Đại hội biển Đông Á lần thứ 5: Việt Nam quyết tâm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ

Thứ sáu, 20/11/2015 09:36

(Cadn.com.vn) - Khẳng định này đã được TS Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục biển và hải đảo Việt Nam đưa ra trong phiên làm việc thứ 3 Diễn đàn Quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) và Hội thảo thông điệp Việt Nam với chủ đề: “Các thực hành tốt và rào cản trong triển khai ICM tại Việt Nam và hợp tác bảo vệ tài nguyên môi trường biển các biển Đông Á - Lợi ích của chúng ta” trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 (PEMSEA).

TS Vũ Sỹ Tuấn phát biểu tại diễn đàn.

Nhiều địa phương được trang bị kiến thức cơ bản về ICM

Tham gia diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học biển và đại diện các nước có biển trong khu vực Đông Á đã cùng nhau thảo luận những thách thức trong việc thực hiện ICM ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Qua đó, đưa ra các giải pháp để vạch ra lộ trình trong việc nhân rộng các thực hành tốt trong 15 năm tới, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với các mục tiêu khu vực và quốc tế về quản trị biển và vùng bờ.

TS Vũ Sỹ Tuấn nêu rõ: Là một quốc gia thành viên của PEMSEA, suốt hơn 15 năm qua Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á cũng như các chương trình, dự án khác. Trong đó, việc phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (12-2014) thể hiện rất rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc nỗ lực theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ.

Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, Quản lý tổng hợp vùng bờ (ICM) đã được giới thiệu tại Việt Nam thông qua việc thiết lập dự án điểm trình diễn ICM quốc gia tại Đà Nẵng với sự hỗ trợ của PEMSEA cùng 3 điểm thí điểm khác là Nam Định,  TT-Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu. Chương trình này thuộc dự án hợp tác Việt Nam – Hà Lan (ICZM) và dự án NOAA-IUCN-Việt Nam về xây dựng năng lực ICM vùng vịnh Bắc Bộ... Qua theo dõi, các dự án đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết và năng lực về ICM cho Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu tham gia diễn đàn, đến nay, nguồn nhân lực các cấp từ Trung ương đến địa phương đã được đào tạo và trang bị kiến thức cơ bản về ICM. Trong khi đó, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 158 yêu cầu 14 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) để thực hiện ICM và thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI).

Theo đó, các địa phương được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, bao gồm việc phát triển các chính sách và luật biển tổng hợp và tiến hành điều tra cơ bản của Việt Nam, theo dõi và nghiên cứu về biển và vùng bờ. Tính đến nay, một số tỉnh thành ven biển đã đạt được nhiều kết quả về Quản lý tổng hợp vùng bờ như Đà Nẵng, TT-Huế, Quảng Ngãi, Kiên Giang...

TS Vũ Sỹ Tuấn cho hay, trong giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, đó là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong quản lý tổng hợp vùng bờ biển; tăng cường triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương ven biển; đẩy mạnh phối hợp hợp tác với các nước thành viên PEMSEA tăng cường việc chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ biển.

 Các đại biểu gặp gỡ bên lề diễn đàn.

Tăng cường trách nhiệm bảo tồn các nguồn tài nguyên biển

Diễn đàn cũng tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong vùng biển Đông Á thông qua quản lý tổng hợp. Các trình bày tại diễn đàn đã đề cập đến trách nhiệm và đóng góp liên quan đến bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở quy mô toàn cầu và khu vực Đông Á; những thành tựu và tương lai của việc bảo vệ, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.

Bà Nancy Bermans (đại diện PEMSEA) nêu rõ, kinh tế đại dương và vùng bờ có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của địa phương, tiểu vùng và khu vực. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh, đặc biệt ở khu vực vùng bờ đang ảnh hưởng đến thể trạng vùng bờ và hệ sinh thái biển.

Theo tính toán của các chuyên gia, nhà khoa học, khoảng 80-90% lượng nước thải ở khu vực các biển Đông Á đang bị thải ra các sông hồ và bờ biển mà không qua xử lý. Để ngăn chặn sự suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và ô nhiễm môi trường biển, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và môi trường cần được áp dụng không chỉ ở một quốc gia mà ở tất cả các quốc gia có chung đường biển và đại dương. Vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong vùng biển Đông Á, các đại biểu mong muốn tất cả các quốc gia cần nắm chặt tay nhau, hợp tác chặt chẽ, tăng cường trách nhiệm trong bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại vùng biển Đông Á.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển Nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNT Việt Nam cho rằng: Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, mỗi nước thành viên phải tiếp tục điều tra, đánh giá lại hiện trạng nguồn lợi thủy sản để ưu tiên bảo vệ; điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng ngư dân trong khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm của nguồn lợi thủy sản bằng các hoạt động, tuần tra, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính chất hủy diệt; hoàn thiện các khu bảo tồn biển, thiết lập chương trình bảo vệ rùa biển, cá mập và tái tạo, thả giống các loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Công Hạnh