Điểm mới trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014:

Đã thay thế điểm sàn bằng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào

Thứ năm, 13/03/2014 11:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-3, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư về việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy năm 2014. Trong đó tập trung vào các điểm mới chính là: bổ sung các điều khoản quy định về tự chủ tuyển sinh và sửa đổi, bổ sung chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Nghĩa (Phó Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi xung quanh một số thay đổi trong tuyển sinh năm nay.

 

 P.V: Xin ông cho biết những điểm mới trong quy chế sửa đổi bổ sung tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014?

 Phó Cục trưởng, PGs Ts Trần Văn Nghĩa: Ngày 11-3-2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư về việc sửa đổi bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Trong đó tập trung vào hai điểm mới chính, đó là đã đưa vào Quy chế một số điều, khoản để quy định về cơ chế tự chủ trong tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Thứ hai là trong quy chế đã sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Ngoài hai điểm trên, trong quy chế đã thay thế điểm sàn bằng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào và điều chỉnh một số điều liên quan đến thanh tra tuyển sinh cũng như một số chế tài đối với các hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh.

 P.V: Hiện nay đã có bao nhiêu trường có đề án tự chủ tuyển sinh, Bộ đã có chủ trương như thế nào đối với các trường này, thưa ông?

 Phó Cục trưởng, PGs Ts Trần Văn Nghĩa: Đến nay đã có 64 trường có đề án tự chủ tuyển sinh gửi về Bộ. Trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy mới ban hành có một số điều khoản quy định một số việc mà các trường tự chủ tuyển sinh phải triển khai, cũng như những nguyên tắc các trường phải tuân thủ khi thực hiện tự chủ tuyển sinh. Quy chế cũng có những yêu cầu cụ thể về cấu trúc cũng như nội dung đề án tự chủ tuyển sinh mà các trường ĐH, CĐ xây dựng.

Sau Hội nghị giáo dục ĐH vào cuối năm 2013, các trường đã bắt đầu xây dựng đề án tự chủ trong tuyển sinh và đến cuối năm 2013 các trường đã bắt đầu gửi đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD-ĐT. Những đề án đáp ứng được các yêu cầu về cấu trúc và nội dung, Bộ sẽ đưa lên Website của Báo Giáo dục và Thời đại để xin ý kiến rộng rãi trong xã hội. Trên cơ sở góp ý của xã hội, các trường sẽ hoàn thiện các đề án của trường mình và gửi lại Bộ. Sau khi xem xét đề án nào đáp ứng đúng yêu cầu theo quy định trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014, Bộ sẽ có công văn trả lời để các trường triển khai thực hiện tuyển sinh.

 P.V: Chính sách ưu tiên tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay được sửa đổi, bổ sung như thế nào, thưa ông?

 Phó Cục trưởng, PGs Ts Trần Văn Nghĩa: Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH, CĐ có ba phần, đó là ưu tiên theo đối tượng, ưu tiên theo khu vực và chính sách ưu tiên tuyển thẳng. Trong đó, chính sách ưu tiên tuyển thẳng giữ ổn định như năm 2013, chỉ có một số điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về đối tượng ưu tiên cho phù hợp với thực tiễn và các chính sách xã hội mới được ban hành. Một số mức ưu tiên cũng được điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng ưu tiên.

Đối với chính sách ưu tiên theo khu vực, Bộ vẫn giữ 4 khu vực ưu tiên gồm: khu vực I, khu vực II nông thôn, khu vực II, khu vực III. Điểm ưu tiên giữa các khu vực là 0,5 điểm. Riêng đối với khu vực năm nay được xác định là các thôn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015 theo quy định hiện hành. Việc điều chỉnh này để đảm bảo sự phù hợp của Quy chế tuyển sinh với các văn bản mới, bao gồm: Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19-9-2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015.

Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013.

 P.V: Ông có lưu ý gì cho các em học sinh khi làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay?

 Phó Cục trưởng, PGs Ts Trần Văn Nghĩa: Đối với việc đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay, các em cần lưu ý một số điểm như sau, đó là thời gian nộp hồ sơ từ ngày 17-3. Trong thời gian từ 17-3 - 17-4, các em sẽ nộp hồ sơ tại trường THPT; các thí sinh tự do sẽ nộp tại địa điểm do Sở GD-ĐT quy định. Sau đó, từ ngày 18 - 29-4, các em sẽ tiếp tục nộp hồ sơ tại trường ĐH, CĐ.

Năm nay, phiếu đăng ký dự thi có một điều chỉnh nhỏ, đó là để phục vụ cho các trường tuyển sinh riêng, ở mục 2 có thêm một dòng để đăng ký vào các trường tuyển sinh riêng. Những em có nguyện vọng đăng ký vào các trường tuyển sinh riêng cần đánh dấu vào mục tương ứng; đồng thời phải nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định của trường tuyển sinh riêng. Những em không có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định của trường tuyển sinh riêng thì phải ghi cụ thể vào phiếu đăng ký dự thi những giấy tờ còn thiếu.

Ngoài ra, các thông tin liên quan đến việc tuyển sinh riêng của các trường được ghi rõ trong đề án tuyển sinh riêng của các trường, được đăng tải công khai trên Website của Báo Giáo dục và Thời đại và trên trang thông tin điện tử của chính trường đó. Ngoài ra, trong cuốn những điều cần biết về kỳ thi tuyển ĐH, CĐ, Bộ đã cung cấp những thông tin rất cơ bản về các trường tuyển sinh riêng, về phương thức xét tuyển của các trường này. Trong đó cũng có hướng dẫn cụ thể về việc khai hồ sơ. Ngoài ra, Bộ cũng đã có công văn gửi các sở GD-ĐT về việc khai hồ sơ đăng ký dự thi.

 P.V: Xin trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng!

Bích Thủy
(thực hiện)