Đắng cay phận phu vàng

Thứ hai, 25/05/2015 12:24

* Kỳ 1: Mùa... "săn đầu người"

(Cadn.com.vn) - Chen lẫn trong những cánh rừng già của huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) là những mỏ vàng có trữ lượng hàng tấn. Mỗi mỏ với hàng trăm công nhân lao động cật lực. Mỗi người mỗi số phận, mỗi cảnh đời riêng. Vì hoàn cảnh gia đình, họ chấp nhận đánh cược tính mạng, đánh cược tuổi xuân để theo cái nghề làm vàng. Nhưng thực tế, “ngồi trên đống vàng” chỉ dành cho những ông chủ, còn người làm công phải đối mặt với không ít thảm cảnh éo le, thậm chí đổi cả tính mạng. Và, không biết đến bao giờ, nạn bóc lột sức lao động, sử dụng lao động trẻ em ở các bãi vàng nơi đây mới chấm dứt. Nói như ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND H. Phước Sơn thì thực trạng trên “không kiểm soát nổi”.

Cứ tầm sau Tết Nguyên đán, các Cty khai thác vàng trên địa bàn H. Phước Sơn lại cho quân đi “bắt phu”. Đa số các phu vàng “bị bắt” đều là người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi phía Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa... Mùa cao điểm ở “thiên đường vàng” Phước Sơn, có đến hàng ngàn phu vàng dưới trướng của các ông chủ bãi đổ về, lật tung những quả đồi để tìm vàng theo lệnh chủ. Theo tiết lộ của anh M. - một trong những đại gia làm vàng ở Phước Sơn,  “máu mặt” nhất phải nói đến ông chủ Cty H.V - một trong những Cty có nhu cầu tuyển phu cao nhất. Hiện tại, kể cả những nơi có phép và không phép dưới trướng của Cty H.V, mỗi năm phải tuyển mới hàng nghìn lao động mới đủ đáp ứng cho công trường vàng khổng lồ nơi đây.

Đội quân bắt phu đang ngồi giải lao ở quán nước bên Cty H.V.

Chúng tôi hỏi vì sao không sử dụng số lao động cũ mà phải tuyển mới như vậy? Anh M. chỉ nói ngắn gọn: Chủ vàng là những đại gia máu mặt sống trên sức lao động của công nhân, nên một khi công nhân tìm đường về được nhà thì họ không bao giờ muốn quay trở lại. Để có lượng phu vàng đủ đáp ứng cho công việc, chủ Cty H.V xây dựng cho mình một đội ngũ chuyên phụ trách việc “bắt phu”. Qua tìm hiểu được biết, đội ngũ bắt phu trên hầu hết là những cô gái trẻ, có nhan sắc và đều là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc. “Trước đây, đa số họ cũng đều là các phu vàng được tuyển dụng. Tuy nhiên, sau đó họ được lãnh đạo Cty để mắt đến rồi được “ưu ái” cho làm công việc nhẹ nhàng mà thu nhập cao, đó là đi bắt phu” - anh T., một trong những phu vàng vừa giải nghệ cho chúng tôi biết.

Để tiếp cận đội ngũ này, chúng tôi nhập vai những lữ khách đường xa đến. Tấp vào quán nước ven đường bên trụ sở Cty H.V, những ánh mắt soi mói của những tên “mặt rô” và những cô gái “ném” về phía chúng tôi, những tiếng nói cười bỗng ngưng hẳn. Vừa kéo ghế ngồi xuống, bà chủ quán ở tuổi ngũ tuần liền hỏi dò: “Mấy chú ở đâu đến mà nhìn lạ thế?”. “Dạ, tụi em ở trên Kon Tum xuống Đà Nẵng, trời nóng quá nên ghé uống nước!”. Nghĩ là khách đường xa sẽ không ảnh hưởng gì đến “công việc” của mình, chủ quán mới bắt đầu đon đả lấy nước cho chúng tôi. Và lúc này, những tiếng nói cười của đội ngũ bắt phu nơi quán nước cũng bắt đầu náo nhiệt trở lại.

“Cò” vừa bàn giao 5 phu vàng “nhí”.

Mới nhìn đội quân với những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi trong quán nước không ai nghĩ đó là những “tú bà” chính hiệu. Gần 10 cô gái trắng trẻo, xinh tươi, ăn mặc sành điệu, xài điện thoại Iphone đắt tiền, có cô trông chẳng khác gì người mẫu. Đặc biệt, khi tiếp xúc với nhau, đội quân này toàn nói tiếng đồng bào thiểu số. Đồng nghiệp đi cùng chúng tôi thì thầm: Đúng là đội quân “săn đầu người”. Gọi như vậy cũng đúng, bởi qua tìm hiểu được biết, với tờ giấy giới thiệu của Cty, đội quân này sẽ về các vùng quê xa xôi, hẻo lánh để săn lùng các thanh thiếu niên vào làm phu vàng. Mỗi quân “săn” được, ông chủ sẽ trả cho họ 1 triệu đồng  tiền thù lao. Như vậy, với mỗi chuyến đi 3 - 5 ngày, mỗi “cò” sẽ “săn” được trên dưới 10 quân, thu về trên dưới chục triệu đồng.

Chúng tôi đang quan sát thì một giọng nói cất lên: “Này con kia, lần sau đừng đưa mấy thằng nhỏ như thế này vào nhé, đã nói dưới 14 tuổi là không nhận” - tên “mặt rô” mắng một “cò” vừa bàn giao quân. Cô “cò” tuổi chừng đôi mươi nhỏ nhẹ: “Anh cả thông cảm, lúc này khan hiếm quân quá. Lần sau em sẽ giao hàng tốt hơn”. Mắng vậy nhưng tên “mặt rô” vẫn ghi số lượng quân vào tờ giấy đang cầm rồi trở lại ngồi đánh bạc.

Sau khi được cò giao quân cho tên “mặt rô”, các phu vàng “nhí” nhanh chóng rời khỏi quán nước để lên xe và chiếc xe chở các phu vàng nhanh chóng vào bãi.

Một lúc sau, từ trong nhà chủ quán, 5 thiếu niên tuổi 14 - 15 lần lượt được dẫn sang trụ sở Cty. Ngay lúc đó, chiếc xe 7 chỗ màu đen  trườn tới đỗ ngay trước cổng, 5 thiếu niên vội vã được đưa lên xe chở thẳng vào bãi vàng...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dù hằng năm, các Cty khai thác vàng ở Phước Sơn vẫn luôn tuyển phu mới, nhưng nhu cầu không bao giờ đủ. Bởi trong quá trình lao động, các phu vàng bị bóc lột sức lao động cũng như tiền lương. Còn nhớ giữa năm 2014, vì không chịu nổi sự áp bức, bóc lột của chủ bãi, hàng trăm phu vàng đã kéo nhau băng rừng, vượt suối gần 50km ra đến TT Khâm Đức (H. Phước Sơn) để tìm đường về nhà. Vụ việc gây náo động cả “thung lũng vàng” khiến các ngành chức năng phải vào cuộc. “Ngoài bị bóc lột sức lao động, cuối năm Cty mới trả lương một lần, nhưng không bao giờ họ đưa đủ. Họ giữ một phần lương lại để có cớ giữ chân người lao động quay lại. Nhưng chúng tôi thà bỏ số tiền đó chứ không bao giờ quay lại làm việc ở nơi địa ngục trần gian đó nữa” - anh T. thổ lộ.

Bão Bình
(còn nữa)