Đà Nẵng tăng tốc giải ngân đầu tư công

Thứ bảy, 12/06/2021 11:58

Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Dự án nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý hiện đã thực hiện đạt 210/535 tỷ đồng, gần 40% giá trị hợp đồng.

Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, vì vậy TP đã qui định cụ thể thời gian khởi công, hoàn thành, bàn giao công trình với hàng loạt dự án trọng điểm. Lãnh đạo TP cũng được phân công trực tiếp phụ trách các địa bàn và lĩnh vực nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, TP đã lập 2 tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, trong đó tập trung gỡ vướng về đất đai, qui hoạch, tài chính. Nhờ đó, tính đến hết tháng 5-2021, Đà Nẵng đã giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 22,5% so với chỉ tiêu T.Ư giao hơn 7 ngàn tỷ đồng cho 463 dự án. Một số dự án trọng điểm có tiến độ giải ngân tích cực như Khu CNC Đà Nẵng, Vườn tượng APEC mở rộng, Nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Khu công viên phần mềm số 2, Nhà máy nước Hòa Liên, Dự án cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà…

Tuy vậy, theo bà Trần Thị Thanh Tâm, hiện vẫn tồn tại một số khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nổi bật như bất cập kéo dài do công tác GPMB, đây là vướng mắc lớn nhất. Mặc dù trong các tháng đầu năm, công tác GPMB chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đền bù giải tỏa (18,5%) cao hơn vốn xây lắp (17,1%), tuy nhiên do vướng GPMB nhiều năm nên một số dự án bị kéo dài, các hạng mục thi công và giải ngân sau thời gian thực hiện theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư/Báo cáo kinh tế kỹ thuật nên Kho bạc từ chối thanh toán theo quy định. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật, môi trường đã được ký kết hợp đồng xây lắp nhưng không triển khai thi công được theo kế hoạch do vướng công tác đền bù, GPMB kéo dài.

Bên cạnh vướng về mặt bằng thì quy trình thủ tục cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tục các dự án đầu tư phải qua nhiều khâu, nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan; trong từng bước phải trải qua nhiều công đoạn từ lập, đấu thầu lựa chọn tư vấn, thẩm tra, thẩm định, trình phê duyệt… Do phải lấy ý kiến các đơn vị liên quan nhiều lần, phải giải trình nhiều lần nên thủ tục gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng xây lắp, thiết kế của các công trình kéo dài, trong khi thời gian thực hiện dự án còn ít dẫn đến việc chậm ký phụ lục hợp đồng và các hạng mục không thể triển khai thi công, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Chưa kể, do vướng thủ tục thanh toán (dự án Nút giao thông khác mức ngã ba Huế, 727 tỷ đồng) và chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định (dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, 200 tỷ đồng)- 2 dự án chiếm hơn 50% tổng kế hoạch vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ năm 2021, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn T.Ư hỗ trợ đạt thấp so với cùng kỳ các năm trước.

Mặt khác, nhiều dự án trọng điểm, vốn đầu tư lớn cũng đang phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai. Cụ thể như dự án Phát triển bền vững TP đến ngày 30-6 này kết thúc, trong khi khối lượng dự án còn nhiều, tập trung vào một số gói thầu bị ảnh hưởng do công tác GPMB. Dự kiến hết tháng 6 đạt 84% khối lượng, tương đương hơn 4,2 ngàn tỷ đồng, khối lượng còn lại hơn 783 tỷ đồng cho các gói thầu. Ban QLDA đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (bao gồm gia hạn dự án) từ tháng 5-2020 nhưng do việc rà soát, đánh giá và nghiên cứu phương án triển khai, thủ tục gia hạn kéo dài (từ xin chủ trương, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, thẩm định từ địa phương đến cơ quan T.Ư…) nên đến nay dự án vẫn chưa được gia hạn (hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh của dự án). Vì vậy, dự án Phát triển bền vững TP giải ngân đạt thấp. Hoặc dự án tuyến đường Vành đai phía Tây 2 thuộc dự án Cải thiện hạ tầng giao thông tăng vốn khoảng 1.710 tỷ đồng (từ 87,3 tỷ đồng theo giá trị tổng mức đầu tư lên 1.793,3 tỷ đồng theo giá trị thực tế hiện nay) ảnh hưởng đến việc chi trả cho công tác đền bù giải tỏa, chủ đầu tư chưa được phép sử dụng nguồn dự phòng do chưa điều chỉnh dự án và chưa được cấp thẩm quyền quyết định.

Để đảm bảo kế hoạch giải ngân đầu tư công, Đà Nẵng đang tăng tốc nhiều giải pháp, nhất là đẩy nhanh tiến độ GPMB phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu. Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án phải giám sát, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ công trình. Với công trình chậm hoặc khó có khả năng giải ngân vốn thì cắt giảm kế hoạch vốn năm 2021 để điều chuyển cho các công trình khác có nhu cầu.  Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên giải ngân vốn ngân sách T.Ư 1823 tỷ đồng và vốn GPMB 1.342 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư tập trung vào các dự án như Nút giao thông khác mức ngã ba Huế, dự án bến cảng Liên Chiểu, dự án Phát triển bền vững TP, dự án Cải thiện hạ tầng giao thông TP. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị TP, đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, khu tái định cư chỉ thực hiện đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công khi khối lượng GPMB đạt trên 50%; cho phép giải ngân đối với các dự án đang điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng.

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến hết năm 2021 rất lớn, do vậy các giải pháp đề ra đang được TP giám sát, thúc đẩy triển khai quyết liệt.

HẢI QUỲNH