Đại dịch Covid - 19, ấm áp từ những điều bé mọn…

Chủ nhật, 23/08/2020 16:26

Hơn 500 tấm chắn giọt bắn được chuyển vào Quảng Trị, 100 tấm chuyển vào Đà Nẵng góp sức cùng bà con miền Trung vững bước vượt qua đại dịch là những món quà bé nhỏ do chính những em nhỏ mắc chứng tự kỷ ( Trung tâm phát triển cộng đồng Our Story) làm ra, mang thông điệp: góp sức chung tay chiến thắng đại dịch từ những điều bé mọn.

 

Hơn 20 em khuyết tật cùng sự giúp sức của một số thầy cô và quản lý trung tâm, mỗi ngày trên dưới 100 tấm chắn giọt bắn được hoàn thiện. Trong vỏn vẹn 1 tuần, gần 700 tấm chắn đã xong xuôi, lên đường đến với bà con vùng dịch. Tuy nhỏ bé, nhưng đó là tất cả nỗ lực của những em nhỏ khuyết tật.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu ( “cựu” phóng viên đồng thời là người sáng lập Our Story - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nhận dạy các em nhỏ khuyết tật về thần kinh, vận động và khác), cho biết: Trong suốt những ngày cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, nơi nơi dồn dập là những tin nhắn, những cú điện thoại gọi nhau, cùng nhau tập hợp nhu yếu phẩm, vật dụng, thiết bị y tế..v..v… ứng cứu bà con miền Trung. Không đứng  ngoài cuộc, tôi và anh chị em trong trung tâm đã quyết định nói chuyện với các bé đang theo học tại trung tâm về việc cùng nhau thực hiện một điều gì đó để chia sẻ với những người đang trực tiếp đối mặt với đại dịch. Đây thực sự là một khó khăn. Bởi tất cả các em nhỏ ở đây đều mắc khuyết tật thần kinh. Các em rất khó giao tiếp, khó tương tác và đặc biệt là khó thực hiện các kỹ năng vận động tinh, vận động thô. Những buổi đầu tiên của chúng tôi thật sự cười ra nước mắt khi những hành động tưởng chừng như đơn giản nhất với người bình thường như dán, cắt, ghép…, lại cứ “bị” bọn trẻ làm “trượt” đi. Không khí rất căng thẳng. Thế nhưng, xuất phát từ quyết tâm góp sức và đặc biệt là xuất phát từ mong muốn đưa các con – những đứa trẻ vốn sinh ra đã có các khiếm khuyết nên luôn thiệt thòi bị buộc phải đứng bên lề cuộc sống được vào cuộc, được hòa nhập mà chúng tôi kiên trì, kiên trì, quyết kiên trì. Thế rồi cũng xong. Dường như hiểu được những điều mà chúng tôi mong muốn, các con rất chịu khó, chăm chú để làm. Một thời gian ngắn, với ngần ấy tấm chắn, tôi coi đó là một thành công… Dù thành công này, có khi rất bé nhỏ, nếu để so với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác trong xã hội. Nhưng chúng tôi vẫn rất tự hào. Là bởi, trong cuộc chiến chống đại dịch của cả dân tộc, chúng tôi vẫn “được” có mặt, ngay cả khi mang trong mình đầy khiếm khuyết…

 

Cùng tấm lòng với các cô trò của Our Story, Ths, bác sĩ Mai Văn Sâm, Phó Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, Đại học Y Hà Nội, dù rất bận rộn nhưng khi biết thông tin về đợt chuyển quà tặng vào miền Trung cũng vội vàng gửi tới hàng ngàn chiếc khẩu trang. Ông chia sẻ: được biết, đại diện của báo Công An Đà Nẵng sẽ tới các bệnh viện của vùng núi xa xôi  ở Quảng Nam để tặng quà, cùng với các bạn đọc của báo ở Hà Nội, tôi cũng muốn gửi một chút tấm lòng tới những đồng nghiệp nơi xa. Như là một lời chào, lời động viên, mong là dù trong điều kiện thiếu thốn, đối mặt với chực chờ hiểm nguy từ dịch dã, các đồng nghiệp vẫn vững bước, kiên cường, chiến đấu giúp bà con chiến thắng dịch bệnh.





 

2020 – một năm thật đáng nhớ với cả thế giới, khi ngay từ những tháng đầu tiên, đại dịch Covid – 19 đã ập đến và diễn biến ngày càng khó lường. Chúng ta đã trải qua một đợt đầu tiên đầy khó khăn tại Hà Nội và trên cả nước. Sau kỳ giãn cách chưa từng có, tưởng chừng, cuộc sống bình thường đang  dần ổn định trở lại thì lần thứ 2, đại dịch lại ập đến. Lần này là các tỉnh miền Trung - nơi có hàng triệu người dân, du khách đang tận hưởng kỳ nghỉ hiếm hoi. Náo loạn, lo lắng, sợ hãi, bất ổn, đâu đâu cũng có thể là F0, F1, F2… Không khí buồn bã, căng thẳng bao trùm… Thế nhưng, trái với những tai ương, ách nghiệt mà dịch bệnh mang lại, khắp các mạng xã hội, trong các cộng đồng dân cư, công sở, nhà máy và cả các hội nhóm thanh  niên, phụ nữ, trẻ em, những lời chia sẻ, động viên, những đoàn công tác xung phong, những chuyến nhu yếu phẩm, thiết bị y tế và thậm chí là cả những bức ảnh ghép, sáng tác đầy ý nghĩa được tạo ra, được chia sẻ - lan tỏa đi làm nên một sức mạnh tinh thần to lớn, vô giá.



 

Chị Nguyễn Thị Thu cũng nói thêm: Là người nhận chăm, dạy các em nhỏ khuyết tật, hơn ai hết, tôi hiểu giá trị của một cuộc sống bình thường. Ước mơ, mục tiêu sống với ai đó có thể là những hợp đồng trị giá tiền tỷ, nhà đẹp, xe sang nhưng đối với tôi và những học sinh khuyết tật của mình thì mơ ước bé mọn lắm. Đó có khi chỉ là được trải qua một ngày nói được một số câu tròn từ, rõ nghĩa, biết cầm chắc được bát cơm để ăn không rơi vãi, biết cầm đúng cái kéo, lọ hồ dán để gắn, kết tạo nên những hình thù ưa thích hay đơn giản hơn có thể nắm tay nhau vui đùa, tặng nhau những ánh mắt khích lệ, cảm thông. Đại dịch trên toàn thế giới, làm ngưng lại mọi ao ước xa xỉ, bỗng chốc đưa người ta về những mong muốn đời thường rất giản đơn như: thong thả uống ly cà phê vào lúc sáng sớm, gặp gỡ bạn bè vào ban trưa và chạy bộ, đi chợ, mua sắm vào buổi chiều…  Thế nên, có lẽ, trong mùa dich này, cùng với những nguyên tắc và các điều mục luật định thì những hành động ý nghĩa mang tính cổ vũ tinh thần cho mọi người được gắn bó hơn, mạnh mẽ hơn thật vô cùng cần thiết. Thông điệp chúng tôi muốn chia sẻ chỉ là: cho dù bất cứ đâu, cho dù bạn là ai, giàu hay nghèo, bình thường hay khuyết tật, chúng ta đều có thể cùng nhau làm mọi thứ. Tôi luôn tin rằng đại dịch Covid – 19, sẽ được chiến thắng từ những điều bé mọn như thế…

 

TN