Đắk Lắk khẩn trương dập dịch bạch hầu

Thứ năm, 09/07/2020 07:28

Ngay sau khi phát hiện ca bệnh bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, ngành Y tế Đắk Lắk đang phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng, không để lây ra cộng đồng.

Nhân viên y tế điều tra dịch tễ tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Bé 9 tháng tuổi mắc viêm não Nhật Bản B

Sáng 8-7, BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết đang điều trị tích cực cho một bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản B khi chưa đến độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh.

Bệnh nhân là bé N.P.Đ.V., sinh tháng 10-2019, ở thôn 9, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 28-6, bé bị sốt, gia đình nghĩ bé bị sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Đến chiều 30-6, bé sốt co giật và được người thân đưa vào nhập viện tại BVĐK khu vực 333 (huyện Ea Kar) với chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân. Sau đó, bé tiếp tục được chuyển lên điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên. Sau khi thăm khám, chẩn đoán bé bị viêm não- màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết và lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh. Kết quả sau đó khẳng định bé dương tính với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản B.

P.V

Ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong ngày 8-7, ngành Y tế Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương phun hóa chất diệt khuẩn tại nhà ca bệnh và các hộ lân cận, xử lý môi trường toàn bộ khu vực buôn Diêo; khoanh vùng cách ly, lập 3 chốt chặn kiểm soát, hạn chế người dân đi vào vùng có dịch. Đồng thời, ngành điều tra lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh và những trường hợp có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp; tổ chức cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân trong buôn; tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại trường học và cộng đồng.

Bên cạnh đó, chính quyền xã Bông Krang lập một số chốt chặn trên các tuyến đường, kiểm soát người ra, vào tại khu vực. Ông Võ Ngọc Tuyên - Bí thư huyện Lắk - cho biết: "Sau khi huyện phát hiện ca nhiễm bạch hầu đầu tiên, sáng nay Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk đã đến địa bàn có người nhiễm bệnh khử trùng, làm vệ sinh và tiêm phòng cho bà con. Công an huyện thông báo, người bị nhiễm bệnh chỉ di chuyển loanh quanh trong buôn và không đi đâu xa".

Trong khi đó, ông Tô Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lắk cũng cho biết, huyện đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó nâng cao ý thức phòng bệnh. Đối với buôn Diêo - nơi xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, huyện sẽ tăng cường lực lượng làm tốt công tác khoanh vùng cách ly và đảm bảo nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân trong thời gian cách ly để ổn định đời sống nhân dân.

Cùng với xử lý ổ dịch tại huyện Lắk, ngành Y tế Đắk Lắk còn triển khai đồng loạt các giải pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh. Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành Y tế tăng cường giám sát không chỉ ở những xã có ca bệnh, mà đặc biệt chú ý những vùng có nguy cơ cao. Đó là những "vùng lõm" trong tiêm chủng, những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, khó vận động đi tiêm chủng.

Để chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong, Sở Y tế Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng phương án tổ chức phân luồng, khám sàng lọc các trường hợp có triệu chứng viêm họng cấp, đến khám và điều trị tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, kịp thời xử lý ổ bệnh đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.

Trước đó, chiều 7-7, Đắk Lắk ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên là bệnh nhân  H.B.J (nữ, sinh năm 1968, trú tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk). Bệnh khởi phát ngày 4-7 với các triệu chứng sốt, đau họng, nuốt khó. Ca nhiễm đầu tiên ở Đắk Lắk khiến dịch bệnh càng diễn biến phức tạp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

T.A

>> Tây Nguyên xử lý khẩn cấp các ổ dịch bạch hầu

>> Bùng phát bệnh bạch hầu tại Gia Lai: Ban hành công văn hỏa tốc phòng, chống dịch

>> Gia Lai bùng phát dịch bạch hầu, một bệnh nhi tử vong