Dân ca ví, giặm – niềm tự hào của văn hóa Hồng Lam

Thứ năm, 14/09/2017 09:23

Tối 10-9 vừa qua, tại Hà Tĩnh và Nghệ An diễn ra cầu truyền hình trực tiếp Chương trình nghệ thuật "Đôi bờ  ví, giặm". Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị tiêu biểu của các thể hát,  trò diễn xướng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, chương trình nghệ thuật "Đôi bờ ví, giặm" là dịp để các đơn vị, câu lạc bộ dân ca ví, giặm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh gặp gỡ, giao lưu. Những điệu hò câu ví mộc mạc, sâu lắng, thiết tha đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, gợi lên những ấn tượng sâu sắc nhất về quê hương và con người Nghệ Tĩnh.

Biểu diễn hát ví, giặm bên bờ sông Lam.

Theo dòng chảy ngàn năm của thời gian và lịch sử, người dân Nghệ Tĩnh đã sáng tạo, lưu giữ được một nền văn hoá dân gian phong phú, đa dạng, tiêu biểu là dân ca ví, giặm - loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc. Năm 2014,  dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Được ví như ở giữa hai đầu đòn gánh của đất nước, Nghệ An và Hà Tĩnh là mảnh đất có khí hậu khắc nghiệt, kinh tế - xã hội đang thời kỳ phát triển, cuộc sống người dân các vùng miền còn nhiều khó khăn. Nhưng trong đó, vẫn sáng lên niềm tự hào về kho tàng dân ca ví, giặm được cả thế giới tôn vinh. Có thể khẳng định, vùng "núi Hồng, sông Lam", mạch nguồn dân ca ví, giặm đã, đang và sẽ chảy mãi không ngừng, như câu ca: Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/Sông Lam hết nước/Thì đó với đây mới hết tình...

Ngày nay, dân ca Ví, Giặm đã sánh ngang với Đờn ca tài tử, Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc Cung đình Huế, hát Xoan, Quan họ Bắc Ninh; Non nước Lam Hồng đã là trung tâm kết nối của con đường di sản quốc gia. Từ dân ca ví, giặm, từ sự thủy chung "gừng cay muối mặn", chắc chắn đất quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh lại gọi thêm nhiều bạn nữa về thăm, người Hồng Lam lại thêm tự hào để chung sức, đồng lòng đưa điệu Dân ca ví, giặm bay xa...Không biết chính xác dân ca ví, giặm có từ bao giờ chỉ biết rằng điệu hát này xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Vì vậy, đặc trưng của dân ca ví, giặm là gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt đời thường của người dân các vùng miền, thể hiện qua tên gọi làn điệu như ví phường rèn, ví đò đưa, ví phường củi cỏ, giặm Đức Sơn, giặm kể, giặm ru, giặm khuyên... Người dân xứ Nghệ vừa đi cấy, dệt cửi, trèo non, chèo đò, ru con, kéo lưới... vừa hát, tiếng hát gắn liền với động tác, hài hòa uyển chuyển, nhịp nhàng. Không cần nhạc đệm, không cần chuẩn bị về trang phục hay không gian, thời gian... không chỉ hát theo bài bản, lề lối có sẵn mà phải vừa hát vừa sáng tác, vừa đối phó với những tình huống xảy ra liên tục từ đầu cho đến cuối cuộc hát. Không gian diễn xướng của loại hình này cũng đa dạng, không chỉ phục vụ các lễ hội, những sự kiện của làng mà xưa kia hát ví, giặm diễn ra tại khắp mọi nơi như khi đang làm đồng, khi chèo thuyền đánh cá, khi dệt vải... Những năm gần đây, ví giặm mới được đưa lên sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp để biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn của đất nước.

Sở dĩ có tên ghép dân ca ví, giặm là bởi vì hai lối hát này thường được hát xen kẽ cùng nhau. Hát ví là hát tự do không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ. Ví thuộc thể ngâm vĩnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...). Tính biểu cảm của hát ví tùy vào môi trường hoàn cảnh, không gian thời gian và tâm tính của người hát. Âm vực của ví thường không quá một quãng 8. Tình điệu ví nghe trang trải mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ. Hát ví hát giao duyên nam nữ được phổ biến vùng Nghệ Tĩnh, các thể kỷ trước dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái. Vào các đêm trăng sáng thường đi ngắm trăng. Hát theo lối tường thuật ngẫu hứng một câu chuyện nào đó trong quá trình lao động và nông nhàn, trong lối sống thường nhật lâu dần được dân gian hóa. Dặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ/ vè 5 chữ). Khác với ví, dặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại. Thông thường một bài dặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ (không kể phụ âm đệm). Tuy vậy, cũng có những bài dặm/ vè không phân khổ rõ ràng, mà cứ hát một lèo, có khi đến hàng chục hàng trăm câu, và mỗi câu cũng không nhất nhất 5 chữ mà có thể 4 hoặc 6, 7 chữ (do lời thơ biến thể). Dặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể khuyên răn, phân trần bày giải. Cũng có loại dặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả dặm trữ tình giao duyên. Hát dặm là một thể loại hát nói bằng thơ ngụ ngôn. Âm nhạc đi theo thường là phách. Có các tiết tấu phách mạnh, phách nhẹ, những nhịp trong và ngoài. Các thể loại này rất giàu tính tự sự, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày...thuộc dạng thể thơ năm chữ, cách gieo vần, ngắt nhịp,...

Trong tương lai, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ mãi tồn tại và phát triển như màu xanh trường cửu của dòng sông, của cây lúa, của bờ tre che mát đường làng để rồi kết thành một chùm hoa đầy hương sắc trong nền văn hóa dân gian Việt Nam.

T.Q