Đại hội biển Đông Á lần thứ 5: Phải áp dụng ngay một cơ chế trong quản trị đại dương
(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á (PEMSEA) lần thứ 5 diễn ra tại TP Đà Nẵng, ngày 17-11, các đại biểu đã tham dự phiên họp toàn thể hội nghị quan trọng với chủ đề: “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á - Hiệp lực và thành tựu”. Tại đây, các đại biểu tập trung bàn về cơ chế điều phối, phối hợp trong quản trị đại dương và vùng bờ biển ở quy mô quốc gia và khu vực ở khu vực các biển Đông Á, cũng như việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển “Theo tôi, do tính chất tổng hợp, việc chỉ đạo phải được thực hiện ở cấp quốc gia để đảm bảo vai trò điều phối, phối hợp hoạt động của các bộ, ngành và địa phương. Vì vậy, chúng ta có thể thành lập một Ủy ban quốc gia mà đứng đầu là lãnh đạo Chính phủ để thực hiện vai trò điều phối, phối hợp, hoặc giao cho một bộ thực hiện vai trò quản lý tổng hợp. Và việc quản trị phải đảm bảo sự tham gia và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng bản địa theo cơ chế đồng quản lý”. |
Đại dương đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng
Theo thứ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Chu Phạm Ngọc Hiển, đại dương thế giới chiếm 3/4 diện tích bề mặt trái đất, cung cấp nguồn của cải, không gian sống và có vai trò quyết định trong việc điều hòa khí hậu và đảm bảo các điều kiện môi trường sống cho hành tinh. Tuy nhiên, thời gian qua đại dương đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng do chất thải từ trên bờ và từ các hoạt động trên biển, như khai thác, sử dụng tài nguyên không theo những quy hoạch hợp lý. Sự suy thoái của nguồn tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học là do đánh bắt quá mức, phá hủy các hệ sinh thái, sinh cảnh và sự xuất hiện của nhiều sinh vật ngoại lai xâm hại.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên của đại dương chính là do phương thức quản lý không tốt. Chính cách quản lý truyền thống theo ngành và lãnh thổ đã tạo nên những xung đột về quyền lợi, dẫn tới buông lỏng quản lý và là nguyên nhân dẫn tới suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Thứ trưởng Hiển lý giải: Thông thường, các ngành kinh tế biển trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển để phục vụ phát triển ngành luôn chỉ hướng tới mục tiêu tối ưu hóa lợi ích của ngành mình, chứ không hề quan tâm đầy đủ tới lợi ích các ngành khác, như bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, sinh cảnh.
Ngoài ra, những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển còn thiếu tầm nhìn dài hạn và chưa xem xét, đánh giá tất cả các chức năng của từng khu vực biển, vùng ven biển và hải đảo để lựa chọn được phương án có lợi nhất. “Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải có một cách tiếp cận mới về phát triển và quản lý môi trường biển và vùng bờ biển ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia. Phải thúc đẩy quản trị đại dương và xây dựng các chính sách quốc gia về quản lý tổng hợp đại dương cũng như cơ chế điều phối các hoạt động của các ngành; công tác phối hợp hoạt động của các địa phương, thậm chí nhiều nước. Bên cạnh đó, cũng cần những quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển có tầm nhìn dài hạn và được xây dựng trên cơ sở phân tích kỹ các chức năng khai thác, sử dụng của khu vực biển và vùng bờ biển để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển phục vụ phát triển bền vững KT-XH” - Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Trong chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á và quản trị đại dương tại khu vực các biển Đông Á, theo đánh giá của Tiến sĩ Yoo Jin Sook, Thứ trưởng Bộ TN-MT Triều Tiên và nhiều đại biểu khác, những năm qua, các biển Đông Á là khu vực biển rất giàu tài nguyên, có tính đa dạng sinh học cao và nhiều hệ sinh thái biển rất quan trọng, nên nguồn lợi thủy sản ở đây rất phong phú.
Khu vực biển này đã cung cấp sản vật và các lợi ích để phát triển KT-XH cho các quốc gia Đông Á với hơn 2,1 tỷ người sinh sống. Nhưng hiện tại, tài nguyên, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản tại các biển Đông Á ngày càng cạn kiệt, một phần do ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, Biển Đông Á cũng là khu vực chịu nhiều thiên tai và tình hình còn xấu đi do những tác động ngày càng hiện hữu của biến đổi khí hậu. Các đại biểu cho rằng, tất cả những vấn đề trên đòi hỏi cần phải áp dụng ngay một cơ chế trong quản trị đại dương.
Đại biểu thảo luận bên lề hội nghị. |
Cần ngay những giải pháp để quản trị đại dương
Trên thực tế, việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á cũng đã giúp tăng cường sự phối hợp và liên kết giữa các cơ quan của Liên hợp quốc, các cơ chế quản trị khu vực và các chương trình hành động khu vực; khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu và cộng đồng, các thành viên khác thuộc xã hội dân sự. Trên cơ sở đó, đã từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, xác định và xây dựng các cơ hội về đầu tư môi trường và đẩy mạnh các cơ chế tài chính bền vững.
Một thành quả rất lớn của việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á là triển khai thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ biển trên diện rộng, tại nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là một công cụ quan trọng để quản lý, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái biển và vùng bờ biển ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương. Trên cơ sở các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, PEMSEA đã xây dựng các mục tiêu và các chỉ số phát triển bền vững mới, phù hợp với khu vực. Các cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các chính sách quản trị đại dương như thông qua các hội thảo, hội nghị, các diễn đàn, tuyên bố, thỏa thuận, cam kết... đã được sử dụng một cách hiệu quả.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, trong quản trị đại dương, chúng ta có rất nhiều công ước quốc tế có thể dùng làm cơ sở để xây dựng các chính sách, pháp luật để đảm bảo phát triển bền vững, như: Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Công ước đa dạng sinh học (CBD), Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)... Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ chế quốc tế để điều phối, phối hợp các hoạt động quản trị đại dương của các quốc gia như quá trình tham vấn mở của Liên hợp quốc về Đại dương (United Nations Open-ended Informal Consultative Process on Oceans). Được sự trợ giúp của các quốc gia ven biển Đông Á và các tổ chức quốc tế, các nỗ lực điều phối, phối hợp các hoạt động quản trị đại dương của PEMSEA trong những năm qua đã mang lại những thành quả rất to lớn. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á đã giúp các nước trong khu vực tăng cường áp dụng phương thức quản lý tổng hợp đại dương và vùng bờ biển trên quy mô ngày càng rộng lớn. PEMSEA, với tư cách là một khung chức năng đã thúc đẩy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn của các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề về quan hệ sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường xuyên biên giới và mang tính khu vực.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Hiển và nhiều đại biểu thì vấn đề phối hợp quản trị đại dương sẽ đạt hiệu quả nhất nếu được triển khai trên quy mô khu vực. Vì vậy, cần có ngay những giải pháp, cách tiếp cận tổng hợp và phải có cơ chế thích hợp để gắn kết trách nhiệm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác, cũng như thúc đẩy sự tham gia rộng rãi của công chúng. “Tôi cho rằng, giải pháp tiếp cận thích hợp nhất trong quản trị đại dương là quản lý tổng hợp, trong đó có cơ chế điều phối và phối hợp các hoạt động. Trong khuôn khổ của quốc gia, cơ chế điều phối, phối hợp cần được xác lập theo chiều ngang, giữa các bộ, ngành và các cơ quan khác của Nhà nước cùng các tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan tới quản trị đại dương. Song song đó, phải thiết lập cơ chế quản lý theo chiều dọc, từ cơ quan Nhà nước ở trung ương tới các cơ quan Nhà nước ở địa phương và các tổ chức, cá nhân và cộng đồng” - Thứ trưởng Hiển nói.
Công Hạnh