Dang dở giấc mơ Làng du lịch sinh thái

Thứ tư, 20/02/2019 21:00

Ngược Hàn Giang bằng du thuyền lên cập bến ở làng du lịch sinh thái ven sông Yên với những ngôi nhà mái lá kiểu dáng xinh xắn, độc đáo; lên xe "tút tít cách tân" đi thăm làng nghề dệt chiếu Cẩm Nê và viếng mộ cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh; rảo quanh các làng quê Hòa Tiến, ngắm nhìn những rặng tre soi bóng xuống dòng sông phẳng lặng rồi dùng bữa trưa với các đặc sản làng quê trong làn gió thổi từ sông mát rượi xua tan mọi lo toan phiền muộn của đời thường… Đó là những kỳ vọng làm thay da đổi thịt vùng đất mà những chủ nhân lâu nay chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"… Ấy nhưng, giờ nó chỉ còn nằm trong ký ức!

Từng được kỳ vọng, nhưng nay Làng du lịch sinh thái Cẩm Nê bị bỏ hoang phế.

Kỳ vọng ở làng du lịch sinh thái…

Đường đến thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lồi lõm trải dài dẫn ra cánh đồng lúa mênh mông. Dọc đường đi, hoa Xuyến chi trắng mọc dại ven hai bên đường khẽ đung đưa theo từng đợt gió thoảng từ dòng sông Yên đẩy vào, phảng phất mùi hương đồng cỏ nội. Cẩm Nê vẫn mang dáng dấp và vẻ đẹp đơn sơ của một vùng quê nông thôn thuần túy hiếm có trong lòng thành phố phồn hoa như Đà Nẵng. Đi theo lời chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi tìm đến được điểm du lịch Làng sinh thái Cẩm Nê. Nằm nép mình bên dòng sông, cảnh tượng đầu tiên ập vào mắt chính là cái cổng chào xiêu vẹo, cỏ dại bao phủ toàn bộ khu du lịch. Một cây dương to bật gốc ngã vào làm sập gian nhà bếp bỏ hoang… Không khó để nhận ra, đã từ rất lâu khu vực này không có bàn tay chăm non của con người. Những khu chòi làm bằng tre và lợp bằng lá cũng đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, trở thành nơi trú mưa, nghỉ mát cho nông dân.

May mắn được ông Ngô Trường Mẹo, người dân thôn Cẩm Nê chỉ dẫn tận tình chúng tôi mới biết được khu Làng du lịch sinh thái Cẩm Nê này đã từng được đầu tư bài bản và được người dân địa phương kỳ vọng ra sao. Làng được xây dựng trên diện tích khoảng 7.000m2 bao gồm khu nhà hàng, nhà bếp, phòng nghỉ, khu nướng bếp củi, khu bắt cá, bến thuyền… tất cả đều được làm theo kiểu dáng dân dã, bằng vật liệu tự nhiên tre nứa, lá dừa… Sau một thời gian ấp ủ ý tưởng, xây dựng thì đến tháng 4-2016, Làng du lịch sinh thái Cẩm Nê do Cty TNHH MTV Nguyễn Eco chính thức đi vào hoạt động trong sự hân hoan của cả chính quyền địa phương lẫn người dân. Đất canh tác của người dân được thuê để xây dựng cơ sở, nhiều người địa phương cũng gác chuyện đồng áng đồng hành cùng doanh nghiệp làm giàu. Làng chiếu Cẩm Nê đang bị lãng quên cũng đứng trước cơ hội được hồi sinh. Các sản phẩm rau sạch xung quanh hứa hẹn cũng được hưởng lợi từ đây. Một số người dân địa phương trở thành bảo vệ, nhân viên phục vụ, đầu bếp… có thu nhập khá hơn so với làm nông. "Nhà có cây me đang lớn dáng đẹp, anh chủ đề nghị mua là thằng con trai của tôi bán ngay mà chẳng hỏi han ai. Mặc dù lúc đó rất bực nhưng tôi cười xuề xòa cho qua chuyện vì nó cũng đã góp phần làm đẹp thêm cảnh quan cho Làng du lịch", ông Mẹo kể lại lúc dự án đang trong giai đoạn hoàn thành.

 Ông Ngô Trường Mẹo kể lại những ký ức tươi đẹp về một làng du lịch sinh thái ở quê hương. 

Trả tiền thuê đất bằng… chuối!

Đã có vài tour thành công nhưng rồi những khó khăn không lường trước ập đến, khiến đơn vị đầu tư đành phải ngậm ngùi "bỏ của chạy lấy người", mặc cho cơ sở vật chất xuống cấp, một số nhân viên đến nay vẫn còn bị nợ lương. Bà Trịnh Thị Lý (65 tuổi) cho biết, đến nay chủ đầu tư vẫn còn nợ tiền thuê đất của bà, gọi điện thoại nhiều lần nhưng chủ cũng trình bày hoàn cảnh và xin được trả tiền thuê đất bằng dải chuối trồng ven làng du lịch. "Họ cũng khó khăn nên mới như vậy nên bà con ở đây cũng thông cảm, thật tình chẳng có ai muốn làm ăn thua lỗ", bà Lý tâm sự.

Ông Ngô Ngọc Trúc- Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến trao đổi, khi doanh nghiệp ngỏ ý đầu tư, chính quyền đã rất ủng hộ và đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân. Địa phương cũng chủ động cử cán bộ văn hóa học các lớp tập huấn thông tin về địa phương và chỉ đạo các lực lượng CAX, dân quân phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo ANTT trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, sau khi khai thác du lịch tại Cẩm Nê không hiệu quả, Cty TNHH MTV Nguyễn Eco đã dừng các hoạt động du lịch và mặc cho những hạng mục bị xuống cấp như hiện nay. Sở dĩ doanh nghiệp khó khăn, tour không thể phát triển được là do vướng đập ngăn mặn tại Nhà máy nước Cầu Đỏ khiến quãng đường di chuyển bằng đường thủy nội địa không thể thông suốt, bản thân doanh nghiệp cũng chưa bảo đảm được giấy phép vận tải đường thủy. Giao thông đường bộ vẫn phải sử dụng hệ thống đường bê-tông nội đồng nhỏ hẹp, ô-tô từ 7 chỗ trở lên không thể tiếp cận. "Chủ yếu là các nhóm phượt nhỏ lẻ bằng xe máy tìm đến khu du lịch là chính", ông Trúc nhấn mạnh.

Khu đất xung quanh và ao nuôi cá cạn nước nay được tận dụng trồng lạc.

Theo ông Trúc, địa phương đang nghiên cứu đề xuất xây dựng một bến "đò ngang" để chuyên chở khách du lịch từ một bến thuyền ở P. Hòa Thọ Tây (Q. Cẩm Lệ) sang Cẩm Nê để du lịch, đồng thời vận động doanh nghiệp quay lại. Tuy nhiên, vẫn đang chờ những "cú hích" về quy hoạch, chính sách và đầu tư cơ sở vật chất của thành phố để phát triển du lịch địa phương. Và tất nhiên, vẫn cần doanh nghiệp có tâm và đủ tầm để đầu tư, cùng sự quyết tâm của chính quyền để "vực dậy" một điểm du lịch sinh thái tiềm năng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương.

Những năm qua, được sự đầu tư của thành phố, du lịch đường sông đã có thay đổi nhưng để thực sự bứt phá, trở thành hoạt động hấp dẫn thu hút khách du lịch thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Các tour du lịch khai thác đường sông vẫn còn khá nghèo nàn, mới chỉ tập trung vào tham quan các cây cầu trên tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý. Đã đến lúc, thành phố cần có sự quyết tâm, cơ chế để khuyến khích các nhà đầu tư vào cuộc, xây dựng tour, tuyến phát triển du lịch về sinh thái, cộng đồng, di tích lịch sử… trong đó, cần vực dậy những giấc mơ dang dở của Làng du lịch sinh thái Cẩm Nê.

MAI VINH