Đà Nẵng, ước mơ xanh biếc
Là đứa con của đất Quảng lưu lạc bao năm, tôi luôn muốn được quay về Đà Nẵng trong những năm cuối đời. Nhưng nỗi e ngại sâu kín nhất bên trong còn khiến tôi có chút ngần ngại là làm sao tìm được một không gian sống đầy bóng cây xanh, vì tôi đã quá quen và quá ngán khói bụi của đường phố Sài Gòn.
Chúng ta thừa biết rằng, cây xanh đô thị có chức năng làm lệch hướng ánh sáng mặt trời, làm giảm hiệu ứng nhiệt độ do những vỉa hè bê-tông và các tòa nhà cao tầng gây ra. Cây xanh chính là nguồn cung ứng oxy, giúp cải thiện chất lượng không khí, bảo tồn mặt đất, bảo tồn nước và cả giúp cho con người sống thọ. Rõ ràng cây xanh làm tăng chất lượng cuộc sống của chúng ta.
Theo một tài liệu của cơ quan nông nghiệp Hoa Kỳ, thì “Một mẫu rừng hấp thụ 6 tấn carbon dioxide và thải ra 4 tấn oxy. Điều này đủ để đáp ứng nhu cầu hàng năm của 18 người”. Tài liệu này còn chỉ rõ: ”Cây cối và các thảm cỏ cũng lọc không khí bằng cách loại bỏ bụi và hấp thụ các chất ô nhiễm khác; các hạt bụi còn lại thì sẽ bị mưa rửa sạch”. Cây cối cũng làm giảm nhiệt độ không khí và giảm cường độ nhiệt của hiệu ứng nhà kính, nhất là ở các thành phố, bằng cách duy trì mức độ thấp của carbon dioxide.
Hiện nay, chỉ số tỷ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20-25m2/người. Trong đó, nhiều quốc gia đạt tỷ lệ cao như: Berlin (Đức) 50m2/người, Moscow (Nga) là 44m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41m2/ người, Singapore là 30,3m2/ người, Paris (Pháp) 25m2/người... Còn chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên hiệp Quốc đưa ra ở mức thấp nhất là 10m2/người.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp của nước ta cho biết, hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam ở mức từ 2-3m2/người. Thực tế này cho thấy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 so với thế giới. Theo quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ cây xanh của Hà Nội mới được nâng lên thành 10-12m2/người.
Nhớ những Tết trồng cây
Ngay từ ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân” . Và lời kêu gọi thiết tha của Người: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” đã được nhân dân cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, trở thành một trong những phong tục truyền thống mới, vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đấy cũng chính là khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hằng năm của nhân dân ta, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những năm gần đây, hiện tượng thời tiết bất thường hay xảy ra, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lớn kéo dài liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, mà trận mưa lớn trở thành lũ lụt đêm 14-10-2022 đã khiến nhân dân TP Đà Nẵng điêu đứng là một minh chứng rõ ràng. Để chung tay chống biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, chúng ta cần tăng cường bảo vệ môi trường sống. Do đó, hoạt động trồng thêm cây xanh, tạo nên những công viên cây xanh trong lòng Đà Nẵng và cả các vùng phụ cận là một việc làm khẩn thiết.
Hơn lúc nào hết, người dân Đà Nẵng trong những ngày đón Xuân Ất Tỵ này, không thể không nghĩ tới những bóng mát của cây xanh trong phố. Và ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, ngoài việc trồng rừng tập trung, cần thiết phải tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các đô thị ngày càng đông dân như TP Đà Nẵng; trồng cây xanh ở các vùng ven, tại các đường giao thông, các công trình hạ tầng đô thị..., bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, là 10m2 cây xanh/đầu người.
Và thành phố xanh biếc ước mơ vào xuân
Những ngày Tết sắp đến, mùa Xuân mới đang về, là người yêu Đà Nẵng chúng ta cần hiểu rằng, việc trồng cây xanh không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường sống, mà còn giúp cho Đà Nẵng thân yêu của chúng ta có một không gian xanh, có một bầu không khí trong lành, để Đà Nẵng xứng đáng là “Thành phố đáng sống”.
Chúng ta không ai là không biết những lợi ích của cây xanh. Và, vì những lợi ích không thể chối cãi của cây xanh như thế, nên theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung mà UBND TP Đà Nẵng đã đệ trình, thì đến năm 2030, diện tích cây xanh đô thị phải đạt tới 9,6m2/người (trong tổng số diện tích đất xây dựng đô thị là 32.227 ha, phân bổ cho dân số 1,56 triệu người).Nhưng, cây xanh đô thị tại Đà Nẵng hiện nay chỉ vào khoảng 4,56m2/người, tức mới chỉ được có một nửa con số quy định. Theo một KTS hiện sống tại Đà Nẵng, thì “Đà Nẵng đang cần đến 100 ha đất trồng cây ở đô thị mới đáp ứng được tiêu chuẩn cho hơn 1,1 triệu dân”.
Với một người con của xứ Quảng lưu lạc quê người như tôi, mỗi lần trở về là mỗi lần ước mơ nhìn thấy Đà Nẵng ngày một đẹp hơn, một xanh hơn. Đà Nẵng cần màu xanh, dù đã có màu xanh của biển, của sông, của núi rừng, nhưng cần biết bao màu xanh của cây, của cỏ. Cây cỏ, hoa lá của Đà Nẵng chỉ có thể có từ quyết tâm của các cấp chính quyền và của mọi người dân Đà Nẵng. Tôi nghĩ, nhà lãnh đạo nào có thể biến Đà Nẵng thành một thành phố xanh cây, xanh lá, để xanh đời, thì sẽ là người không phải chỉ được toàn thể nhân dân Đà Nẵng yêu kính, nhớ ơn, mà chắc chắn sẽ còn lưu danh hậu thế.
NGUYỄN GIAO THỦY