Đại dịch COVID-19 và “phép mầu” vaccine

Thứ ba, 22/06/2021 21:28

Sau nhiều nỗ lực chạy đua với thời gian, đến nay một số loại vaccine ngừa COVID- 19 an toàn, hiệu quả đã được đưa vào sản xuất và hầu hết các quốc gia mở chiến dịch tiêm chủng. Nhiều bài học thành công sau chiến dịch tiêm chủng đã hiện hữu ngay trước mắt. Đây như một phép mầu, mang lại kỳ vọng kết thúc cuộc khủng hoảng dịch bệnh tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.

Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm vaccine trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới bùng phát ở Quảng Đông.  Ảnh: SCMP

Một “cuộc đua” mới

Nhưng “phép mầu” này cũng lại “châm ngòi” cho những cuộc chạy đua mới trên toàn thế giới: chạy đua sản xuất vaccine và tiêm chủng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hàng trăm dự án nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 với hàng chục quốc gia đang tham gia, tạo nên “cuộc đua” nóng bỏng trên toàn cầu. Tính đến nay, nhiều loại vaccine đã được cấp phép như: Sputnik V (Nga), Pfizer/ BioNTech, Novavax, Johnson&Johnson, Moderna, Inovio (Mỹ), Covaxin (Ấn Độ), Oxford/AstraZeneca (Anh) và Sinopharm (Trung Quốc)...

Việc sản xuất thành công vaccine thật sự là một món quà tuyệt vời cho thế giới trong năm 2021, thế nhưng WHO cho rằng dường như quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine của các nước đều được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Thậm chí một số quốc gia còn không công nhận và hoài nghi lẫn nhau. Nhiều nước đã coi cuộc cạnh tranh nghiên cứu và phát triển vaccine là cuộc cạnh tranh chiến lược quốc tế, bởi việc nghiên cứu và phát triển ra vaccine trước không những có thể nắm quyền chủ động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, khôi phục kinh tế của đất nước, mà còn mang lại lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD và quan trọng hơn nữa là mang lại hiệu quả chính trị.

Điều này khiến các nước nghèo hơn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine, đặc biệt là khu vực Châu Phi và đưa đến nguy cơ đại dịch kéo dài. Cuộc chiến giành vaccine không chỉ diễn ra giữa các nước mà thậm chí còn diễn ra trong nội bộ một quốc gia khi quyền ưu tiên được tiếp cận vaccine COVID-19 đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Người dân Mỹ đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Một bãi biển đã kín người vào dịp nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong tại Santa Monica, bang California hôm 31-5.  Ảnh: AFP

“Phép mầu” vaccine

Thế giới ắt hẳn vẫn chưa thể quên hình ảnh một nước Mỹ năng động bậc nhất thế giới bị các làn sóng dịch COVID-19 “quật ngã” trong suốt năm 2020. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng trong những tháng qua, các bản tin nóng về dịch COVID-19 toàn cầu không còn “điểm danh” Mỹ trong mục thống kê những nước có số ca mắc mới trong ngày cao nhất, đồng nghĩa với tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm mạnh. Hiện tại, số ca nhiễm tại Mỹ vẫn ở mức cao nhưng tình hình dịch bệnh tại quốc gia này đã “yên ắng” hơn rất nhiều. Có thể thấy, từ tâm dịch kinh hoàng nhất thế giới vào những tháng cuối năm 2020, nước Mỹ đã vượt qua chặng đường khó khăn nhất. Và bây giờ họ đang gặt hái thành công và dần trở về với cuộc sống bình thường.

“Vũ khí” hữu hiệu nào giúp họ có được thành công này? Đó là vaccine. Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne khẳng định, số ca mắc COVID-19 ở Mỹ giảm trong những tháng vừa qua nhờ chương trình tiêm chủng đại trà. Một hình mẫu nổi trội khác trong chiến dịch tiêm vaccine là Israel. Quốc gia Do Thái này đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc và đạt đến gần mục tiêu chấm dứt đại dịch. Israel cũng đã dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế để chống dịch. Báo Times of Israel giải thích rất ngắn gọn cho kế hoạch này là “nhờ nỗ lực tiêm chủng thành công của Israel?

Nga và một số nước nhỏ thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về tỷ lệ dân số như San Marino hay Maldives cũng đã tiêm đủ vaccine và đang tính đến chuyện thu hút du khách bằng chương trình “du lịch vaccine”.

“Độc chiêu” kéo dân đi tiêm

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng được may mắn có được “phép mầu” từ vaccine, vì nhiều lý do… Hiện nay, với kỳ vọng tốc độ tiêm vaccine nhanh sẽ giúp sớm đạt được miễn dịch cộng đồng và chấm dứt dịch bệnh, một số nước đang có nhiều sáng kiến khuyến khích người dân đi tiêm và thay đổi chiến lược tiêm chủng.

Ở Hồng Kông (Trung Quốc), trong bối cảnh có quá ít người dân đi tiêm vaccine, trong khi các lô vac-cine này sẽ hết hạn sau tháng 8, một số công ty cùng nhau công bố một giải thưởng đặc biệt dành cho những người đã tiêm chủng: bốc thăm trúng thưởng với giải độc đắc là một căn hộ nằm trong dự án Grand Central, ở khu vực quận sầm uất Quan Đường. Căn hộ được mang ra làm giải thưởng hoàn toàn mới, trị giá 10,8 triệu HKD (khoảng 32 tỷ đồng). Nhưng Hồng Kông không phải là nơi duy nhất dùng tiền hoặc phần thưởng để thu hút người tiêm vaccine. Rất nhiều quốc gia chọn cách tặng tiền, quà để khuyến khích người dân như Mỹ, Philippines… Đây cũng là những quốc gia vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân sợ... vaccine.

Tại những quốc gia giàu có ở Châu Á-Thái Bình Dương, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia hay New Zealand, vốn từng bị chỉ trích vì chậm chạp trong chiến dịch tiêm chủng, cũng đang chứng kiến sự thay đổi mỗi ngày. Ở thời điểm cuối tháng 4, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kentaro Iwata không bao giờ nghĩ Nhật Bản có thể an toàn đăng cai Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. Nhưng giờ đây, ông nhận thấy cuộc chiến chống đại dịch ở đất nước của ông đang dịch chuyển và tỷ lệ tiêm chủng bắt đầu tăng vọt. Sự thay đổi bước ngoặt này khiến chuyên gia Iwata bất ngờ. Theo ông, nguyên nhân là do mục tiêu tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020: “Chính phủ xem việc tiêm chủng là công cụ quan trọng để giúp kiểm soát dịch bệnh và có thể tổ chức Thế vận hội Olympic”.

Trong khi mục tiêu của Tokyo là Thế vận hội Olympic 2020, Trung Quốc cũng nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng ngay trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 tới và chuẩn bị sẵn sàng cho Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh. 

KHẢ ANH