An Xá, những ngày Đại tướng đi xa...

Thứ hai, 07/10/2013 11:27

(Cadn.com.vn) - Sau bão, Lộc Thủy (H. Lệ Thủy, Quảng Bình) chưa kịp gượng dậy, giờ lại tiếp đón hung tin Đại tướng qua đời. Sau những giờ phút chông chênh trước sự mất mát quá lớn, người dân Lộc Thủy, đặc biệt là làng An Xá  không ai bảo ai tự trấn tĩnh lại tinh thần, chủ động dọn vệ sinh thôn xóm để chuẩn bị lo hậu sự cho Đại tướng...

Đón tôi tại ngã ba Cam Liên (Lệ Thủy, Quảng Bình) trưa 5-10, thiếu tá Phạm Hữu Tuấn, Chính trị viên phó Huyện đội Lệ Thủy mắt đỏ hoe: “Sáng nay, lãnh đạo H.Lệ Thủy đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn về công tác chuẩn bị tang lễ cho Đại tướng. Bà con trong huyện, trong tỉnh nghe hung tin tìm về nhà Đại tướng từ sáng đến giờ không ngớt...”. Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Kiến Giang, khi còn là học sinh cấp III Lệ Thủy, thiếu tá Phạm Hữu Tuấn vinh dự 1 lần được diện kiến Đại tướng. Trong anh còn lưu giữ ký ức về sự giản dị, tấm lòng nhân ái, thương dân, lo cho dân của vị Đại tướng tài ba thao lược. Có lẽ, xuất phát từ ảnh hưởng và niềm ngưỡng mộ đối với Đại tướng, anh đã chọn con đường binh nghiệp để dấn thân...

Từ sáng sớm 5-10, nhà Lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại An Xá đã nườm nượp dòng người vào xin được thắp nén tâm hương. Những tiếng nấc nghẹn ngào, những ánh nhìn đau đáu, những vành môi cắn chặt... Vẫn biết cuộc đời là những cuộc sinh ly, tử biệt, vẫn biết ở tuổi đại thượng thọ 103 tuổi của Đại tướng là phúc lớn cho cả dân tộc, thế nhưng, nghe hung tin Đại tướng từ trần, người dân An Xá nói riêng, người dân Quảng Bình nói chung vẫn không tin đó là sự thật...  Sau những phút giây ngồi lặng im bên ghế đá, dưới gốc cây vú sữa đầu ngõ vào nhà Đại tướng, bác Nguyễn Thanh Hoanh, cựu binh Trường Sơn, nghẹn ngào: “Không hiểu sao tối qua tôi không ngủ được. 3 giờ sáng ni đã thức dậy rồi. Theo thói quen, tôi mở mạng ra đọc tin tức thì biết được Đại tướng mất. Tôi bàng hoàng, nước mắt tự nhiên cứ thế mà tuôn trào... Ngồi chờ đến 5 giờ sáng, tôi xách xe máy chạy từ Đồng Hới về đây...”.

Nói đến đây, ông ngước mặt lên trời cao nhìn mông lung. Trời Lộc Thủy ảm đạm. Thân hình cao lớn của người lính Trường Sơn năm xưa chợt rung lên. Ông khóc không thành tiếng. Trong niềm thương tiếc vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng, ông Hoanh cho biết, trong đời binh nghiệp ông vinh dự 3 lần vinh dự được diện kiến Đại tướng. Trong đó, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần gặp Đại tướng tại đèo Phu Lê Zích (Lào) năm 1972: “Lúc đó, Đại tướng đi thăm bộ đội Trường Sơn. Khi đến nơi, người xuống bắt tay từng cán bộ chiến sĩ. Bàn tay của Đại tướng ấm áp vô cùng. Đối với đời người lính, được bắt tay Đại tướng là tôi mãn nguyện lắm rồi...”.

Ông Võ Đại Hàm và chính quyền H. Lệ Thủy chuẩn bị bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
để người dân đến viếng.

Đến sáng 5-10, Lệ Thủy mới có điện lại. Vào thời điểm này, cũng như nhiều người dân khác ở Lệ Thủy đang dọn dẹp lại nhà sau bão, thầy giáo về hưu Nguyễn Văn Bồi (74 tuổi) mới nghe tin dữ. Bỏ dở mọi công việc, ông chạy xe về Lộc Thủy. Run run thắp nén nhang trên bàn thờ Đại tướng, thầy giáo già giọng nghẹn ngào: “Năm 1974, tui được ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Bình phân về dạy tại trường cấp 1, 2 Lộc Thủy.

Tại đây, tui cũng đã vinh dự 3 lần được nhà trường phân công dẫn đoàn học sinh đến chào Bác Giáp. Tài ba thao lược của Bác Giáp thì khỏi phải bàn đến. Với riêng tôi, tôi luôn giữ trong mình về sự giản dị, lòng nhân ái, luôn đau đáu vì đất nước, vì quê hương của Bác Giáp. Mỗi lần về thăm quê, đi đến đâu gặp ai Cụ cũng hỏi. Cụ khuyên bảo người dân phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống, cố gắng giữ nghề chiếu truyền thống của làng An Xá... Cụ dạy trò phải giữ đạo làm trò, thầy phải giữ đạo làm thầy... Vẫn biết sinh ly tử biệt là lẽ thường, là quy luật của cuộc đời, rứa mà răng, nghe hung tin, tim tôi đau nhói như là trong gia đình mình vừa mất đi người trụ cột vậy...”.

Nước mắt lưng tròng, bà Trần Thị Liên (70 tuổi), như không đi nổi khi bước lên bậc tam cấp bước vào nhà, nức nở: “Giờ thì người dân Lộc Thủy không còn được nhìn bác nữa rồi, Bác Giáp ơi!”. Trong đoàn người đến nhà Đại tướng, có những người con xa quê đang sinh sống làm ăn tại TPHCM, Huế...

Bà Trần Thị Liên nức nở gọi “Bác Giáp ơi!”. Ảnh: P.T

Có lẽ, người đau lòng nhưng cũng là người bận rộn nhất chính là ông Võ Đại Hàm (70 tuổi), cháu gọi Đại tướng bằng ông nội chú. Nén nỗi đau xé tâm can, ông tất bật cùng với chính quyền địa phương lo hậu sự cho Đại tướng.  Trên gương mặt thất thần, đôi mắt sâu hoắm của ông, có thể cảm nhận được những  giọt nước mắt khô được ông nén, nuốt vào lòng. Có thể nói, cuộc đời của ông Hàm là cuộc đời gắn liền với ngôi nhà kỷ niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo ông Hàm cho biết, ngôi nhà hiện nay của Đại tướng là ngôi nhà được phục dựng lại gần giống nguyên mẫu ngôi nhà nơi Đại tướng cất tiếng khóc chào đời bị thực dân Pháp thiêu rụi vào năm 1947.

Năm 1977, sau khi ngôi nhà được xây dựng lại, lúc đó ông Hàm tốt nghiệp Trường ĐHBK Hà Nội ngành cơ khí đã ra trường và đi làm việc được 2 năm thì Đại tướng ủy quyền về trông coi ngôi nhà. Không một chút chần chừ, ông Hàm rời Hà Nội về quê và gắn liền với việc trông coi ngôi nhà này từ đó cho đến nay. Mọi vật dụng trong nhà ông thuộc nằm lòng. Theo ông Hàm cho biết, sau khi thực dân Pháp thiêu rụi ngôi nhà, chỉ có duy cây khế nằm bên hông nhà là còn sống sót. Lạ một điều, trải qua nhiều trận bão lớn, nhưng cây khế có tuổi đời trên 100 năm tuổi ấy vẫn không ngã đổ. Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường ra ngồi dưới gốc cây ghế hóng mát. Khi còn khỏe, mỗi lần về quê, Đại tướng tự tay tưới, tỉa cành trong vườn... Khi sức khỏe không cho phép Đại tướng về thăm quê, mỗi lần gọi điện về thăm (đặc biệt là sau bão lũ), sau khi hỏi thăm tình hình bà con làng xóm, Đại tướng không quên hỏi thăm cây khế bên hè có bị sao không”...

Từng dòng người tụ về nhà Lưu niệm Đại tướng.

Tất bật cùng ông Hàm lo hậu sự là Tiểu Ban lễ tang tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp do ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy, làm trưởng ban. Ông Thảo cho biết, Ban Tang lễ Đại tướng chia làm 2 tiểu ban, trong đó, một tiểu ban tại nhà riêng của Đại tướng. Dự kiến có 4 nơi lập bàn thờ Đại tướng để người dân trong huyện và các nơi về viếng,  thắp hương thể hiện tấm lòng tôn kính đối với Đại tướng là: Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN-Hội Cựu chiến binh và Trung tâm Văn hóa huyện...

Trước khi rời nhà Đại tướng trở lại Đà Nẵng, tôi lẳng lặng ra vườn ngước nhìn lên cây khế trên 100 tuổi, chợt phát hiện ra một điều rất lạ. Lá trên cây vẫn xanh nhưng sao không tươi tốt, ủ rũ như đứng chịu tang? Con sông Kiến Giang vốn trong xanh, giờ đục ngầu phù sa. Trên bến sông, người dân làng An Xá đang tụm lại chờ báo tang chính thức từ Trung ương. Ai cũng mong muốn, ước nguyện được đưa linh cữu Đại tướng về yên nghỉ tại quê nhà. Từng đoàn người tiếp tục đổ về quê hương Đại tướng. Có cảm giác như tất cả đang nén nỗi đau thương vào lòng. Trên đường về, tôi nhận được thông tin chính thức do một người bạn báo: Trung ương đã chính thức báo tang. Theo đó, thể theo di nguyện của Cố Đại tướng và cũng của gia đình, ngày 13-10 này, Đất mẹ Quảng Bình sẽ dang rộng vòng tay đón người con yêu quý- vị Đại tướng huyền thoại của Việt Nam, của thế giới - yên giấc ngàn thu...

Phan Thủy