Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công (*)

Thứ ba, 15/10/2013 17:06

(Cadn.com.vn) - Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Hội nghị T.Ư 7 (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, có thể được xem là điểm nhấn mới về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình hiện nay. Điều này càng cho thấy, dù ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta cũng không quên vai trò lịch sử đặc biệt to lớn của quần chúng nhân dân, bởi "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", bất kỳ tình thế nào cũng phải biết dựa vào dân, chịu sự đùm bọc giúp đỡ và giám sát của dân và kiên quyết đi đến mục tiêu cuối cùng là bảo đảm cho đất nước được tự do, độc lập, phồn vinh và nhân dân luôn được ấm no, hạnh phúc.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thì nhiệm vụ vận động quần chúng (sau đây gọi là dân vận) đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc, theo tinh thần "việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh" như lời nhắc nhở trong nội dung Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945. Thực tế cho thấy, phong trào cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ miền ngược đến miền xuôi; từ đồng bằng, thành phố cho đến hải đảo xa xôi, công tác dân vận được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thi đua thực hiện sôi nổi, đều khắp trong hơn ¼ thế kỷ qua, đã tạo ra thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực xã hội.

Bên cạnh những thành tựu, Đảng ta cũng đã thẳng thắn nhận ra rằng: "...Một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước"(1). Những yếu kém, hạn chế về công tác dân vận trong thời gian qua cũng được T.Ư chỉ ra những nguyên nhân từ phía chủ quan, đó là: "... Một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác dân vận; chưa thấy hết trách nhiệm và chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống..."(2). Từ những vấn đề trên, cũng có thể đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng trong một chừng mực nào đó, trong một bối cảnh lịch sử cụ thể nào đó, chúng ta đã tự mãn, dừng lại? và động thái đó đã chừng mực nào làm cho nội dung vận động, phương thức tiến hành công tác dân vận trở nên lạc hậu, sút kém, làm giảm hiệu ứng của mục tiêu các cuộc vận động, đồng nghĩa với làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta?

Lực lượng CA tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Nghị quyết số 25 xác định mục tiêu: "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân... phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"(3), BCH T.Ư Đảng đã xác định 5 quan điểm cần quán triệt khi tiến hành công tác dân vận trong thời gian tới, đồng thời xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng ta đối với công tác vận động quần chúng của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đúng theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Trong khi đó, tại văn kiện Đại hội XI của mình, Đảng ta tỏ rõ quyết tâm "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Để thực hiện quyết tâm chính trị ấy, chúng ta có rất nhiều việc để làm và phải làm một cách quyết liệt, trong đó công tác dân vận phải được đặt ra đúng tầm, đúng hướng với những nội dung vận động và phương thức tiến hành phù hợp với thực trạng đất nước và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay như Hội nghị Trung ương 7 đã khẳng định, đó là: "...Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng chưa đầy đủ và vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Trong những năm tới đòi hỏi tiếp tục phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của mọi lĩnh vực hoạt động trong đất nước ta; giải phóng mọi tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế; phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và ý chí kiên cường của người Việt Nam".

Tiếp tục nghiên cứu quán triệt và học tập trở lại bài báo Dân vận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và báo Sự thật (cơ quan T.Ư của Đảng lúc bấy giờ) đăng ngày 15-10-1949, chúng ta càng thấy tư tưởng vô cùng vĩ đại, quan điểm hết sức đúng đắn của lãnh tụ về công tác dân vận. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ làm công tác dân vận phải tiến hành đồng bộ 6 yếu tố "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Đối chiếu với thực tế thời gian qua thì thấy rằng, khi làm công tác dân vận mà ai chuyên tâm vận dụng đầy đủ các yếu tố trên, ắt mang lại hiệu quả công việc rất to lớn, nhiều cán bộ, đảng viên trực tiếp làm công tác dân vận đã được biểu dương, khen ngợi trong thời gian qua, chính là những người đã biết học hỏi nghe lời và làm theo những gì mà Bác Hồ dạy đối với người làm công tác dân vận, đó chính là những bài học cực kỳ quý báu rút ra từ thực tiễn vốn còn nhiều khó khăn, bất cập, là cẩm nang hành động trong công tác dân vận của mọi thời đại.

Với thành tựu đã đạt được qua 27 năm thực hiện đường lối đổi mới, và cả những mặt hạn chế, yếu kém đang tồn tại mà toàn Đảng và toàn dân cần tập trung khắc phục, chúng ta đã có được những bài học hết sức quý báu về sự nhìn nhận đúng đắn sức mạnh vô địch của nhân dân, rằng nếu không biết dựa vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thì sớm hoặc muộn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ phá sản, không phải ngẫu nhiên mà đã có câu thành ngữ mang tính triết lý bất hủ, vừa khẳng định vai trò trọng yếu và sức mạnh vô địch của nhân dân, vừa là sự cảnh tỉnh cho những ai đã và đang xem nhẹ vai trò to lớn ấy, đó là "đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân". Thiết nghĩ, nên thêm một vế nữa được đứng trước câu nói bất hủ đó, là "đóng thuyền là dân", để thấy rõ hơn nữa vai trò, vị trí và động lực to lớn của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ta, trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(*) Trích lời trong bài báo Dân vận của Hồ Chủ tịch

(1),(2),(3): Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương 9 (khóa XI).

Mai Mộng Tưởng