Đà Nẵng tăng viện phí đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT

Thứ tư, 02/08/2017 11:24

Ngày 1-8, giá viện phí tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập trên địa bàn TP Đà Nẵng đã chính thức tăng từ 2-4 lần đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là nội dung vừa được HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại Nghị quyết số 99/2017/NQ-HĐND nhằm thực hiện Thông tư  02/TT-BYT của Bộ Y tế.

Người bệnh không có thẻ BHYT sẽ phải bỏ ra số tiền lớn khi tham gia các dịch vụ kỹ thuật tại các bệnh viện.

Chịu thiệt khi không có thẻ BHYT

Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa gồm giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Như vậy, có trên 1.900 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá.

Theo Nghị quyết 99/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố, giá dịch vụ khám bệnh sẽ dao động từ 29.000 đồng đến 350.000 đồng, tùy thuộc hạng bệnh viện và mục đích khám. Giá dịch vụ giường điều trị hồi sức tích cực ở bệnh viện hạng đặc biệt tăng 342.000 đồng (từ 335.000 đồng lên 677.000 đồng/người/ngày); bệnh viện hạng I cũng tăng 278.000 đồng/người/ngày (từ 354.000 đồng lên 632.000 đồng).

Nghị quyết 99 của HĐND thành phố cũng đề cập giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt tăng gấp 2 lần, lên gần 680.000 đồng mỗi ngày. Một số dịch vụ như nội soi ổ bụng tăng hơn 220.000 đồng/lần, chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim dưới DSA tăng 700.000 đồng (từ 5,1 triệu đồng lên 5,8 triệu đồng); chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA tăng 800.000 đồng (từ 6 triệu lên gần 6,8 triệu đồng); thậm chí các dịch vụ kỹ thuật cao như chụp PET/CT mô phỏng xạ trị có giá tối đa gần 21 triệu đồng/lần, tăng gần 2 triệu đồng...

 Mức tăng lần này sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT phải điều trị nội trú dài ngày. Tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Ngoài ra, với trên 1.900 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá, mặc dù mức tăng chủ yếu vào khoảng 20 - 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng, việc điều chỉnh tăng giá viện phí áp dụng với những người chưa tham gia BHYT, kể cả những người có BHYT nhưng vì khám chữa bệnh vượt tuyến, vẫn bị áp giá dịch vụ mới... Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Đà Nẵng điều trị cho khoảng 2.000 bệnh nhân, 80% trong số đó đã tham gia BHYT nên giảm được rất nhiều chi phí điều trị. Những người chưa có thẻ BHYT thường rơi vào một số khoa như: Chấn thương chỉnh hình - bỏng, ngoại tổng quát, ngoại thần kinh, ngoại cột sống, nội tổng hợp... do bệnh nhân bị tai nạn hoặc bệnh đột xuất. Vì chưa có BHYT, nên người bệnh phải chi trả 100% chi phí điều trị. Những người dù có mức sống trung bình nếu không tham gia BHYT mà lỡ bị tai nạn, bệnh tật đột xuất, việc chi trả 100% viện phí có thể làm gia đình họ trở nên khánh kiệt, rơi vào cảnh nghèo túng.

Bà Bùi Thị H. (trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, trong lúc điều khiển xe máy trên đường, con trai bà đã bị tai nạn giao thông dẫn đến đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não. Các bác sĩ đã khám và kết luận bệnh nhân bị tụ máu bầm ở não, phải tiến hành hút máu bầm, tiếp tục theo dõi điều trị nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Do không có BHYT nên số tiền bà tạm ứng trước để phẫu thuật, thuốc men, tiền giường bệnh đã lên tới hàng chục triệu đồng... Bà H. buồn rầu: “Con tôi là thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh nên gia đình cũng chủ quan không mua BHYT vì nghĩ không bao giờ phải dùng đến thuốc men. Nhưng giờ tai họa ập đến bất ngờ mới biết chiếc thẻ BHYT quan trọng như thế nào”.

Không riêng gì trường hợp con bà H., nhiều trường hợp bệnh nhân phải trả 100% chi phí điều trị mà chúng tôi tiếp xúc cũng thừa nhận do chủ quan thấy mình khỏe nên không mua BHYT, đến khi bệnh tật, tai nạn bất ngờ vào bệnh viện mới thấy viện phí cao gấp nhiều lần số tiền bỏ ra mua BHYT. Và giờ đây, khi giá viện phí tăng từ 2-4 lần, cuộc sống của  họ càng thêm khốn khó hơn.

Bệnh nhân Đà Nẵng ít bị ảnh hưởng

 BS Nguyễn Tiên Hồng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng, Đà Nẵng có 96,5% dân số tham gia BHYT nên việc tăng viện phí không gây biến động quá lớn đối với số đông các đối tượng tham gia KCB của thành phố. Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội bởi những đối tượng này được Nhà nước mua thẻ BHYT và được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán chi phí KCB theo quy định của pháp luật. Người có thẻ BHYT cũng không bị tác động nhiều khi chỉ phải đồng chi trả tối đa từ 5%-20%... 

Theo lãnh đạo một số bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng, khi viện phí tăng, một bệnh viện tự chủ tài chính sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Cụ thể, khi nguồn thu của bệnh viện tăng, thu nhập của cán bộ công nhân viên tăng lên, khi đó bệnh viện sẽ đòi hỏi người lao động làm nhiều hơn nữa, thay đổi thái độ với người bệnh tích cực hơn nữa. Ngoài ra, khi viện phí tăng, bệnh viện sẽ có điều kiện thay đổi cơ sở vật chất. Qua đó, giúp cho bệnh nhân có điều kiện tốt nhất trong công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe.

L.HÙNG