Đan Mạch cải tạo chiến binh thánh chiến

Thứ sáu, 31/10/2014 10:28

(Cadn.com.vn) - Đan Mạch vừa đưa ra chương trình gây tranh cãi: cải tạo các phần tử thánh chiến trở về nước từ Syria mà không nhất thiết phải bỏ tù họ. Theo đó, bất kỳ tay súng chiến đấu nào trở về nước đều được giúp đỡ nhận được công việc, một ngôi nhà, một nền giáo dục, được tư vấn tâm lý - giống như bất kỳ công dân Đan Mạch nào khác.

Khi Omar rời nhà vào năm 2013, ai cũng nghĩ anh sẽ đến giúp đỡ cho một trại tị nạn nào đó trong cuộc nội chiến tàn bạo ở Syria. Nhưng sinh viên Đan Mạch này không thực hiện sứ mệnh nhân đạo, anh gia nhập lữ đoàn chiến đấu thánh chiến nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Nhưng Omar - cái tên đã được thay đổi nhằm che giấu danh tính - nhanh chóng nhận ra, những gì anh nhìn thấy trên chiến trường khác hẳn những suy nghĩ ban đầu. Chán ngấy với những đấu đá nội bộ, anh quyết định trở về.

Rất nhiều người phương Tây tham gia chiến đấu cho IS. Ảnh: Jihadwatch.org

Tỷ lệ chiến binh thánh chiến cao nhất Châu Âu

Năm 2013, một ủy ban của LHQ  tuyên bố Đan Mạch là nơi sinh sống hạnh phúc nhất trên thế giới. Nhưng quốc gia Scandinavian giàu có này cũng trở nên nổi tiếng với vấn đề thực sự đáng lo ngại - nước có tỷ lệ các tay súng chiến đấu thánh chiến cao nhất Châu Âu. Ít nhất 100 người Đan Mạch được cho là rời đất nước để đến chiến đấu ở Syria và Iraq.

Đan Mạch đối mặt với tình thế khó xử: phải làm gì khi các tay súng này trở về nước? Aarhus, thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch, cho rằng họ có câu trả lời. Thành phố đưa ra một chương trình cải tạo các phần tử thánh chiến trở về nước từ Syria. Chương trình không cố gắng thay đổi niềm tin chính thống của tay súng, miễn là họ không ủng hộ bạo lực.

Không giống như một số nước khác, những người này không được xem là tội phạm tại Đan Mạch. "Bạn không bị kết tội khi chiến đấu ở Syria trừ khi bạn tham gia một nhóm tổ chức khủng bố. Cuộc sống của tôi trước và sau khi đi không có gì thay đổi", Omar giải thích. Omar biết một số người như anh sau khi trở về tham gia chương trình chống cực đoan hóa, và cảm thấy hài lòng.

Theo cảnh sát, đó là giải pháp không có gì quá đặc biệt. Nó chỉ đơn giản là chương trình phòng chống tội phạm với trọng tâm là các phần tử thánh chiến. 

Trái ngược với Anh

Chương trình của Đan Mạch hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của Anh. Các tay súng chiến đấu của Anh trở về nước thường xuyên phải đối mặt với giám sát, bị kết tội khủng bố, và bỏ tù.

London cũng đang xem xét các biện pháp cấm các tay súng chiến đấu trở về nước theo Luật Điều tra và Chống khủng bố (TPims) do lo ngại những phần tử này có thể thực hiện các hoạt động khủng bố trong nước sau khi trở về. Chính quyền London cũng đưa ra một số chương trình chống cực đoan - chủ yếu là nhằm ngăn chặn người Anh trở nên cực đoan - nhưng không có mục tiêu cụ thể đối với những người trở về từ Syria.

Trong năm 2008, Anh chi 140 triệu bảng cho hoạt động chống chủ nghĩa cực đoan nhưng giờ  giảm xuống còn 1,7 triệu bảng. Một phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh nói với CNN: "Chúng tôi chấp nhận rủi ro từ những người trở về từ Syria. Một số trải qua những kinh nghiệm đau thương và một số khác có thể bị cực đoan hoặc dễ bị cực đoan. Ở Anh, chúng tôi phối hợp với cảnh sát và y tế, hỗ trợ tốt nhất và giúp họ tái hòa nhập xã hội".

Vì vậy, ông Jorgen Ilum cho rằng, phương pháp mà Đan Mạch đang thực hiện thực sự có hiệu quả. Tuy nhiên, còn quá sớm để biết liệu chương trình có thành công trong dài hạn hay không.

An Bình
(Theo CNN)