Đàng Năng Thọ - đứa con làng gốm

Thứ hai, 09/12/2013 12:44

(Cadn.com.vn) - "Đàng Năng Thọ -  đứa con làng gốm" là tên gọi Triển lãm tranh tượng của hoạ sĩ Đàng Năng Thọ đang diễn ra tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Với gần 50 tác phẩm là tượng đất nung, tranh sơn dầu qua nhiều chủ đề khác nhau, triển lãm đã đem đến công chúng một không gian nghệ thuật mang phong cách rất riêng, khắc họa đời sống văn hóa Chăm Ninh Thuận một cách sinh động và đặc sắc.

Đàng Năng Thọ là họa sĩ người Chăm, hiện công tác tại Nhà Văn hóa H. Ninh Phước, tỉnh Ninh thuận. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1992, là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam.  Anh  từng tham gia triển lãm tranh tượng nhiều nơi trong và ngoài nước. Nghệ thuật của anh dường như  luôn mang đậm ký ức Chămpa, tựa một dấu nối huyền hoặc giữa truyền thống và hiện đại.

Họa sĩ Đàng Năng Thọ

Đàng Năng Thọ chọn sơn dầu làm chất liệu chính để diễn đạt các đề tài mang tinh thần đặc tả, hướng về một thời quá khứ vàng son. Ở loạt tranh trưng bày lần này, với những tác phẩm như: Mỹ Sơn, Tháng 4, Cambur, Theo mẹ, Lễ chùa Bàni 2, Ramawan, Già làng..., một lần nữa, Đàng Năng Thọ lại dẫn dắt người thưởng ngoạn đến một không gian trầm tư, cô quạnh, với những phiến đá rêu phong, những con người bước đi giữa bãi cát vàng mênh mông mộng ảo, và những lễ hội bàng bạc khói hương... Đặc biệt, ở bức tranh Già làng, mô tả chân dung một người Chăm lớn tuổi, với dáng đứng nghiêng nghiêng, họa sĩ  Nguyễn Thượng Hỷ đã thốt lên: "Đây rồi! Đây chính cái dáng Chăm điển hình nhất của phong cách Đàng Năng Thọ". Còn nhà nghiên cứu văn hóa Chămpa Trần Kỳ Phương thì cho rằng: "Hầu hết những nhân vật trong tranh Đàng Năng Thọ miêu tả về người Chăm hết sức tự nhiên. Bởi từng cử chỉ, từng dáng điệu rất riêng ấy đã ăn vào trong huyết thống của tác giả, khi diễn đạt anh không cần phải cường điệu chút nào cả".

Bên cạnh loạt tranh miêu tả truyền thống hiện thực, Đàng Năng Thọ còn có một số tác phẩm mang phong cách hiện đại, với lối sắp xếp các khối màu pha trộn rất thú vị như chùm tranh mang tên Ký ức, hoặc các bức Hoa văn âm dương..., nhưng điều đáng nói, dù ở lối diễn đạt nào, tác phẩm Đàng Đăng Thọ vẫn khẳng định rõ rệt bản sắc độc đáo của nghệ thuật Chăm. Ở phần tượng đất nung, vốn lâu nay được giới chuyên môn đánh giá là sở trường đích thực của Đàng Đăng Thọ, khi bước vào lĩnh vực này, anh mới thực sự "gặp được số phận mình". Năm 1998, tham dự triển lãm tại Ấn Độ, bức tượng "Luân hồi" của anh đã được các nhà tổ chức chọn làm biểu tượng chung cho triển lãm. Bức tượng "Tạ ơn" đoạt giải ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Năm 2004, bức tượng "Người trầm tư" tham dự triển lãm Mỹ thuật  miền Đông Nam Bộ đoạt giải nhì (không có giải nhất)...

Tác phẩm "Theo mẹ".

Trong tiềm thức Chămpa của Đàng Năng Thọ, dường như vọng âm đất còn rền vang trong những viên gạch tháp cổ. Đất trong bàn tay Đàng Năng Thọ không còn là đất nữa. Bằng lửa rơm và củi tagalau (tiếng Chăm: cây bằng lăng), anh đã truyền cho nó những hình hài cụ thể cộng với tài năng ngẫu cảm của mình để bắt chúng phải lên tiếng. Nhà thơ Vương Tâm nói: "Tôi có cảm giác qua những bức tượng, anh đã truyền được ngọn lửa Chăm nóng bỏng như ánh mặt trời rực rỡ trên những sa mạc cát ở Ninh Thuận, quê hương anh". Tuy nhiên, dù tranh hay tượng, đề tài mẫu tử vẫn để lại dấu ấn đậm nét trong sáng tác của Đàng Năng Thọ.  Bởi với anh,  trong mớ ký ức ấu thơ còn sót lại, ngày xưa nghèo khó, lại là con một trong gia đình nên mỗi khi đi đâu, mẹ cũng dắt đi cùng. Mẹ chính là dòng sữa nuôi dưỡng tâm hồn anh trên con đường nghệ thuật.

Tác phẩm "Niềm vui của mẹ".

Theo nhà thơ Inrasara, Đàng Năng Thọ là một tài năng xuất chúng của người Chăm. Khi những hình khối bất ngờ hiện lên như những tia chớp lóe sáng, anh ghi lại và nhào đất. Với hai bàn tay như linh cảm mách bảo, anh đã tạo dựng lại những gì ẩn chứa từ thân phận người qua kiếp trầm luân đậm chất Silva huyền ảo. Đó là sự hủy diệt và tái sinh. Trả lời về nghệ thuật đất nung của mình, Đàng Năng Thọ chỉ nói đơn giản: "Tôi vẫn làm như cha ông ta nung gốm thôi. Chỉ có điều, trước khi nổi lửa, bao giờ tôi cũng chắp tay, vái lên trời ba vái, nhờ thần linh phù hộ. Tôi nặn tượng, còn thần linh pha màu. Tượng của tôi, màu sắc rất lạ. Chính tôi cũng không thể nào hình dung trước được. Màu sắc mới là linh hồn của tượng. Cái đó, tôi đâu có làm ra được!".

Trần Trung Sáng

Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng Chăm nhỏ bé có tên "Pa ley Hamutrok" (làng Bầu Trúc), xã Phước Dân, H. Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ở làng tôi, từ bao đời nay, người ta vẫn còn lưu giữ nghề gốm cổ truyền-ấy chính là nghệ thuật nắn nót tạo hình những cái chum, vại, nồi đất... Từ tấm bé, tôi đã được sống trong thế giới của nghệ thuật. Những hình tròn mà nghệ nhân tạo ra, những hoa văn thô sơ trên gốm màu chín đỏ đã in vào tâm hồn tôi tự lúc nào!  Sau này, khi lớn khôn, mỗi lần đặt chân đến một ngọn tháp- nhất là tháp Pô Rô Mê thời cuối cùng, lòng tôi cứ se lại, liên tưởng đến thời vàng son của dĩ vãng để rồi vẽ lên những bức vẽ đầu tiên trên các tấm ván thô nhám...

(Đàng Năng Thọ).