Đà Nẵng tạo “làn sóng” khởi nghiệp

Thứ bảy, 23/04/2016 07:38

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đang có bộ chỉ số rất tốt về môi trường kinh doanh, có cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam hiện nay, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là một thương hiệu thành phố đáng sống,... nhưng tinh thần khởi nghiệp lại đang rất khiêm tốn. Vậy phải làm sao để tạo “làn sóng” khởi nghiệp. Đó là nội dung được chia sẻ tại buổi đối thoại với chủ đề “Đà Nẵng thành phố khởi nghiệp” sáng 22-4.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Khi được nhiều độc giả hỏi làm sao để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thành phố, TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho biết, để đưa phong trào khởi nghiệp đi vào chiều sâu cũng như tạo sức bật cho các ý tưởng sáng tạo thăng hoa, tỏa sáng, làm nguồn nguyên liệu ươm mầm khởi nghiệp, đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư dài hạn, có cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ, nhất là các nhóm chính sách về đầu tư, vườn ươm khoa học công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo nhằm tạo dựng được một văn hóa khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với các bạn trẻ.

Cũng theo TS Võ Duy Khương, tại Đà Nẵng, mỗi năm có hơn 22 ngàn sinh viên tốt nghiệp, tuy là nguồn lao động dồi dào nhưng cũng dẫn đến áp lực về giải quyết việc làm. Do đó, việc thúc đẩy tinh thần sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên để các em tự tạo việc làm cho mình, cho xã hội; khơi dậy tinh thần khởi sự kinh doanh, làm giàu; góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng trong kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố là vấn đề hết sức cấp thiết và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

“Chính quyền vào cuộc, Sở, ban, ngành vào cuộc, Vườn ươm DN vào cuộc, cộng đồng DN vào cuộc, chuyên gia vào cuộc... thì các bạn trẻ cần phải trang bị cho mình văn hóa khởi nghiệp, chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại. Nếu không dám chấp nhận, sẽ không bao giờ tiến lên được. Văn hóa của nhân dân miền Trung thường khó chấp nhận thất bại song như vậy sẽ không thể thành công được. Như ông cha ta đã nói: Phi thương bất phú. Người Việt Nam thường “Giàu ghét, nghèo khinh, thông minh không sử dụng”. Chúng ta phải bỏ tư duy đó đi mới có thể khởi nghiệp được”, TS Võ Duy Khương nói.

“Biến đất lành làm nơi chim đậu”

Đề cập đến vấn đề làm sao để thu hút được các DN đến khởi nghiệp tại Đà Nẵng, dưới góc nhìn của một DN, ông Trần Vũ Nguyên, Chủ tịch HĐQT Cty Mỹ thuật Trà Quế, thành viên Hội đồng mạng lưới khởi nghiệp chia sẻ, Đà Nẵng đang sở hữu cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam hiện nay, lại có vị trí địa lý trung tâm của cả khu vực Đông Nam Á với đường bay quốc tế thông thoáng cũng như hệ thống internet cực mạnh. Đà Nẵng đang là một điểm nóng quan trọng trên bản đồ khởi nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn là cả khu vực. Rất nhiều người đang nhăm nhe và chờ đợi độ chín của không gian khởi nghiệp ở Đà Nẵng. “Có một anh, là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Singapore nói với tôi rằng, Đà Nẵng có rất nhiều điểm tương đồng với Singapore, về cảng biển, về du lịch, chỉ cần hoàn thiện thêm nguồn nhân lực chất lượng cao thì sẽ là một điểm đến để cạnh tranh với Singapore. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi thấy ở Đà Nẵng đang có đầy đủ cả 3 yếu tố này”, ông Nguyên nói.

Theo ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Cty Giày BQ, nhìn vào cộng đồng DN Đà Nẵng, nhưng ít về số lượng (hơn 16.000 DN), nhỏ về quy mô, yếu thế hơn so với khu vực. Do đó xem khởi nghiệp thành phố là động lực phát triển cho thành phố. Tinh thần khởi nghiệp phải được nung nấu từ chính các bạn sinh viên, các bạn thanh niên thành phố. “Sự khó khăn lớn nhất là sự lựa chọn con đường đi, khi đăng ký thì chỉ có thể đăng ký nhãn hiệu, nhưng để đứng vững trên thương trường thì cần có thương hiệu. Chọn một con đường đi và kiên trì với con đường đó chính là sự khó khăn nhất và đòi hỏi sự quyết tâm nhất của bất cứ DN khởi nghiệp nào”, ông Hải nói.

Một lợi thế khác đó là nguồn nhân lực, theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, Đại học Đà Nẵng cho biết, lợi thế lớn nhất của Đà Nẵng đó là con người, đây là nhân tố tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho thành phố. TS Hương gợi ý, muốn khởi nghiệp thành công thì phải chấp nhận rủi ro, có tính kiên trì và khả năng sáng tạo.

Xuân Đương

Ngày 22-4, tại Đà Nẵng, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ phát động đánh giá, xếp loại doanh nghiệp (DN) bền vững dựa vào bộ chỉ số DN bền vững tại Việt Nam 2016 khu vực miền Trung. Bộ chỉ số DN bền vững gọi tắt CSI do VCCI xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ về việc xếp hạng DN bền vững từ năm 2016, hướng tới thúc đẩy cộng đồng DN Việt Nam phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

DN được đo lường giá trị dựa trên các tiêu chí phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội, là công cụ để quản lý các thay đổi giúp hoạt động DN thích ứng năng động hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường sự minh bạch và tăng khả năng quản trị rủi ro cho DN.

Điểm tối đa cho CSI là 400 điểm, DN phải đạt tối thiểu 50% số điểm mới được xét duyệt vào vòng chung khảo xếp hạng. CSI có 151 chỉ số, trong đó, các tiêu chí chung là 14 chỉ số, kinh tế 20 chỉ số, môi trường 32 chỉ số và xã hội 85 chỉ số. VCCI sẽ căn cứ trên CSI để đánh giá, xếp hạng DN bền vững, và sẽ công bố bảng xếp hạng các DN bền vững tại Việt Nam năm 2016 vào tháng 10-2016.