Đắc Sar... không như mơ
(Cadn.com.vn) - Đắc Lắc là địa bàn tiếp nhận nhiều người di cư tự do từ các địa phương khác đến. Theo thống kê hiện có khoảng 5.700 hộ dân di cư tự do với hơn 25.900 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào đến từ Tây Bắc. Mặc dù công tác định canh định cư có nhiều chuyển biến, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng đây đó vẫn còn những vùng gần như bị lãng quên.
Cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột chừng 60 km, xã Đắc Nuê (H. Lắc) là nơi có nhiều người di dân đến sinh sống, chủ yếu là người H’Mông. Sau bao năm vất vả, giờ đây họ vẫn sống trong cảnh bữa đói bữa no. Trong đó, buôn Đắc Sar là địa bàn xa nhất, cách trung tâm xã chừng 30 km. Theo hướng dẫn của các cán bộ xã, chúng tôi vượt qua đèo Đắc Nuê rồi rẽ trái thì gặp các hộ dân sống bám theo một con đường đất chừng 12 km. Đó là buôn Đắc Sar với “đặc sản” là nắng, gió và bụi mù. Theo Chủ tịch UBND xã Đắc Nuê, Đinh Nốt: “Năm 2007, Buôn Đắc Sar được thành lập, thống kê mới nhất thì có 110 nóc nhà, 450 nhân khẩu chủ yếu là người H’Mông di dân tự do vào đây. Ngoài ra còn có các dân tộc khác từ Thanh Hóa, Lâm Đồng đến đây sinh sống. Đời sống bà con vô cùng khổ cực vì thiếu đất sản xuất, không điện, không nước sạch”...
Đường vào Buôn Đắc Sar mưa lầy lội, nắng bụi mịt mù. |
Đại gia đình của anh Ngân Văn Thuận (21 tuổi, dân tộc Mường) gồm 6 người từ huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa) vào Tây Nguyên lúc Thuận mới 8 tuổi, ban đầu ở nơi khác, giờ chuyển vào Đắc Sar được 5 năm, nay đã có vợ con đề huề.
- Sao không đi làm nương?
- Chả có việc, ở nhà thế này thôi!
Câu trả lời của anh Thuận khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Đã lặn lội vào nơi heo hút, rừng thiêng nước độc nhưng phải đi làm thuê để kiếm cơm qua ngày. “Dạo này chủ rừng (lâm trường) hết việc, ở nhà chứ biết làm gì bây giờ. Khi nào có việc thì đi tiếp, nương rẫy chả có, sống qua ngày thôi”-Thuận phân bua. Ngay bố mẹ anh năm nay đã gần 60 tuổi vẫn phải xách dao quắm đi phát thuê cho chủ rừng kiếm cơm. Cũng theo Chủ tịch xã Đinh Nốt, những tháng đầu năm 2015 đi khảo sát thì thấy số lượng di dân vào đây tăng không đáng kể, đó là dấu hiệu đáng mừng. Cuộc sống của những di dân tự do ở đây quá khổ cực, buôn mới thành lập, người dân sống thành những tốp riêng rẽ nên rất khó quản lý. Nhiều thành phần dân tộc nên phong tục, tập quán cũng khác nhau, bất đồng là điều dễ xảy ra.
Vợ chồng Khak Rang sắp đón chàng rể trong căn chòi này. |
Tôi vào nhà anh Thuận. Gọi là nhà nhưng thực chất đó chỉ là túp lều tạm bợ được dựng bằng tranh tre, thấp lè tè. Hầu hết nhà ở buôn Đắc Sar đều như thế. Trong nhà Thuận, chỉ trừ cái bóng điện bằng nắm tay người lớn chạy bằng tấm pin năng lượng mặt trời có kích cỡ như cái mẹt..., không có vật dụng kim khí gì giá trị. Cái mà anh cho là tài sản lớn nhất là chiếc xe máy chỉ còn lại khung và bộ máy... treo lủng lẳng. Nó là phương tiện hiện đại nhất để chở nước từ những khe suối phục vụ sinh hoạt gia đình. “Mỗi ngày cần 3 bon này, mỗi bon 30 lít. Còn tắm rửa, giặt giũ thì xuống con suối dưới kia, nước đục ngầu, suối cạn nước rồi, người ta đào hố dưới lòng suối để tưới cà-phê, mình xin để uống”-Thuận ngao ngán.
Nhiều di dân tự do bảo rằng họ đã sai lầm vì chọn vùng đất này, nhưng không vào đây thì biết đi đâu nữa. Một vùng đất không như họ mơ tưởng. Dải đất đỏ ngút mắt cà-phê, cao su mà họ thầm ao ước giờ đây là đồi núi hoang vu. Biết rằng cây công nghiệp nhất là cà-phê chỉ thích hợp với đất ba-zan màu mỡ nhưng họ vẫn nhắm mắt “nện” xuống vì chả biết trồng cây gì bây giờ. Đi một chặng, chúng tôi ghé vào gia đình anh Khak Rang (56 tuổi, dân tộc Chu Ru) tá túc trong một cái lều không thể tồi tàn hơn được nữa. Nồi niêu, bếp lửa bày biện sẵn trong căn chòi chừng 9m2. Từ Lâm Hà (Lâm Đồng) cả gia đình anh di cư vào đây mong tìm một cuộc sống mới khá hơn nơi cũ. Qua tháng này, gia đình anh làm đám cưới cho cô con gái (sinh năm 1994), lấy chồng ở Di Linh (Lâm Đồng). Gia đình nhà trai bên đó còn khó khăn hơn đây, không tấc đất cắm dùi. Vợ chồng anh dự định sẽ cho chàng rể quý ở rể ngay tại cái lán nhỏ bé gọi là nhà này. Mọi sự chuẩn bị đã xong xuôi cho ngày đại hỉ, tiệc tùng mâm cỗ đã lo hết, chỉ còn việc viết thiệp hồng mời hàng xóm, bà con. Đắc Sar sẽ đón nhận một chàng rể diện “di dân theo hôn thú”.
Thấy chúng tôi đến, nhiều người trong buôn cứ tưởng là đoàn từ thiện hay cán bộ điện lực đến bắc điện bởi trong buôn đã dựng những cái cột bê-tông cao vút từ 3 năm trước nhưng mãi đến nay dây điện vẫn chưa có. “Cột thì có đó, dựng ngay ngắn lắm. Nhưng khổ nỗi không có dây thì làm sao điện chạy vào đây anh nhỉ ?”-một người dân nói... Vừa giúp bố mẹ đào củ sắn (mì) trên đám đất ven đồi, cô bé H’Mông Vừ Thị Thi (7 tuổi) cất tiếng hát véo von những bản nhạc H’ Mông. Bố của Thi, Vừ A Cân (49 tuổi) bảo rằng nhớ quê lắm nhưng đi rồi không thể quay trở về nữa. Cả nhà chuyển từ Cao Bằng vào đây được 4 năm, không có đất sản xuất phải mượn đất của lâm trường sau khi thu hoạch keo để trồng sắn. Xong mùa, khi keo con được trồng mới thì một hành trình đi mượn đất khác để canh tác lại bắt đầu. Anh cười: “Mình người H’Mông Trắng, giờ thì cả vợ con, gia đình thành H’Mông “đen” rồi. Đen vì ở đây nắng quá, da đen cháy hết”...
Vừ Thị Thi tay vẫn mang cái túi thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, miệng vẫn hát những bài hát H’ Mông- nhưng không phải trên “Cao nguyên đá Đồng Văn” mà trên “Tây Nguyên đất đỏ”, khiến chúng tôi chợt thấy chạnh lòng... Nơi đây, những cư dân mới hậu di dân sẽ tiếp tục được sinh ra, để rồi lại quay quắt trong cái vòng luẩn quẩn nghèo khó...
Tứ Đức