Dầm mình trong mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân

Thứ hai, 18/10/2021 12:49

Sau những trận mưa lớn và liên tục cuối tuần qua, địa bàn các tỉnh miền Trung xuất hiện hàng loạt điểm sạt lở đất và ngập lụt. Công an các tỉnh, thành đã cử hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ có mặt các tuyến trọng yếu để chốt trực, giúp dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Công an huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên- Huế) dầm mưa điều tiết, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn qua vùng ngập lụt.

Tại Quảng Nam, nhiều tuyến đường lên các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Trà My... bị ách tắc, tê liệt giao thông. Công an huyện Nam Trà My đã phối hợp với lực lượng Quân đội, Dân quân tổ chức sơ tán 147 hộ/605 khẩu có nguy cơ sạt lở về vị trí an toàn. Trong đó, xã Trà Cang 15 hộ/65 khẩu; Trà Leng 100 hộ/394 khẩu; Trà Nam 15 hộ/79 khẩu; Trà Tập 14 hộ/55 khẩu; Trà Mai 2 hộ/8 khẩu và Trà Linh 1 hộ/4 khẩu. Tại H. Phước Sơn, nhiều ngầm tràn, cầu dân sinh đi qua địa bàn các xã đã bị lũ ngập sâu, cuốn trôi. Lũ dâng cao, một số khu tái định cư đang bị cô lập. Công an huyện Phước Sơn đã cử lực lượng phối hợp với Công an xã Phước Thành đến từng thôn để kiểm tra tình trạng sạt lở, vận động người dân nhanh chóng sơ tán đến nơi toàn.

"Mưa lớn khiến khu vực đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn huyện có nguy cơ sạt lở cao, trong khi đó bà con từ các tỉnh phía Nam về quê vẫn đang tiếp tục hành trình. Vì vậy chúng tôi chỉ đạo lực lượng trực chốt đèo Lò Xo nỗ lực, đón, hỗ trợ đưa mọi người đi lại an toàn", Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn- Trưởng Công an huyện Phước Sơn chia sẻ. Tại H. Tây Giang, chính quyền địa phương cùng lực lượng Công an huyện, xã sơ tán đã triển khai sơ tán hàng chục hộ dân tại các điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở tại xã A Vương và xã Dang.

Trước tình hình mưa lớn và liên tục, nhận được chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an các huyện Ba Tơ, Tây Trà, Sơn Hà, Minh Long của Quảng Ngãi  tổ chức kiểm tra, đóng biển báo và cắt cử lực lượng trực tại các tuyến đường thường xảy ra sạt lở, ngầm, tràn nguy hiểm. Trong khi đó, Công an huyện Bình Sơn phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng tổ chức đến xã Bình Châu, nơi có khoảng 1.000 hộ dân ở các khu vực nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng để khảo sát, sẵn sàng phương án di dời dân đến nơi tránh trú an toàn. Trong ngày, 17-10, ảnh hưởng của lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã làm 75 ngôi nhà của 5 xã huyện Bình Sơn bị tốc mái từ 25- 100%.  Công an huyện Bình Sơn đã huy động lực lượng cùng Công an các xã Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Đông, Bình Nguyên và Bình Khương tham gia hỗ trợ người dân khắc phục, sửa chữa lại nhà cửa.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, đoạn QL1A qua các xã Lộc Trì, Lộc Điền (huyện Phúc Lộc nước lũ ngập từ 0,3 đến 0,5m. Hàng chục CBCS Công an huyện Phú Lộc đã túc trực để hướng dẫn phương tiện lưu thông qua các đoạn ngập lũ. Thiếu tá Huỳnh Tuế- Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Phú Lộc cho biết, trong ngày 17-10, lượng phương tiện (phần lớn là xe chở hàng hóa Bắc-Nam) lưu thông qua địa bàn tăng cao so với những ngày trước đó. Vì vậy, lực lượng CSGT huyện đã túc trực 24/24 để hướng dẫn, điều hòa giao thông, ra tín hiệu giúp các phương tiện lưu thông qua vùng ngập lụt được an toàn. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn tiếp tục về quê bằng xe máy nên chính quyền H. Phú Lộc đã sát cánh chia sẻ, giúp đỡ người dân qua vùng ngập lụt an toàn. Các "Siêu thị 0 đồng" ở cửa ngõ phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn duy trì hoạt động 24/24 để phục vụ người dân trên đường về quê.

Mưa to cũng khiến nhiều đoạn Quốc lộ 1A đoạn qua các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình ngập sâu. Một số địa phương bị nước lũ chia cắt cục bộ, 10 ngầm tràn và số đoạn đường ở địa bàn xung yếu bị ngập…  Công an huyện Bố Trạch đã cử lực lượng chốt chặn tại các ngầm tràn, đoạn đường hiểm yếu, di dời người dân vùng nguy hiểm, sạt lở đến nơi an toàn. Đến trưa ngày 17-10, lực lượng Công an phối hợp sơ tán 36 hộ dân sống tại đồi Hạ Vàng và 6 hộ dân ở dọc đường đi xã Liên Trạch (thị trấn Phong Nha); các hộ dân ở thôn Thanh Bình 3, Khương Hà 3, Thanh Hưng 1 (xã Hưng Trạch); 15 hộ dân thôn 9 sống xung quanh khu vực kè Vực Sanh của sông Ngọn Rào (xã Xuân Trạch).  Trên địa bàn Bố Trạch hiện có 22 người đi rừng tại xã Hưng Trạch chưa về nhà; 11 cán bộ nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ ở 4 Trạm thuộc Hạt kiểm lâm Bố Trạch. Công an huyện đang phối hợp người nhà tiếp tục liên lạc và thông báo cho những người này tìm nơi tránh trú an toàn hoặc tìm cách để về nhà và sơ tán 11 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ đến nơi an toàn.   

Lực lượng Công an đưa lương thực thực phẩm vào địa bàn phong tỏa phòng chống dịch bị cô lập do lũ.  

Tại huyện vùng cao Minh Hóa, "rốn lũ" Tân Hóa, nước lũ dâng cao làm ngầm Bến Seeng ngập hơn 1m, chia cắt thôn 4 và thôn 5 của xã. Tại xã Thượng Hóa, đường vào 3 bản đồng bào Rục, nước đã ngập sâu hơn 1m, dài khoảng 3km tại Hung Trâu. Tại 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, các ngầm Ka Ai, Ka Định, Hà Nông, Co Pi cũng đã ngập sâu hơn 1m, chia cắt tạm thời 11 bản với 900 hộ dân. Công an huyện phối hợp với công trường Thủy điện La Trọng tiến hành di dời 25 công nhân tại 2 lán trại đến khu vực an toàn, trước nguy cơ sạt lở có thể xảy ra; phối hợp với quân sự huyện điều động ca nô, lực lượng đến các khu vực xung yếu như bến đò đi xã Minh Hóa, xã Tân Hóa để túc trực, ứng cứu khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Lượng nước từ thượng nguồn đổ về cũng khiến cho các vùng ven Quốc lộ 1A của Hà Tĩnh ngập sâu. Nhiều tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn qua 2 tổ dân phố  Hưng Bình và Hưng Thịnh (P. Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh) ngập từ 50-70cm; tuyến đường cầu Đò bị ngập băng chia cắt giao thông. Công an thị xã Kỳ Anh đã chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp, vùng thường xuyên có hiện tượng sạt lở núi như phường Kỳ Thịnh, xã Kỳ Hoa, xã Kỳ Lợi…

Sau những tháng ngày dài căng mình phòng chống dịch và hỗ trợ, đưa đón người dân các tỉnh phía Bắc về quê tránh dịch, lực lượng Công an các tỉnh, thành  miền Trung lại tiếp tục lao vào nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân bị uy hiếp bởi mưa lũ. Hình ảnh những cán bộ chiến sĩ Công an dầm mình trong nước lũ, đội mưa làm cọc tiêu sống cho người và phương tiện qua lại, vượt núi trèo đèo đưa người dân ra khỏi vùng sạt lở hoặc vượt lũ mang lương thực, thực phẩm tiếp tế cho người dân các vùng phong tỏa bị cô lập… một lần nữa lan tỏa hình ảnh sinh động về lực lượng Công an nhân dân vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi khi nhân dân cần…

T.S- H.N