Đại học Đông Á chuyển giao công nghệ làm nước mắm sạch cho làng nghề Tam Thanh

Thứ ba, 12/07/2016 08:41

(Cadn.com.vn) - Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) vừa phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Đà Nẵng tổ chức thành công hội thảo “An toàn thực phẩm-Bảo vệ sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia của 12 doanh nghiệp lĩnh vực Công nghệ thực phẩm – Sinh học. Tại sự kiện này, nhà trường đã ký kết hợp tác với 7 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và bảo quản thực phẩm tại miền Trung về “Chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học hướng ứng dụng, ưu tiên tuyển dụng sinh viên nhà trường sau tốt nghiệp”.  

Ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng nước mắm cổ truyền Tam Thanh giữa Đại học Đông Á và UBNDTP Tam Kỳ.

Đặc biệt, trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng và đại diện các doanh nghiệp, trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ nâng cao chất lượng nước mắm cổ truyền Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam). Theo đó, sau thời gian nghiên cứu, thực nghiệm ngay tại làng nghề nước mắm Tam Thanh, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Đông Á đã cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu thời gian sản xuất và đưa ra công nghệ sản xuất nước mắm truyền thống mới, cải thiện được các nhược điểm đang tồn tại của nước mắm truyền thống như: đổi màu, trở mùi khi để lâu. Nhất là nâng cao được sản lượng sản xuất nhưng vẫn giữ được chất lượng, giúp người dân làng nghề có thể ổn định và phát triển.  

Đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, tuy được biết đến là làng nghề làm nước mắm có từ những năm 50 của thế kỷ 20, nhưng những năm gần đây, nghề làm nước mắm tại Tam Thanh có xu hướng mai một trước áp lực cạnh tranh thị trường, trong khi quy trình sản xuất nước mắm tại địa phương còn theo phương pháp thủ công, không có quy mô và kỹ thuật, quy trình sản xuất chưa đảm bảo, sản phẩm nước mắm mặn, đổi màu và mùi nồng qua thời gian.

Với ký kết hợp tác này, trường Đại học Đông Á sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm khắc phục các nhược điểm đang tồn tại, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu trường Đại học Đông Á sẽ xây dựng quy trình và hạ tầng sản xuất hợp lý, đáp ứng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển sản phẩm nước mắm cổ truyền tại làng nghề.

Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 2 năm (2016-2017), sau giai đoạn chuyển giao công nghệ tại các hộ thí điểm sẽ nhân rộng ra toàn làng nghề. Khi làng nghề đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo việc làm và thu nhập cho lao động tại chỗ tại địa phương, góp phần phát triển hình thức sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới tại xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. Dự án phát triển làng nghề nước mắm Tam Thanh nằm trong định hướng phát triển du lịch địa phương của TP. Tam Kỳ. Làng nghề sẽ trở thành nơi vừa trực tiếp sản xuất, vừa phục vụ khách du lịch tham quan, tìm hiểu làng nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: "Làng nghề nước mắm Tam Thanh là một làng nghề truyền thống được cấp chứng nhận. Nhưng do sản xuất bằng công nghệ truyền thống nên vấp phải những khó khăn trong cạnh tranh cũng như tiêu thụ trước sản phẩm nước mắm sản xuất bằng quy mô công nghiệp mặc dù chất lượng rất tốt. Nên việc áp dụng công nghệ mới của ĐH Đông Á giúp sản phẩm vẫn giữ nguyên chất lượng nhưng hình ảnh, màu sắc được đẹp hơn, công tác bảo quản tốt hơn cũng như hoạt động quảng bá sản phẩm ra thị trường đảm bảo hơn".

 Lãnh đạo trường Đại học Đông Á tặng quà cho 23 sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển khu vực Bắc miền Trung.

Ngay tại sự kiện này, từ Quỹ học bổng Hoa Anh Đào - Đại học Đông Á đã dành 23 phần quà, hỗ trợ gia đình 23 sinh viên quê ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, hiện gặp rất nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển trong thời gian qua

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường, Đại học Đông Á là trường tập trung số lượng lớn sinh viên các tỉnh, thành phố miền Trung. Tập thể Hội đồng quản trị - Hội đồng Sư phạm và sinh viên Đại học Đông Á luôn thấu hiểu bao vất vả của gia đình sinh viên trong việc chăm lo để con em mình ăn học, nên người. Vừa qua, sự cố ô nhiêm môi trường nặng nề ở vùng biển miền Trung đã tác động đến hàng ngàn hộ gia đình bám biển mưu sinh. Cuộc sống của những gia đình này bị ảnh hưởng trực tiếp của sự cố ô nhiễm môi trường biển… trong đó có những gia đình có con em đang theo học tại Đại học Đông Á. 23 suất quà mang nặng tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ và cũng là thông điệp của tinh thần “Sống có trách nhiệm” mà nhà trường luôn hướng đến.

Bảo Nam