Đà Nẵng ứng dụng CNTT trong công tác phòng dịch

Thứ sáu, 10/09/2021 17:40

Trong khi các địa phương khác còn đang loay hoay trong việc kiểm soát và cấp giấy đi đường cho người dân, Đà Nẵng đã thể hiện là một thành phố “thông minh” khi ứng dụng công nghệ thông tin vào việc này. Thông qua ứng dụng quét mã vạch đơn giản, nhanh chóng, người kiểm soát biết được thông tin về người sử dụng giấy đi đường. Bên cạnh đó, rất nhiều các ứng dụng khác đã được triển khai, nhờ đó, công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn ngày được thuận lợi.

Người dân ứng dụng quét mã QR Code để đi qua các chốt kiểm tra. 

Điểm sáng trong việc cấp giấy đi đường

Trước đây, công tác đăng ký giấy đi đường gặp nhiều khó khăn nhưng khi triển khai ứng dụng khai báo giấy đi đường, người dân đã rất thuận tiện trong công tác đăng ký. Chị Trần Lan Anh (Q. Hải Châu) cho biết: chỉ cần có thông tin cá nhân, mục đích đi đường rõ ràng, tuyến đường di chuyển thời gian di chuyển cụ thể và cam kết thực hiện đúng biện pháp phòng chống dịch là có thể được phê duyệt việc cấp giấy đi đường. Công tác đăng ký rất thuận tiện, chỉ cần có mạng internet, có smartphone hoặc máy tính là có thể đăng ký được. Việc đăng ký qua mạng này cũng tránh được việc tập trung người dân đông. 

Trao đổi với phóng viên, Trung úy Phạm Ngọc Huy, Cảnh sát khu vực CAP An Hải Bắc (Q. Sơn Trà) cho biết: việc sử dụng quét mã QR Code khá đơn giản, rất dễ tương tác. Ngay sau khi tải phần mềm theo hướng dẫn của Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng về máy, các CBCS trong quá trình kiểm tra đã nhanh chóng dò được thông tin cần thiết cũng như xác minh được giấy đi đường đó có hợp lệ không. Điều này cũng giúp hạn chế tiếp xúc gần, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Thiếu tá Dương Cao Cường, Phó Trưởng CAP An Hải Tây (Q. Sơn Trà) cũng có cùng nhận định. Việc sử dụng giấy đi đường mới này rất thuận tiện và cực kỳ tiện lợi trong quá trình kiểm tra, tránh được tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là tránh được tình trạng lây nhiễm dịch bệnh chéo.

Những chiếc QR Code hiệu quả

Theo báo cáo mới nhất từ Sở thông tin truyền thông, hệ thống khai báo y tế thành phố tăng thêm 41.341 lượt, nâng tổng số lượt khai lên 4.626.935 lượt. Số lượng kiểm soát qua quét QR Code từ thông tin khai báo y tế tăng thêm 60.711 lượt, nâng tổng số lượt check-in lên 6.130.603 lượt. Ứng dụng Thẻ vé đi chợ QR Code đến ngày 9-9, đã phát sinh 837.120 lượt ra vào chợ. Chỉ tính trong ngày 9-9, qua phân tích dữ liệu khai báo y tế, có 112 người khai có triệu chứng ho, sốt, tiếp xúc với người nghi nhiễm, đặc biệt có 525 người có đi qua/về vùng dịch, 7 người đến nơi có F0 đến. Ngay lập tức, dữ liệu đã được gởi cho Sở Y tế Đà Nẵng thống kê, gửi cho Quận huyện (UBND, Trung tâm y tế) để kiểm tra, thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch. Riêng các chốt ra vào thành phố kiểm soát qua QR code là 4.066 lượt, đến nay là 2.049.666 lượt qua Chốt và kiểm soát quét QRcode.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết: “việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giảm tải, hỗ trợ công việc cho lực lượng tuyến đầu và đã được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đánh giá rất cao. Đây cũng là trách nhiệm và là niềm tự hào của Sở”. Ngoài việc khai báo, cấp giấy đi đường, đơn vị đã bổ sung thêm nhiều ứng dụng, tiện ích khác như: Tổng đài tự động thông báo, truy vết, hệ thống Giám sát cách ly F1 tại nhà thông qua vòng đeo tay và App Danang Smart City, Hệ thống bản đồ thống kê – cảnh báo khu vực vùng đỏ, vùng cách ly nguy hiểm, điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu, Thẻ QR Code đi chợ/Siêu thị, Hệ thống quản lý khai báo y tế, Ứng dụng quản lý, đăng ký, xác nhận phương tiện vận tải vào thành phố, Ứng dụng đăng ký mua hàng thiết yếu… Ngoài ra, Sở Thông tin Truyền thông cũng tổ chức các hệ thống dùng chung các ứng dụng của TƯ như hệ thống phần mềm kết nối tư vấn chữa bệnh giữa các bác sĩ và bệnh nhân trực tuyến VOV Bacsi24, Telehealth, Doctor4U. 

Tuy nhiên, theo ông Thạch, hiện vẫn còn một số vấn đề trở ngại do F0 không thể nhớ hết, khai hết F1, F2, nên ngoài vấn đề truy vết F0, cần triển khai truy vết cả F1, F2. Bên cạnh đó, Sở Y tế, UBND quận, huyện cần thường xuyên vào Hệ thống khai báo y tế thành phố, xuất dữ liệu người khai báo có nguy cơ. Dự kiến trong thời gian đến, Sở Thông tin Truyền thông sẽ tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhắn tin hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn sử dụng ứng dụng đăng ký tiêm vaccine, ứng dụng cách ly F1 tại nhà,…Và đặc biệt là công tác hỗ trợ các quận, huyện và CATP triển khai camera tại khu dân cư, đưa về hệ thống giám sát tập trung.

LÊ ANH TUẤN