơ về nguồn gốc đất thuộc ranh giới khu vực Dự án Ga đường sắt P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu… cho Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Đà Nẵng.

Hiện nay, quá trình khắc phục sai phạm tại các dự án liên quan tới quản lý đất đai, trật tự xây dựng vẫn đang được TP triển khai quyết liệt.

HẢI QUỲNH