Đà Nẵng tìm đột phá trong chiến lược nhân lực
Tọa đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ do UBND TP Đà Nẵng tổ chức hôm 30-3 đã thu hút hơn 300 đại biểu đến từ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý... Tọa đàm đã gợi mở cho Đà Nẵng nhiều giải pháp đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư, phát triển trong bối cảnh mới.
Phó chủ tịch Trần Văn Miên chủ trì tọa đàm chuyên đề nhân lực trong lĩnh vực sản xuất. |
Phải tiệm cận 4.0
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, TP luôn xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt được ưu tiên đầu tư phát triển hàng đầu nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho TP trong việc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. Nhờ đó, chất lượng nguồn lao động tại Đà Nẵng trong những năm qua luôn được nâng cao. Tuy vậy, ông Trí cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực của TP còn nhiều khó khăn, bất cập.
Cụ thể tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, lao động tay nghề cao thiếu hụt; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn (DN tốn nhiều thời gian đào tạo lại); sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của DN. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động; các cơ sở đào tạo khó kết nối với DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo thực tế và thiết thực; mối liên kết giữa nhà trường và DN chưa chặt chẽ dẫn tới nhiều nghiên cứu khoa học thực hiện nhưng tính ứng dụng chưa cao, ít DN biết đến áp dụng.
Ông Trí cho rằng, trong thời kỳ phát triển tới, Đà Nẵng sẽ đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là chất lượng nguồn nhân lực do phải cạnh tranh khốc liệt với các địa phương khác. Chưa kể, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với sự phát triển vượt trội của công nghệ làm thay đổi bản chất nhiều loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, đặt ra những thách thức mới với người lao động về nâng cao các kỹ năng, cải thiện năng suất.
Từ thực tế đó, ông Trí mong muốn các DN chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tuyển nhân sự; đề xuất các chính sách phát triển nhân lực cho TP cả về chất và lượng; đồng thời đặt hàng đối với các cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu của mình. Đặc biệt, ông Trí mong rằng tọa đàm sẽ là diễn đàn kết nối quan trọng để các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp chủ động hợp tác, kết nối, tìm tiếng nói chung trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
PGS-TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, các DN cần tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng hằng năm kịp thời để nhà trường thông báo cho sinh viên tốt nghiệp đại học có cơ hội tìm kiếm việc làm cao hơn. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách hỗ trợ người học vào các ngành mũi nhọn nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, làm cầu nối giữa DN với các cơ sở đào tạo. Tại tọa đàm, nhiều DN cho biết, trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm của sinh viên khi ra trường chưa được tốt.
Giải quyết hợp lý bài toán cung cầu
Tại phiên chuyên đề tọa đàm Kết nối cung - cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông và dịch vụ du lịch, các đại biểu cho rằng việc đào tạo theo nhu cầu của thị trường đã thành xu thế tất yếu và có chuyển biến mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đáp ứng được so với sự phát triển. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Việt Anh, Đại học Đà Nẵng, chính quyền thành phố nên có một diễn đàn để các cơ sở đào tạo gặp gỡ với các giám đốc nhân sự hay các chuyên gia nhân sự của các doanh nghiệp dịch vụ.
Với những cam kết về đầu ra, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực hiện nay đều vận dụng mọi kênh để rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và nhà tuyển dụng, nhưng trên thực tế thì vẫn còn hiện tượng đào tạo chưa định hướng hết được xu thế trong khi người tuyển dụng lại thiếu thông tin về nguồn nhân lực. Bà Hương cho rằng, để có một nguồn nhân lực tốt thì thông tin về tuyển dụng phải sạch, rõ ràng và dễ tiếp cận. Việc bắt tay hợp tác giữa cơ sở đào tạo và cơ sở tuyển dụng cần có một diễn đàn, một nguồn thông tin chính xác, minh bạch để người học nắm bắt và tự đánh giá được năng lực của mình khi tìm kiếm việc làm còn bên tuyển dụng cũng xác định rõ về chất lượng của các ứng viên.
Trong khi đó Tổng thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng, ông Nguyễn Minh cho rằng, bản chất của việc đào tạo theo định hướng thị trường là cơ sở đào tạo cung cấp cho DN nguồn nhân lực mà họ đang cần chứ không phải là chăm chăm đào tạo những gì mình có. Ông Minh ví dụ như việc giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin của nhà trường cho sinh viên trong quá trình học hiện vẫn có độ vênh đối với sự phát triển của dịch vụ du lịch chứ chưa nói đến việc theo kịp xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Một sinh viên ngành du lịch ra trường thậm chí còn lúng túng trước các phần mềm ứng dụng của ngành, thậm chí là không có những kỹ năng cần thiết để giải quyết các vụ việc liên quan đến phản ánh của du khách.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, ngành CNTT cũng như dịch vụ du lịch của thành phố đạt được những thành tựu vượt bậc trong thời gian qua tuy nhiên so với tộc độ phát triển KT-XH thì vẫn chưa tương xứng. Nghị quyết số 43 mà Bộ Chính trị vừa ban hành xác định Đà Nẵng cần ưu tiên nguồn nhân lực đối với 5 lĩnh vực quan trọng, trong đó “Du lịch và dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng” và “Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số”. Ông Chính đánh giá, việc kết nối cung cầu cần sự bắt tay phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà gồm “nhà nước – nhà trường – nhà tuyển dụng”. “Trong xu thế toàn cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguồn nhân lực quyết định đến sự phát triển của ngành CNTT, dịch vụ du lịch. Các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo, DN phải chủ động tăng cường triển khai các giải pháp, nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu kết nối cung - cầu nguồn thực sự bền chặt và hiệu quả”, ông Chinh đề nghị.
Nhà doanh nghiệp – nhà quản lý - nhà nghiên cứu khoa học ký kết biên bản hợp tác. |
Liên kết chặt chẽ “Ba Nhà”
Nhiều đại biểu chia sẻ tại tọa đàm về những trăn trở, đồng thời nêu ra những giải pháp cho câu chuyện kết nối giữa 3 nhà: Khoa học, DN và nhà quản lý. Theo đó, vấn đề lớn được đặt ra là phải làm sao để các nhà khoa học có thể chia sẻ kinh nghiệm, tiềm năng của mình để các nhà sản xuất, DN có thể đặt hàng. Song hành cùng đó là sự chia sẻ về nhu cầu của DN, của nhà khoa học với nhà quản lý để thấu hiểu nhằm gỡ bỏ những rào cản về cơ chế chính sách, gỡ bỏ sự khác biệt về nhận thức để tạo ra một động lực hết sức quan trọng trong việc khai thác hết nguồn tài nguyên quý giá là trí thức. Với lợi thế có nhiều trường ĐH đóng chân trên địa bàn, Đà Nẵng hiện đang sở hữu nguồn tài nguyên trí tuệ phong phú với nhiều GS, TS, các nhà nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng, hiện nguồn tài nguyên này chưa được khai thác hết tiềm năng.
Ông Dũng đặt vấn đề, tại sao có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học từ các trường đại học nhưng lại không tiếp cận được với thị trường? Phải chăng do cơ chế, do các DN chưa mở lòng, chưa tin cậy vào những công trình nghiên cứu khoa học này. Hay những công trình nghiên cứu này còn xa vời, thiếu thực tiễn, chưa gắn liền của cuộc sống? Vì vậy, trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu khoa học của các trường ĐH, theo Phó Chủ tịch TP Đặng Việt Dũng cần có sự đồng hành ngay từ đầu của các nhà sản xuất, của các DN. Muốn làm tốt điều này thì cần phải có địa chỉ, địa điểm để giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu khoa học, giới thiệu nhu cầu của các DN để hai bên tiệm cận hiểu biết nhau trong quá trình nghiên cứu đưa ra những ứng dụng khoa học. Thực tế là hiện nay giữa DN và các nhà nghiên cứu khoa học còn thiếu thông tin, thiếu sự tin cậy. Vì vậy, theo Phó Chủ tịch TP, Sở KHCN phải là cầu nối, là “bà mai” để các nhà DN, nhà nghiên cứu khoa học có thể kết nối với nhau.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đề nghị các trường ĐH phải xây dựng chương trình đào tạo sao cho tiếp cận, gần gũi được với thị trường lao động hơn để SV khi tốt nghiệp ngoài kiến thức phải có kỹ năng sống, kỹ năng quản trị và đặc biệt là kỹ năng về ngoại ngữ. Nhất là trong thời đại công nghệ số 4.0, vấn đề ngoại ngữ rất quan trọng. Để KHCN trở thành động lực thực sự, đối với nhà quản lý, Phó Chủ tịch TP cho rằng cần “cởi trói”, “cởi bỏ” những cơ chế, chế độ, chính sách xa vời, chưa phù hợp, gây cản trở sự phát triển. Cũng theo ông, một điều ngược đời là hiện nay các nhà quản lý chưa đặt đề tài cho các nhà khoa học mà chủ yếu là các nhà khoa học tự đặt đề tài nghiên cứu. Chính vì thế nên khi các nhà khoa học đưa ra nhiều đề tài nhưng khi chọn thì chỉ được một, hai đề tài bởi nó không có tính thực tiễn. Đây là điều mà Sở KHCN phải làm rất nhiều để làm sao đó phát huy được tiềm lực của người nghiên cứu khoa học.
Cũng tại phiên thảo luận này, các bên đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng DN và chính quyền. Trên cơ sở ký kết này, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị phải tổ chức thực hiện biên bản ký kết này sao cho thật hiệu quả. Đồng thời đề nghị các trường ĐH đóng chân trên địa bàn TP nên liên kết, chia sẻ lẫn nhau, phân chia lĩnh vực nghiên cứu là thế mạnh của mình, đừng “mạnh ai nấy làm”.
NHÓM PV