Dân bức xúc do ô nhiễm tại khu KTM Chu Lai

Thứ năm, 07/11/2013 14:05

(Cadn.com.vn) - Tối 31-10, ô-tô tải ben của Cty CP thương mại vận tải Bắc Giang (Cty BG) chở bột than đen (carbon đen) từ Nhà máy kính nổi Chu Lai (Khu KTM Chu Lai, H. Núi Thành, Quảng Nam) đến Cảng Kỳ Hà. Trong quá trình vận chuyển đã làm rơi vãi bột than đen bay vào nhà dân (đoạn qua thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, H. Núi Thành), gây mùi hôi khét khó chịu.

Nhà ở sát QL1A (đoạn qua thôn Nam Sơn) bị bụi than bay vào nhà đen kịt, anh Lê Văn Ba bức xúc: “7 giờ 30, tôi đang ở trong nhà thì ngửi có mùi hôi khét, quan sát thấy nền hiên nhà phủ một lớp bột đen. Thấy vậy, tôi cùng nhiều hộ dân ra ngoài đường kiểm tra thì phát hiện dọc bên đường vương vãi nhiều bụi đen. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết số bột đen trên xuất phát từ Cty CP Kính nổi Chu Lai”.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân đã điện báo chính quyền địa phương và CAH Núi Thành phối hợp với CAX Tam Hiệp đến hiện trường ghi nhận sự việc và lập biên bản yêu cầu đơn vị vận chuyển phải thu gom, dọn sạch sẽ.

Người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tại Khu KTM Chu Lai.

Ông Đỗ Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Cty CP Kính nổi Chu Lai cho biết: “Cty chúng tôi có hợp đồng Cty BG vận chuyển bột carbon đen đến cảng Kỳ Hà để xuất. Trong quá trình chuyển chở, một ô-tô tải bị bung chốt bửng phía sau xe làm chảy một ít bột carbon đen xuống đường. Ngay sau khi phát hiện sự cố trên, tài xế đã dừng xe, khắc phục. Đồng thời, Cty cũng sử dụng xe phun nước rửa đường ngay sau đó để không làm ảnh hưởng đến người dân. Chúng tôi đã kiến nghị đơn vị vận chuyển phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong lúc chuyển chở bột than đen khi rời khỏi nhà máy”.

Không chỉ sự cố bột than đen “tấn công”, người dân địa phương cũng phản ánh việc các nhà máy tại Khu KTM Chu Lai thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trong đó nhiều người cho rằng nhà máy kính nổi hoạt động có thải ra mùi khét rất khó chịu. Về việc này, ông Đỗ Tuấn Việt giải thích: “Do người dân hiểu nhầm nên cho rằng trước đây nhà máy dùng dầu để sản xuất kính nên không có mùi, nhưng sau này Cty dùng lốp cao su để đốt làm kính nên khói thải ra hôi khét là không đúng. Quy trình sử dụng lốp cao su để sản xuất kính của Cty không phải như người dân phản ánh.

Theo quy trình, Cty mua lốp cao su cũ về chế biến theo công nghệ nhiệt phân khép kín tuyệt đối để cho ra sản phẩm dầu Fo-R, Cty dùng dầu Fo-R này sản xuất kính thay cho dầu thông thường như trước đây. Công nghệ tái chế dầu từ lốp xe cao su đã phát triển mạnh trên thế giới, trong đó lốp cao su được đưa tự động vào lò quay kín, được nhiệt phân ở nhiệt độ thấp.

Nguyên liệu được gia nhiệt gián tiếp trong hệ lò quay nhiệt phân kín, áp suất thấp (không đốt cháy nguyên liệu trực tiếp), quá trình được cấp nhiệt bằng lò đốt hai cấp tự động theo chương trình, đảm bảo nhiệt độ trong lò quay đạt từ 180- 2500C. 90% lượng nhiệt cung cấp sẽ được hấp thụ vào nguyên liệu, 10% lượng nhiệt được làm nguội thoát qua đường ống khói và được xử lý trước khi ra môi trường bên ngoài. Với nguyên liệu đầu vào là rác cao su, cao su phế liệu thì hiệu suất sản xuất của các sản phẩm chính và phụ thu được là: dầu cao su 40%, carbon đen 40%, dầu nặng 1% và khí gas 19%.

Đơn vị vận chuyển khắc phục sự cố rơi vãi bụi than trên tuyến QL1A (đoạn qua thôn Nam Sơn).

Tuy nhiên, ông Lê Chí, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho rằng: “Người dân phản ánh việc ô nhiễm tại Khu KTM Chu Lai là đúng. Riêng nhà máy Kính nổi Chu Lai, khi cán bộ xã và người dân được mời vào kiểm tra thực tế thì thấy dây chuyền làm cao su được khép kín, đảm bảo. Nhưng hiện tại mùi khét tại Khu KTM như phản ảnh của người dân là có. Vì vậy, xã đề nghị các cơ quan cấp trên xem xét, đánh giá lại môi trường hiện nay tại Khu KTM Chu Lai ở mức độ nào để công bố cho người dân yên tâm”.

Trước đó Sở Y tế Quảng Nam cho biết đang tìm hiểu nguyên nhân số người mắc bệnh ung thư tăng đột biến trong thời gian ngắn tại xã Tam Hiệp. Theo báo cáo mới nhất của Trạm Y tế xã Tam Hiệp, từ năm 2010 đến nay có gần 50 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ung thư đã tử vong. Cụ thể, năm 2010 có 14 ca ung thư; năm 2011 có 11 ca ung thư; năm 2012 có 13 ca ung thư và từ đầu năm 2013 đến nay có 10 ca ung thư.

Bài ảnh: Bão Bình