Đám cưới đặc biệt của một nữ Liệt sĩ!

Thứ sáu, 29/07/2022 20:33
Những ngày tháng Bảy này, đến xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), nghe câu chuyện về một đám cưới rất đặc biệt của hai dân công hỏa tuyến đã ngã xuống cùng lời hẹn ước nên nghĩa vợ chồng từ nửa thế kỷ trước khiến ai cũng vô cùng xúc động. Đám cưới được tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sĩ với sự chứng kiến của hai bên gia đình, dòng họ. Tâm nguyện của hai công dân hỏa tuyến muốn được bên nhau trọn đời, trọn kiếp từ nửa thế kỷ trước đã được hai bên gia đình hoàn thành.
Ông Nguyễn Hữu Tường cất giữ cẩn thận những giấy tờ của chị gái - Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn.
Đám cưới đặc biệt được tổ chức ngay bên phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn và anh Đặng Văn Cự tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Đồng Hới (Quảng Bình).

Lời hẹn ước dang dở

Chuyện tình đẹp như trong cổ tích của Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn và dân công hỏa tuyến Đặng Văn Cự được tái hiện qua lời kể của ông Nguyễn Hữu Tường – em trai Liệt sĩ Diễn.

Theo lời kể của ông Tường, Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn (1947), quê ở xã Nam Sơn, H.Đô Lương là người con gái đẹp người, đẹp nết, bắn súng và ném lựu đạn rất giỏi. Năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, chị của ông cùng lớp lớp thanh niên tham gia vào dân công hỏa tuyến của địa phương. Chị và đồng đội đã có mặt khắp các trọng điểm đánh phá ác liệt tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Trước yêu cầu của chiến trường, chị Diễn được bổ sung cho Công ty Đường sắt 769, vào xây dựng tuyến đường sắt vận tải, đoạn qua huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Thời gian sau, ông Nguyễn Hữu Tường cũng gia nhập quân ngũ, thuộc biên chế lực lượng Công an vũ trang tỉnh Nghệ An (Bộ đội Biên phòng ngày nay). Cuối năm 1972, ông Tường bất ngờ được thủ trưởng thông báo cho về phép để giải quyết việc gia đình. Linh tính có điều không lành, ông đi bộ một mạch xuyên đêm hơn 20 cây số để về nhà với tâm trạng nôn nóng. "Rạng sáng hôm đó, tôi về đến nhà thì thấy mẹ đang ngồi khóc, tờ Giấy báo tử để trên bàn. Giấy báo tử ghi chị Diễn là tử sĩ, mất trên sông Đò Vàng, thuộc địa bàn xã Tuyên Hóa ngày 29-12-1972, nhằm 24-11 âm lịch. Lo xong việc gia đình, tôi trở lại đơn vị. Sau này, tôi tình cờ đọc được bức thư chị gái gửi về cho mẹ, trong đó ngoài hỏi thăm sức khỏe gia đình, chị có nhắc đến chuyện có tình cảm với anh Đặng Văn Cự, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Chị tôi cho hay, đã dồn phép 4 năm qua để qua Tết sẽ về thăm mẹ, báo cáo gia đình 2 bên, xin phép tổ chức đám cưới. Ước nguyện đó đã dang dở khi cả chị và anh đều hy sinh sau đó” – ông Tường nghẹn ngào nhớ lại. Cũng theo ông Tường, vì nhiều nguyên nhân, lá thư của chị gái đã bị thất lạc.

Hòa bình lập lại, trong quá trình đi tìm mộ chị gái, ông Tường được ông Nguyễn Phong Vũ (trú huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) kể lại rằng, chị Diễn và anh Cự yêu nhau cả đơn vị, người dân trong làng đều biết. Hai người có ý định qua Tết năm đó sẽ tổ chức đám cưới. Nào ngờ… Đơn vị và nhân dân đã an táng hai người nằm cạnh nhau ở bên sông Đò Vàng. Sau đó, phần mộ của chị ông và anh Cự được cất bốc, đưa về Nghĩa trang liệt sĩ TP Đồng Hới an táng cạnh nhau.

Năm 1994, nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều ngành chức năng, ông Tường tìm được phần mộ của chị gái. Tổng hợp các thông tin, ông Tường làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho chị mình. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký quyết định công nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn.

Ông Nguyễn Hữu Tường cất giữ cẩn thận những giấy tờ của chị gái - Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn.

Kết đẹp của một tình yêu đẹp

Lời hẹn ước dở dang của Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn và anh Đặng Văn Cự năm xưa đã trở thành nỗi trăn trở, day dứt trong tâm khảm người thân hai bên gia đình. Ông Tường cho hay, gia đình mình cũng đã nhiều lần vào Đồng Hới xin đưa phần mộ chị gái về quê, nhưng mỗi lần khất âm dương xin đều không được nên gia đình quyết định để chị yên nghỉ cùng người yêu và đồng đội tại đây. Sau khi kết nối được với người thân của anh Đặng Văn Cự, hai bên gia đình, họ hàng đã đi đến quyết định tổ chức đám cưới, hoàn thành ước nguyện dang dở của hai anh chị. Và một đám cưới vô cùng đặc biệt đã diễn ra mà không có sự hiện diện của cô dâu và chú rể.

Đó là ngày 3-4-2022, đoàn nhà trai từ Bắc Giang mang theo sính lễ vào Nghệ An hỏi cưới. Phần nghi lễ được thực hiện theo đúng nghi thức và phong tục truyền thống của một đám cưới bình thường chỉ có điều không có sự hiện diện của cô dâu, chú rể. Sau khi tổ chức xong phần nghi lễ, hai họ đi vào Quảng Bình để cử hành hôn lễ cho anh Cự và chị Diễn. Đám cưới đặc biệt diễn ra với sự góp mặt của hai bên gia đình cùng sự chứng kiến của những người đã chăm sóc phần mộ của anh, chị suốt những năm qua.

“Sau khi thắp hương tại Đài tưởng niệm Liệt sĩ của Nghĩa trang, hai gia đình tổ chức lễ cưới cho anh, chị. Trong lúc tổ chức, một con bướm trắng bay tới đậu trên bó hoa nơi mộ chị tôi, còn phía bên phần mộ anh Cự, chân hương bỗng cháy bùng lên; sau đó chân hương ở Đài tưởng niệm Liệt sĩ của nghĩa trang cũng rực cháy. Có lẽ, hương hồn chị Diễn, anh Cự cùng hương linh các liệt sĩ đã về chứng giám cho một đám cưới đặc biệt, để tình yêu của anh chị hòa vào tình yêu của đất nước. Kể từ giây phút đó, anh chị đã chính thức trở thành vợ chồng, trọn đời trọn kiếp bên nhau", ông Nguyễn Hữu Tường rưng rưng nhớ lại.

Sau khi tổ chức lễ cưới, gia đình nhà gái ra quê Bắc Giang để chứng kiến nghi lễ ghi tên vào gia phả. Kể từ thời điểm đó, dòng họ Đặng có thêm tên người con dâu là Liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Do giấy báo tử bị thất lạc, phần mộ mới tìm thấy, nên đến nay, anh Đặng Văn Cự chưa được công nhận là liệt sĩ. Hiện, gia đình đang hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan chức năng công nhận liệt sĩ cho anh Đặng Văn Cự.

Dương Hóa