Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam
Đại tướng Trần Đại Quang
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
(Cadn.com.vn) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Người con ưu tú của đất nước và quê hương Quảng Bình, Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà quân sự thiên tài của nhân loại, được nhân dân yêu mến, kính trọng, đánh giá cao, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà tên gọi thân mật là Anh Văn, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với 103 tuổi đời, trên 80 năm liên tục hoạt động cách mạng, Đại tướng suốt đời sống, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, hào hùng, nhưng rất đỗi vẻ vang và tự hào của Đảng và dân tộc, đặc biệt đối với nền khoa học và nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam và nghệ thuật quân sự thế giới. Dù ở bất cứ cương vị nào, Đại tướng luôn đem hết khả năng, trí tuệ và công sức, tận tâm, tận lực cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân, luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết. Cả cuộc đời Đại tướng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ kính yêu và của dân tộc ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên trong Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập tháng 8 năm 1945 và sau đó tiếp tục giữ trọng trách này trong Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập ngày 01-01-1946. Trước những khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo thống nhất tổ chức, nhiệm vụ và bổ sung cán bộ, củng cố lực lượng Công an trong cả nước theo Sắc lệnh số 23-SL, ngày 21-02-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành về thành lập Việt Nam Công an vụ.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và của Đại tướng, lực lượng Công an nhân dân đã đập tan nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của bọn phản cách mạng, đặc biệt đã đập tan âm mưu đảo chính của Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp trong vụ án phản động xảy ra tại phố Ôn Như Hầu, Hà Nội (gọi tắt là vụ án Ôn Như Hầu) trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên Trường |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao những thành tích, chiến công xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân thời kỳ này và chỉ rõ: “Vụ án Ôn Như Hầu đã trấn áp được bọn phản động. Nhưng trong lúc trấn áp vừa diệt được lực lượng chống đối, phá được cuộc đảo chính, lại tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; đoàn kết rộng rãi hơn nữa, kể cả dư luận trong nước cũng như ngoài nước...
Vụ án Ôn Như Hầu là một thành tích tốt, rất tốt của công tác phản gián của ta, của Công an nhân dân. Ý nghĩa của nó không những chỉ dập tắt âm mưu của bọn phản động câu kết với nước ngoài để cướp chính quyền ở Hà Nội – một hành động đảo chính để làm tay sai cho Pháp, mà còn làm cho mọi người, kể cả những người còn mơ hồ thấy rõ bọn nào là bọn phản quốc và chính sách đại đoàn kết của Chính phủ, càng làm cho toàn dân ủng hộ chúng ta, tạo điều kiện cho chúng ta củng cố thêm chính quyền một bước. Tôi đánh giá vụ án đó là một vụ án rất quan trọng. Các đồng chí làm giỏi, sắc bén, có tinh thần trách nhiệm”[1].
Đối với các biện pháp công tác công an, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác nắm tình hình: “Phải điều tra nghiên cứu, nhất định là phải điều tra nghiên cứu trên một tinh thần cảnh giác rất cao, lúc nào cũng phải tích cực tìm ra địch mới đánh đúng địch, mới thực hiện đúng chính sách”[2]. Đối với công tác công an nói chung và công tác phản gián nói riêng, Đại tướng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của biện pháp vận động quần chúng: “Ta không chỉ dùng vũ lực, mà phải vận động, tuyên truyền nhân dân. Khi nó biểu tình, ta cũng có phản biểu tình để tuyên truyền vận động, phân hóa làm cho biểu tình của nó tan. Kiên quyết chuyên chính với phần tử phản động, nhưng chuyên chính đi đôi với đoàn kết. Làm như vậy, chứng tỏ công tác phản gián rất giỏi. Vừa đúng pháp luật, vừa khéo léo, vừa đoàn kết”[3].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng và công tác tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí nhấn mạnh: “Quân đội và Công an là lực lượng trực tiếp đương đầu với kẻ địch, nếu không củng cố nội bộ, không luôn luôn bồi dưỡng kiểm tra nội bộ làm cho nội bộ trong sạch thì không đánh địch được. Chắc các đồng chí cũng thấy, nếu tinh thần cảnh giác tê liệt, ý chí chiến đấu thiếu bền bỉ thì sẽ ảnh hưởng nhiều cho công tác, mà không chắc làm tròn được nhiệm vụ. Đối với Công an, cần củng cố tư tưởng lập trường, nắm vững chính sách, phát triển chính sách mới thu được thắng lợi”[4].
Đại tướng luôn dành cho lực lượng Công an tình cảm sâu lắng, thương yêu, quý mến và căn dặn: “Công an phải lấy Sáu điều Bác Hồ dạy làm kim chỉ nam cho mọi hành động, điều nào cũng tốt, cũng quan trọng, nhưng Bác Hồ sắp xếp điều nào trước, điều nào sau là có lý do và rất ý nghĩa”. Đại tướng nhắc nhở, “báo chí nói chung, báo chí trong Công an nhân dân nói riêng cần tuyên truyền trong nhân dân, giáo dục thanh niên của ta lòng yêu nước. Dù trong hoàn cảnh nào, đất nước khó khăn đến đâu, mọi người Việt Nam đều phải yêu nước, phải tự hào về đất nước mình, dân tộc mình”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của chuyên chính vô sản. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”[5], Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chăm lo, củng cố tình đoàn kết, mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân và khẳng định: “Nhiệm vụ của Quân đội và Công an không thể rời nhau được vì nó đều có mục đích chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trị an cho nhân dân. Trong quá trình công tác, cần củng cố đoàn kết giữa Công an và Quân đội, đó là vấn đề nguyên tắc.
Quân đội chuyên chống kẻ địch bên ngoài, Công an chủ yếu chống kẻ địch bên trong. Hai nhiệm vụ đó không tách rời nhau được và cũng không thể phân chia máy móc”[6]. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã chỉ đạo lực lượng Quân đội nhân dân phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với lực lượng Công an nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự: “Trong 28 năm anh Hoàn phụ trách ngành Công an, giữa tôi và anh Hoàn có sự phối hợp, hiệp đồng rất tốt. Tôi thường trao đổi với anh, Quân đội và Công an là anh em sinh đôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ. Anh Hoàn đã có công rất lớn trong việc xây dựng, lãnh đạo lực lượng Công an làm trọn nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội”[7].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra tuyến biên giới Tây Nam và làm việc với Ty Công an tỉnh Lâm Đồng về công tác đấu tranh chống Fulrô (1979). |
Xác định rõ Công an nhân dân là của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, trong Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo: “Công an là của nhân dân, bảo vệ nhân dân, bảo vệ những thắng lợi của cách mạng. Nên trong mọi công tác, cần hết sức chú ý đoàn kết chặt chẽ với nhân dân. Quân đội ta là quân đội của nhân dân, quân đội ta chiến thắng kẻ địch vì luôn luôn chăm lo đến quyền lợi của nhân dân, được nhân dân ủng hộ. Công an có được thắng lợi cũng do dựa vào nhân dân, tin tưởng ở nhân dân, đoàn kết với nhân dân”[8].
Gần 40 năm sau, trong Bài phát biểu tại Hội thảo về vụ án Ôn Như Hầu, ngày 14-3-1995, Đại tướng tiếp tục khẳng định: “Có Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đó là vinh dự rất to lớn, làm sao các đồng chí công an, trong đó có phản gián phải thật sự là Công an nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng. Bao giờ cũng bảo vệ công lý, chí công vô tư. Mong rằng, Công an nhân dân luôn là của dân, góp phần vào đoàn kết, đại đoàn kết, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân; càng chuyên chính, nhân dân càng đoàn kết, càng ủng hộ Công an. Công an nhân dân của ta sẽ mãi mãi là Công an của nhân dân”[9].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng những ý kiến chỉ đạo của Đại tướng đối với Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự còn nguyên giá trị. Lực lượng Công an nhân dân nguyện tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng; thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các ngành, các cấp giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng về nhân cách vĩ đại, trí tuệ mẫn tiệp, tính cách nhân văn, tấm lòng bao dung, yêu thương con người, biểu tượng cho tình yêu hòa bình, bác ái của nhân dân Việt Nam, mãi mãi để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân kính trọng, học tập, rèn luyện và noi theo. Sự nghiệp, công lao và những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng sống mãi cùng thời gian và trong trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam!
T.Đ.Q
[1] Bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo về vụ án Ôn Như Hầu, ngày 14/3/1995.
[2] Bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956.
[3] [3] Bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo về vụ án Ôn Như Hầu, ngày 14/3/1995.
[4] Bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr, 403.
[6] Bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956.
[7] Những kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 18.
[8] Bài nói chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956.
[9] Bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo về vụ án Ôn Như Hầu, ngày 14/3/1995.