Đại học Y khoa Nhật và bê bối hạ điểm thí sinh nữ

Thứ năm, 09/08/2018 12:18

Kết quả điều tra cho thấy, Đại học Y khoa Tokyo đã hạ điểm thi đầu vào của các thí sinh nữ nhằm hạn chế số nữ sinh theo học tại trường. Lý do đưa ra là phụ nữ thường bỏ nghề sớm hơn nam giới.

Ông Tetsuo Yukioka (trái), giám đốc điều hành và ông Keisuke Miyazawa, Chủ tịch Đại học Y khoa Tokyo, cúi đầu xin lỗi tại cuộc họp báo hôm 7-8.   Ảnh: Japan Times

Phân biệt đối xử

Các luật sư, được giao nhiệm vụ điều tra vụ bê bối phân biệt đối xử của Đại học Y khoa Tokyo đối với các thí sinh nữ, đã xác nhận hành động sai trái này.

"Hành vi này lừa dối xã hội, phân biệt đối xử đáng kể đối với phụ nữ. Tất cả các quan chức đã tham gia vào vụ gian lận này phải bị cách chức và nhà trường cần ngồi lại với nhau để cải cách", Kenji Nakai, một trong những luật sư phụ trách điều tra, phát biểu tại cuộc họp báo. Báo cáo điều tra của các luật sư điều tra cho biết, hành vi hạ điểm có hệ thống của Đại học Y khoa Tokyo có thể bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước. Họ xác nhận, hệ thống tính điểm tự động thay đổi điểm của tất cả các nữ sinh kể từ năm 2006, cũng như các nam sinh tham gia kỳ thi từ 4 lần trở lên. Trường đại học cũng thừa nhận đã thêm điểm cho 18 sinh viên để đổi lấy tiền quyên góp cho nhà trường.

"Sự phân biệt đối xử với phụ nữ này là điều đáng lẽ không bao giờ xảy ra. Chúng tôi sẽ xóa bỏ nó", ông Tetsuo Yukioka, Giám đốc điều hành Đại học Y khoa Tokyo, cúi người nhận lỗi tại buổi họp báo hôm 7-8. "Chúng tôi đã phản bội niềm tin xã hội. Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành về vụ việc", ông cho biết. Ông Keisuke Miyazawa, Chủ tịch trường đại học, nói: "Với những người mà chúng tôi đã gây ảnh hưởng, đặc biệt là các thí sinh nữ, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bù đắp". Ông Miyazawa cũng cam kết kỳ thi tuyển kế tiếp sẽ được tổ chức một cách công bằng.

Cộng điểm cho thí sinh nam

Quá trình tuyển sinh của Đại học Y khoa Tokyo gồm 2 giai đoạn. Vòng đầu tiên là bài kiểm tra trắc nghiệm. Những người vượt qua bài kiểm tra được yêu cầu gửi một bài luận và được tham gia vòng phỏng vấn.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay và năm ngoái, trường đã hạ điểm của tất cả các thí sinh bằng cách nhân điểm của vòng thi thứ hai cho 0,8. Sau đó, cộng thêm 20 điểm vào điểm của tất cả thí sinh nam tham gia kỳ thi lần đầu tiên hoặc lần thứ hai, 10 điểm cho các thí sinh nam tham gia kỳ thi lần thứ ba. Trường không cộng thêm bất kỳ điểm nào cho các thí sinh nữ và các thí sinh nam đã thi từ 4 lần trở lên, nghĩa là họ chỉ có thể đạt được tối đa 80 điểm trong số 100 điểm ngay cả khi họ trả lời chính xác tất cả các câu hỏi.

Theo Kyodo News, trường được cho là đã hạ điểm để duy trì tỷ lệ sinh viên nữ tại trường ở mức không quá 30%, nhưng các nhà điều tra đã không tìm thấy sự tồn tại của quy định nào như vậy. Các luật sư cho biết, trong cuộc phỏng vấn các viên chức của trường, lý do được đưa ra là nhằm tránh tình trạng thiếu bác sĩ tại các bệnh viện, vì nhiều bác sĩ nữ có xu hướng bỏ nghề khi kết hôn và có con để chăm sóc gia đình.

Liên quan đến việc giảm điểm nhằm vào những thí sinh nam đã tham gia kỳ thi từ 4 lần trở lên, Yuji Uematsu, một luật sư tham gia điều tra, cho biết, các viên chức trường cho rằng họ miễn cưỡng chấp nhận các thí sinh này vì các bác sĩ lớn tuổi thường có khuynh hướng bỏ việc tại các bệnh viện để mở các phòng khám tư.

Hiện các nhà điều tra chưa thể ước tính số người chịu ảnh hưởng bởi việc gian lận điểm thi tại Đại học Y khoa Tokyo.

Nhận hối lộ

Hành vi sửa điểm của Đại học Y khoa Tokyo bị phát hiện trong quá trình điều tra của các luật sư đối với vụ bê bối hối lộ liên quan đến các giám đốc điều hành hàng đầu của trường và một quan chức cao cấp của Bộ Giáo dục. Theo đó, lãnh đạo trường bị cho là đã nhận hối lộ từ Futoshi Sano, một quan chức cấp cao trong Bộ Giáo dục, để nâng điểm tuyển sinh cho con trai mình.

Vụ việc được cựu Chủ tịch trường, Masahiko Usui, 77 tuổi, "đặt hàng" với sự chấp thuận của cựu chủ tịch Mamoru Suzuki, 69 tuổi. Hồi tháng 7, cả hai ông Usui và Suzuki từ chức sau khi thừa nhận đã hối lộ dưới hình thức trợ cấp của chính phủ từ ông Sato để con trai ông này được nhận vào trường. Cả ba đã bị truy tố. Trong các kỳ thi tuyển sinh trong 2 năm qua, trường đã tăng thêm 49 điểm cho 18 cá nhân, kể cả con trai của ông Sato, trong vòng đầu tiên của quá trình thi tuyển sinh.

Con trai của ông Sato đã được cộng thêm 20 điểm vào điểm số trong vòng thi đầu tiên và thứ hai, làm tăng thứ hạng của anh ta từ 151 lên 87. Nếu không được cộng điểm, thí sinh này phải nằm trong danh sách chờ.

AN BÌNH