Đảm bảo tối ưu quyền lợi của người dân trong lĩnh vực đất đai

Thứ ba, 01/07/2014 10:48

(Cadn.com.vn) - Kể từ hôm nay (1-7), Luật Đất đai 2013 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật Đất đai năm 2003. Đây có thể nói là đạo luật quan trọng về lĩnh vực đất đai được sửa đổi, bổ sung, tạo cơ sở để Chính phủ ban hành những văn bản dưới luật hướng dẫn Luật Đất đai. Ngày 15-5-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (gồm 10 chương, 103 Điều) quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ hôm nay.

Lĩnh vực đất đai luôn được mọi tầng lớp nhân dân quan tâm.

Đất đai là một trong những lĩnh vực rất quan trọng của đất nước nói chung và của mỗi cá nhân, tổ chức nói riêng, nhưng lĩnh vực này cũng không kém phần phức tạp và có sự biến động về văn bản pháp luật điều chỉnh qua từng thời kỳ. Luật Đất đai 2013 cũng như Nghị định số 43 (NĐ 43) chính thức có hiệu lực là một bước phát triển mới và rất cần thiết trong lĩnh vực pháp luật về đất đai trên tinh thần Hiến pháp mới.

NĐ 43 điều chỉnh những vấn đề điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (GCNQSHN) và quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (QSDĐ&TS), trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận, quản lý Nhà nước về đất đai, xử lý vi phạm... Có thể nói đây là những nội dung rất quan trọng liên quan đến đất đai và đặc biệt hơn nữa NĐ 43 thay thế hàng loạt những nghị định khác của Chính phủ thường được sử dụng trước đây: Nghị định số 181/2004/NĐ-CP (ngày 29-10-2004) về thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 17/2006/NĐ-CP (ngày 27-1-2006) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP (ngày 25-5-2007) quy định bổ sung về việc cấp GCNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP (ngày 13-8-2009) quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Nghị định số 88/2009/NĐ-CP (ngày 19-10-2009) về GCNQSDĐ, QSHN và tài sản khác gắn liền với đất.

Có thể thấy NĐ 43 là bước tiến bộ đáng kể trong công tác hệ thống hóa các quy định của pháp luật về đất đai của nước ta. Từ việc phải ban hành, áp dụng hàng loạt nghị định hướng dẫn về những lĩnh vực nhạy cảm của đất đai, như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất; thu tiền sử dụng đất; thậm chí Nghị định sau lại sửa đổi, bổ sung rất nhiều điều khoản trong mỗi nghị định cũ nói trên. Thì đến nay chúng ta đã quy về tập trung vào một đầu mối là NĐ 43. Điều này thể hiện sự khoa học, hợp lý trong tiến trình xây dựng, thiết kế văn bản pháp luật và cũng tạo điều kiện thuận tiện cho mọi tầng lớp nội dung trong việc nghiên cứu, theo dõi, tìm hiểu pháp luật về đất đai.

Cũng liên quan đến lĩnh vực đất đai, ngoài NĐ 43, ngày 15-5-2014, Chính phủ còn ban hành 2 Nghị định quan trọng khác và cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Đó là Nghị định số 44/2014/NĐ-CP (NĐ 44) quy định về giá đất và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (NĐ 47) quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

NĐ 44 chính thức thay thế Nghị định số 188/2004/NĐ-CP (ngày 16-11-2004) về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất và Nghị định số 123/2007/NĐ-CP (ngày 27-7-2007)  sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 188/2004/NĐ-CP; bãi bỏ nội dung về giá đất quy định tại Khoản 6, Điều 1. Nghị định số 189/2013/NĐ-CP (ngày 20-11-2013) sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (ngày 18-7-2011) về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Còn NĐ 47 thay thế Nghị định số 197/2004/NĐ-CP (ngày 3-12-2004) của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thạc sĩ Thái Văn Đoàn
(VKSND TP Đà Nẵng)